Chuyến công du bất ngờ
Thế giới - Ngày đăng : 06:16, 05/12/2010
Do thời tiết xấu khiến ông không thể đáp máy bay trực thăng vào trung tâm thủ đô Kabul, nên cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống B. Obama với người đồng cấp nước chủ nhà Hamid Karzai đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại. Trong chuyến thăm ngắn ngủi này, Tổng thống B.Obama đã hội đàm với Tư lệnh NATO tại Afghanistan, Đại tướng Mỹ David Petraeus và Đại sứ Mỹ ở Afghanistan Karl Eikenberry.
Tổng thống B.Obama gặp binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Bagram, Afghanistan chiều 3-12. |
Đây là chuyến thăm bất ngờ lần thứ hai của ông B.Obama tới Afghanistan kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ (chuyến thăm đầu tiên vào tháng 3 năm nay). Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng chuẩn bị công bố báo cáo xem xét chiến lược chiến tranh tại Afghanistan trong một hoặc hai tuần tới và sau vụ rò rỉ tài liệu của trang mạng WikiLeaks về cuộc chiến tại đây. Phát biểu trước binh sĩ Mỹ ở căn cứ Bagram, Tổng thống Obama khẳng định quân đội Mỹ đang thắng trong cuộc chiến chống Taliban; song, người đứng đầu nước Mỹ nhấn mạnh "những ngày tháng khó khăn vẫn đang ở phía trước".
Sự kiện Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật cho phép chi thêm 33 tỷ USD (cuối tháng 7 vừa qua) cho việc phái thêm 30.000 quân đến Afghanistan theo quyết định gửi quân tiếp viện được Tổng thống B.Obama ký hồi tháng 12-2009 được cho là sẽ tạo một bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống Taliban. Nhưng thực tế, giới quan sát cho rằng khi người Mỹ càng đổ nhiều "người và của" cho cuộc chiến ở Afghanistan thì họ lại càng sa lầy ở đây. Mỹ chỉ có thể tiến hành một cuộc chiến nửa vời với 30.000 quân tiếp viện và 33 tỷ USD theo sau "yểm trợ". Số quân này đủ để ngăn ngừa chính quyền Afghanistan hiện nay khỏi sụp đổ, nhưng còn quá mỏng để thắng lợi trong cuộc chiến chống sự nổi dậy của Taliban. Bên cạnh đó, vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đang chịu sức ép mạnh bởi mục tiêu phải cho thấy những tiến triển đạt được trong cuộc chiến Afghanistan đã bước sang năm thứ 10. Năm 2010 được xem là năm đẫm máu nhất từ 10 năm qua của quân đội Mỹ ở Afghanistan với hơn 450 binh sĩ Mỹ đã tử trận. Trong báo cáo định kỳ trình Quốc hội Mỹ ngày 23-11 vừa qua, Lầu Năm Góc cho biết, từ tháng 4 đến cuối tháng 9-2010, các vụ bạo lực ở Afghanistan tăng 300% so với năm 2007 và 70% so với năm 2009. Kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ chế độ Taliban năm 2001, tổng cộng khoảng 1.400 lính Mỹ đã tử trận ở chiến trường này.
Những số liệu trên thể hiện rằng, những nỗ lực của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm xây dựng một hệ thống chính trị ổn định và một nền kinh tế phát triển ở Afghanistan đang bị thách thức. Sự thuyết phục cả ở trong nước lẫn cộng đồng quốc tế của Chính phủ Tổng thống Hamid Karzai về một nền an ninh lâu dài cho Afghanistan đang bị hoài nghi. Trong khi đó, Taliban vẫn đang lộ rõ sự trỗi dậy. Hơn nữa, khi hàng nghìn tài liệu mật của cuộc chiến ở Afghanistan vừa bị mạng tin WikiLeaks tiết lộ, càng cho thấy bức tranh đen tối tại chiến trường Nam Á này là sự thật và không khác nhiều so với những gì mà nhiều người đã biết.
Tổng thống Mỹ B.Obama từng tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc chiến và rút quân ra khỏi Afghanistan vào tháng 7-2011, tức là 18 tháng kể từ khi ông quyết định gửi thêm quân tới Afghanistan. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng cũng thừa nhận rằng công việc chống khủng bố không thể kết thúc một cách nhanh chóng. Bởi lẽ, sau gần 10 năm chiến tranh hao tiền, tốn của và hy sinh nhiều nhân mạng tại chiến trường Afghanistan thì Mỹ đâu có thể dễ dàng lui binh khi quyền lợi lâu dài của nước Mỹ tại đây chưa được bảo đảm.
Chuyến thăm binh sĩ trên chiến trường thật ngắn ngủi và bất ngờ nhân mùa Giáng sinh của Tổng tư lệnh quân đội Mỹ B.Obama đã đem lại ít nhiều khích lệ cho binh sĩ liên minh NATO - Mỹ tại Afghanistan. Tuy nhiên, sứ mạng chiến đấu của binh sĩ Mỹ tại Afghanistan thật khó có triển vọng sớm chấm dứt, ảnh hưởng tới kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan vào năm tới. Đây sẽ là thách thức lớn với ông chủ Nhà Trắng B.Obama khi thời điểm tái tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2012 đang đến gần.