Hệ lụy tăng lãi suất

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:14, 04/12/2010

(HNM) - Sau một thời gian sốt xình xịch, giá vàng và USD tự do trong nước đã tạm


Đầu tháng 11, các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng đã đồng thuận mức lãi suất huy động không quá 12%/năm kể từ ngày 8-11. Tuy nhiên, chỉ sau đó một tuần, nhiều ngân hàng đã "phá rào", ào ạt đẩy lãi suất huy động lên cao, 13%, rồi 14,5%/năm, thậm chí còn có những chiêu lách để khách hàng hưởng 15%/năm. Lãi suất huy động nhảy múa, kéo theo lãi suất cho vay cũng phi mã, cho vay phi sản xuất lên tới 18-20%/năm, tiệm cận mức kỷ lục của năm 2008, vượt khả năng chịu đựng của nhiều khách hàng. Thỏa thuận đã bị phá vỡ. Ngân hàng nại lý do lạm phát quá cao để tham gia cuộc đua lãi suất nhằm huy động vốn. Người có tiền cho vay cũng mừng. Chỉ khổ người đi vay, cả với doanh nghiệp lẫn cá nhân vay tiêu dùng, tất cả đều "méo mặt".

Thực tế là hầu hết các mức lãi suất ngất ngưởng đều rơi vào các ngân hàng nhỏ. Do không có lợi thế về năng lực cũng như mạng lưới hẹp nên "vũ khí" cạnh tranh chính của họ là lãi suất cao. Các ngân hàng nhỏ lại có tỷ lệ cho vay trung và dài hạn khá cao, thời hạn 3 đến 5 năm mới thu hồi, trong khi đó tiền huy động thì liên tục có khoản đáo hạn, khiến các ngân hàng phải "ăn đong", việc nâng lãi suất để thu hút vốn, bảo đảm thanh khoản là giải pháp đơn giản và nhanh nhất. Chính vì thế mà tình hình lãi suất liên tục bất ổn.

Từ các lý thuyết kinh tế cũng như kinh nghiệm năm 2008, mặt bằng lãi suất tăng cao và kéo dài sẽ khiến tăng trưởng dư nợ tín dụng bị hãm lại, nguy cơ lạm phát giảm. Nhưng nếu câu chuyện lãi suất không được xử lý sớm thì phần thiệt sẽ thuộc về doanh nghiệp, người dân khi phải chịu mặt bằng lãi suất cao hơn, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản, nhất là khi họ vừa gượng dậy sau "sóng dữ" 2008. Ngày 2-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: Lãi suất tăng cao, đương nhiên ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh và đời sống, việc làm... Ngày 1-12, Hiệp hội Ngân hàng cũng phát đi thông điệp giữ nguyên mặt bằng lãi suất huy động 12%/năm, tôn trọng sự khuyến mãi của các tổ chức tín dụng. Như vậy là lãi suất vẫn có chỗ "thả nổi", thị trường khi nào ổn định còn phải chờ. Và đây cũng chính là thiệt thòi nữa của người vay, vì họ không biết mình sẽ còn phải chịu lãi suất vay cao đến lúc nào.

Dịp cuối năm, cũng là lúc thị trường có nhiều biến động, một khi cuộc đua lãi suất không được ghìm cương, khi ấy dĩ nhiên tăng trưởng kinh tế sẽ chịu tác động không nhỏ, tiền đồng giảm giá mạnh sẽ tác động đến sức hút đầu tư, ngoài ra còn có rất nhiều những hệ lụy kinh tế - xã hội khó lường khác nữa có thể xảy ra… Đầu tháng 11, Hiệp hội Ngân hàng cũng đưa ra quan điểm, khi Chính phủ can thiệp tỷ giá và vàng chính là đã có giải pháp hỗ trợ cho lãi suất. Vì vậy trong lúc này không nên có động tác làm cho lãi suất bị xáo trộn. Còn nếu Chính phủ tuyên bố cho phép thực hiện ngay lãi suất thỏa thuận thì Hiệp hội sẽ gỡ bỏ ngay đồng thuận và không chịu trách nhiệm về sự mất ổn định của thị trường tiền tệ trong những tháng giáp tết.

Có thể thấy trong bối cảnh hiện nay, giải quyết được ổn định thanh khoản là cái gốc của vấn đề, nhưng cần nhìn đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, không thể vì sự bị động thanh khoản của các ngân hàng thương mại mà để bất ổn định lãi suất.

Nữ Quỳnh