Chặng đường chông gai
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:50, 04/12/2010
Tuy nhiên, nhìn vào những động thái của hai bên trong những ngày gần đây thì dường như thực tế đang diễn ra không dễ dàng như những gì thế giới đang trông đợi. Để chạm được vào cái gọi là "bước ngoặt lịch sử" trong quan hệ, hai bên hẳn còn phải cùng vượt qua một chặng đường vô cùng chông gai.
Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev ký START mới vào tháng 4/2010. (Ảnh: AP) |
Về START mới, nếu xét ở khía cạnh kỹ thuật, không có điều gì cản trở Quốc hội Nga phê chuẩn hiệp ước này. "Quả bóng" hiện nay đang ở "phần sân" Mỹ và phụ thuộc khá nhiều vào lập trường của các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa - vốn cho rằng các nhà thương thuyết Mỹ đã có quá nhiều nhượng bộ với Mátxcơva. Các thành viên đảng "Con voi" cũng không hài lòng với cách trói buộc START cùng thành phần NMD được Mỹ dự kiến triển khai ở châu Âu. Mặc dù trên văn bản, yếu tố này chỉ được ghi ở chỗ, Nga có quyền rút khỏi hiệp ước bất cứ lúc nào, nếu cảm thấy hành động của Mỹ đe dọa nền an ninh Nga. Nhưng đây vẫn chưa hẳn là những chướng ngại chính cản trở START đi đến đích. Trên thực tế, kiểm soát vũ khí không phải là vấn đề quá hệ trọng trong bối cảnh chính trường Mỹ đang bị chi phối nặng nề bởi những lo toan kinh tế. Điều cốt yếu là, những chia rẽ trong môi trường chính trị khiến cho người của đảng Cộng hòa khó có thể "mở lòng" để trao cho người của đảng Dân chủ một chiến thắng được xem là thành tựu đối ngoại đỉnh cao của ông B.Obama. Vì thế, đảng Cộng hòa đang khai thác triệt để vấn đề này nhằm gây sức ép với Tổng thống B.Obama trong nhiều lĩnh vực khác. Ngoài ra, cái khó của ông B.Obama trong "cuộc chiến" tại Thượng viện vào cuối tháng 12 là tại cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, đảng Dân chủ đã để mất một số ghế cho phía Cộng hòa. Điều này đồng nghĩa Tổng thống B.Obama sẽ phải "vất vả" hơn nữa để thuyết phục ít nhất 14 nghị sĩ đối lập bên cạnh 53 nghị sĩ Dân chủ thì mới đủ 2/3 số phiếu cần thiết để thông qua START.
Lẽ dĩ nhiên, Mátxcơva phải dõi theo cách Washington xử lý "trái bóng" để có biện pháp ứng xử thích hợp. Nếu tốc độ "nghiên cứu" START mới tại Quốc hội Mỹ tiến triển chậm lại, Nga hiển nhiên cũng sẽ có lựa chọn tương tự. Đây là lý do sau nhiều lần bị lỡ kế hoạch chuẩn y trước khi Thượng viện Mỹ và đảng Dân chủ bị mất một số ghế đáng kể trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Konstantin Kosachev đã quyết định rút lại đề nghị phê chuẩn hiệp ước.
Còn về hợp tác trong NMD, NATO phải chấp nhận 4 điều kiện mà Tổng thống D.Medvedev đưa ra, đó là bình đẳng, công khai, minh bạch, hợp tác về công nghệ và trách nhiệm chung. Nghe qua tưởng đơn giản, nhưng đi vào thực hiện cụ thể lại sẽ là chuyện không hề nhỏ và chẳng dễ dàng đáp ứng. Vì yêu cầu của Nga là "bằng vai phải lứa" với NATO, chứ không phải chỉ như một đối tác hay một thành viên NATO. Đó còn là cùng quyền lợi và trách nhiệm, cùng quyết định và thực hiện. Trong khi đó, dường như NATO lại chưa có kế hoạch cụ thể cho tình huống này. Đó là chưa xét đến về bản chất, Nga chấp nhận tham gia NMD ở châu Âu không ngoài mục đích kép. Thứ nhất, nhằm có tiếng nói đúng mức trong toàn bộ quá trình triển khai kế hoạch NMD. Thứ hai, không để Mỹ thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình; đồng thời tạo thế để can dự vào tiến trình thực hiện NMD của Mỹ tại châu Âu sao cho an toàn nhất cho nước Nga. Ngược lại, NATO cũng không thể không tính tới lợi ích riêng trong kế hoạch NMD. Vì vậy, thật có lý khi cho rằng sự đồng thuận tại Lisbon vừa qua chỉ mang tính nguyên tắc. Nói một cách hình tượng hơn, Nga chưa thể trao chìa khóa an ninh cho người khác dù chỉ trong giây lát; ngược lại Mỹ và NATO cũng chưa sẵn sàng có hành động tương tự.
Không thể phủ nhận quan hệ Nga - Mỹ hay Nga - NATO đang có bước tiến đáng kể. Thế nhưng, định hình lại mối quan hệ đó trên thực tế là một quá trình bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố; trong đó nghi kỵ luôn là một rào cản khó vượt. Những do dự trong quá trình cải thiện hợp tác giữa hai bên lại đang làm dấy lên mối lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới. Nhất là sau khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin (ngày 1-12), tuyên bố, Nga sẽ buộc phải tăng cường lực lượng hạt nhân nếu Mỹ không phê chuẩn START mới. Còn trong Thông điệp Liên bang (ngày 30-11), Tổng thống D.Medvedev đã không úp mở khi khẳng định rằng, trong trường hợp kế hoạch NMD chung với châu Âu thất bại, Nga cần phải xây dựng các loại hình vũ khí tấn công mới.