Du lịch Việt Nam: Bao giờ cất cánh?
Du lịch - Ngày đăng : 07:44, 03/12/2010
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Nhật Nam |
Du khách quốc tế giảm, du lịch thất thu
Vượt qua những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009, năm 2010 được đánh giá là năm thành công của du lịch Việt Nam với việc thu hút lượng lớn du khách đến từ mọi thị trường. Trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất phải kể đến: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Pháp, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Singapore, Anh và Đức… đạt trên 100.000 lượt khách/năm.
Đánh giá về những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, nhờ việc triển khai có bài bản chương trình xúc tiến du lịch quốc gia và các hoạt động trọng tâm, trọng điểm khác của ngành, tổ chức thành công các sự kiện lớn như: Đại lễ 1000 năm Thăng Long và Năm Du lịch quốc gia 2010... nên năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2009. Các chỉ tiêu về lượng khách, doanh thu từ du lịch đều vượt xa kế hoạch ban đầu và giữ tốc độ tăng đều đặn. Đón được 5 triệu lượt khách trong năm nay thì đây là kỷ lục mới, bước tiến cực kỳ quan trọng của du lịch Việt Nam. Điều này cũng chứng tỏ, Việt Nam vẫn là điểm đến được du khách thế giới đánh giá là an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Tuy nhiên, ngay trong những tháng cuối năm, ngành du lịch đã thất thu một lượng không nhỏ khách quốc tế. Nếu xét theo khía cạnh thông thường, tháng 11 rơi vào mùa cao điểm đón khách quốc tế và lượng khách luôn cao hơn tháng 10. Vậy mà trong 10 tháng đầu năm, lượng khách luôn tăng dần thì đến tháng 11 chỉ đạt 428.300 lượt (giảm 11.370 lượt so với tháng trước). Lý giải trước thực tế trên, một đại diện doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội cho rằng, do trong tháng 11, thị trường lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam là Trung Quốc giảm 34.600 lượt khách so với tháng trước. Khách Trung Quốc thường chiếm khoảng 20% trong tổng số khách quốc tế của Việt Nam nên mỗi khi thị trường lớn này giảm thường kéo tổng lượng khách giảm.
Thiếu người làm du lịch chuyên nghiệp
Việt Nam có đủ các yếu tố để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thế nhưng ngay cả khi đã đạt, vượt chỉ tiêu đón khách đề ra trong năm 2010 thì ngành du lịch vẫn được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Vậy điều gì hạn chế du lịch Việt Nam cất cánh?
Mặc dù tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có gần 1 triệu người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và kéo theo đó nhiều triệu người hưởng lợi từ du lịch. Song những người làm du lịch chuyên nghiệp, tâm huyết, hiểu biết về nghề lại quá ít. "Thiếu chuyên gia đầu ngành, thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, số lao động được đào tạo đại học và sau đại học trong ngành chỉ chiếm 3%, khoảng 30% lực lượng lao động trong ngành du lịch chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Thêm vào đó, hướng dẫn viên thiếu trầm trọng, 45% hướng dẫn viên không thông thạo tiếng Anh, lực lượng quản lý chuyên nghiệp trong ngành càng thiếu...", thực trạng trên được chính Tổng cục Du lịch đánh giá, công khai thừa nhận.
Nhân lực yếu cộng với các tồn tại cố hữu khác như kết cấu hạ tầng không đồng bộ, năng lực cạnh tranh hạn chế, quảng bá xúc tiến chưa chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản phẩm du lịch nghèo nàn, môi trường suy kiệt... khiến du lịch gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển có chất lượng cao. Ngay cả loại hình du lịch, tỉnh, thành nào cũng đều tự hào địa phương mình rất đa dạng các loại hình, nào là du lịch sông nước, biển đảo, đến du lịch nghỉ dưỡng, di sản, văn hóa, di tích… Tuy nhiên, mỗi loại hình đó có những nét đặc thù gì, đầu tư tới đâu, phát triển như thế nào, nền tảng vật chất và con người ra sao, đem đến điều gì cho du khách thì hầu như không một địa phương nào làm được.
Tại cuộc họp với Bộ VH,TT&DL diễn ra mới đây, đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của ngành du lịch dẫn đến kết quả thực hiện chưa cao. Đầu tiên phải kể đến là việc quản lý giá cả dịch vụ du lịch tại một số địa phương trong thời kỳ cao điểm chưa được kiểm soát, hoạt động lữ hành vẫn xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh... Mặt khác, chương trình hành động quốc gia và xúc tiến du lịch triển khai chậm. Tất cả tồn tại cố hữu đó khiến du lịch Việt Nam vẫn chỉ ở dạng tiềm năng mà chưa thể cất cánh.