“Bắt” đất canh tác tăng lợi nhuận
Kinh tế - Ngày đăng : 08:22, 03/12/2010
Thu nhập cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa
Chăm sóc rau sạch tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức). Ảnh: Thái Hiền
Theo Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức: Hiện toàn huyện có 36 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó, các HTX vùng ven sông Đáy có nhiều diện tích đất cát pha phù sa, cây lúa kém phát triển nhưng lại rất thích hợp với rau mầu. Hơn nữa, nghề trồng rau quay vòng đất nhanh, chỉ từ 40 đến 60 ngày (tùy thuộc từng loại rau) đã có thể cho thu hoạch. Trung bình người nông dân trồng được 5-6 lứa rau/năm, thu nhập từ trồng RAT cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Năm 2007, huyện thực hiện thí điểm với diện tích 2,5ha tại HTX Tiền Lệ (xã Tiền Yên) với 18 hộ tham gia và tại HTX Phương Viên, Phương Bảng (Song Phương) với 126 hộ gia đình trồng hơn 3,7ha.
Ông Nguyễn Như Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Yên cho biết: Nằm ven sông Đáy, Tiền Yên được thiên nhiên ưu đãi cho dải đất phù sa màu mỡ, thích hợp với việc canh tác rau mầu. Với hơn 70ha chuyên trồng các loại rau xanh như cải, xà lách, mồng tơi, rau húng, dưa các loại nên nơi đây được xem là vùng rau xanh tốt nhất của huyện. Mỗi tháng, Tiền Yên cung cấp cho thành phố khoảng 10 tấn rau các loại. Theo ý kiến của người dân, khu vực này đất đai tương đối màu mỡ và chưa bị ô nhiễm môi trường nên cho thu nhập tương đối cao, nhiều hộ đã giàu lên nhờ trồng RAT. Anh Nguyễn Văn Vinh, một trong 18 thành viên của HTX RAT Tiền Lệ cho biết: "Khu ruộng nhà tôi có hơn 2 sào, năm nay canh tác được 4 vụ rau, trừ chi phí cũng thu được hơn 20 triệu đồng".
Cần có hướng đi toàn diện
Phó Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến nhận định: Trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm nữa, hầu hết diện tích đất nông nghiệp của huyện sẽ được chuyển sang phát triển đô thị, dịch vụ. Hoài Đức chỉ còn vài trăm hécta dành cho sản xuất rau. Chỉ có sản xuất RAT đời sống người nông dân mới được bảo đảm. Do đó, từ năm 2007, Phòng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả trung ương thực hiện dự án sản xuất RAT, triển khai tại một số xã trên địa bàn huyện. Một hệ thống giếng khoan quy mô gồm 18 giếng được đầu tư xây dựng. Viện Nghiên cứu rau quả trung ương cử kỹ sư về trực tiếp theo dõi và tư vấn kỹ thuật cho bà con. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, dự án RAT ở HTX Tiền Lệ đạt hiệu quả cao càng chứng tỏ được tính ưu việt của chuyển đổi mô hình cây trồng hợp lý. Anh Nguyễn Văn Hào, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên cho biết: "Trồng rau sạch vốn là mơ ước của xã viên HTX Tiền Lệ. Nhưng vì không có hướng đi cụ thể nên giấc mơ ấy vẫn chưa thực hiện được. Song từ khi triển khai dự án đến nay, hầu như vụ thu hoạch nào, sản phẩm RAT Tiền Lệ làm ra cũng được tiêu thụ hết". Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm RAT Tiền Lệ hiện nay vẫn là các chợ đầu mối rau quả trên địa bàn Hà Nội. Với tiềm năng và những gì đang làm được, chợ rau quả vẫn chưa phải là "bến đỗ" cuối cùng mà các thành viên HTX Tiền Lệ mong muốn cho sản phẩm của mình. Các siêu thị lớn mới là mục tiêu hướng tới của RAT Tiền Lệ. Tháng 6 vừa qua, Viện Nghiên cứu rau quả trung ương đã chính thức công nhận 9 loại rau được sản xuất tại 2 vùng chuyên canh rau Tiền Lệ (xã Tiền Yên) và Phương Viên (xã Song Phương) thuộc huyện Hoài Đức đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện trung bình mỗi ngày các vùng rau này cung cấp cho thị trường Hà Nội hàng chục tấn rau xanh, rau lấy củ và rau lấy quả các loại.
Là huyện ven đô có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển công nghiệp - đô thị, dịch vụ nhưng Hoài Đức vẫn còn trên 60% dân số ở khu vực nông thôn, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, trong thời gian tới, diện tích đất nông nghiệp toàn huyện chỉ còn chưa đầy 1.000ha khu vực bãi Đáy. Với lợi thế giao thông thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nông sản, huyện Hoài Đức đã tận dụng tối đa tiềm năng đất nông nghiệp để phát triển trồng trọt, nhất là rau mầu và cây ăn quả. Nhưng nông nghiệp ven đô nói chung và việc sản xuất RAT ở Hoài Đức nói riêng chưa có định hướng kế hoạch ngắn và dài hạn, vẫn là sản xuất nhỏ phân tán, sức cạnh tranh còn thấp... phụ thuộc và chờ quy hoạch chung của thành phố. Trong khi đó quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra tự phát và quá chậm. Các vấn đề về ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp ven đô như nước thải đô thị, chất thải rắn... chưa được chú ý đặc biệt và có phương án xử lý cụ thể. Để bảo đảm phát triển bền vững, huyện Hoài Đức cần giải quyết vấn đề một cách toàn diện giữa phát triển đô thị và vùng đất bãi; tiếp tục có những giải pháp cơ chế, chính sách hiệu quả nhằm bảo vệ không gian nông thôn của một huyện có tốc độ đô thị hóa vào bậc nhất khu vực phía tây Hà Nội. Đồng thời, nâng cao giá trị thu nhập của người dân trên đơn vị diện tích đất canh tác, đây cũng là tiền đề quan trọng để huyện thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.