Cảm hứng khởi nguồn từ truyền thuyết

Văn hóa - Ngày đăng : 07:31, 03/12/2010

(HNM) - Triển lãm tranh

Từ truyền thuyết
"Kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên" - đó là lời Lạc Long Quân dặn dò 100 người con trước khi chia hai để theo cha lên rừng, theo mẹ xuống biển như trong truyền thuyết. Và đây cũng là khái niệm "đồng bào" trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam, là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Phạm Huy Thông là họa sĩ trẻ, đã từng được biết tới với các triển lãm "Cập nhật", trình diễn "Sờ thấy vinh quang". Nói về loạt tranh "Đồng bào", anh chia sẻ "Một triển lãm ra mắt phải mang một chủ đề thống nhất. Sau triển lãm "Cập nhật" về tranh Đông Hồ, tôi xoay suy nghĩ của mình về nguồn gốc của người Việt, về truyền thuyết "Con rồng cháu tiên". Sự tuyệt vời và bao quát của câu chuyện ấy tạo cảm hứng cho tôi sáng tác trong gần 2 năm qua".

Lấy những bào thai trong bọc trứng làm hình ảnh chủ đạo, Phạm Huy Thông đã vẽ 23 tác phẩm trong loạt tranh "Đồng bào". Trong mỗi bức anh đều dùng hình ảnh những hài nhi vẫn còn cuống rốn ở bụng, hài nhi này gắn với hài nhi khác bằng sợi dây rốn, như là một cách thể hiện tình ruột thịt. Cả 23 tác phẩm đều mang nền chủ đạo màu cam đỏ - màu sắc ấm áp bao bọc trong bụng mẹ. Ngay cả bức "Bầu trời màu tím", màu nền cũng chỉ sậm hơn một chút. Dùng hình ảnh bào thai không còn là mới mẻ trong hội họa, nhưng những bào thai với các cuống rốn dính liền với nhau là một sáng tạo thành công của Huy Thông, nó gợi tới truyền thuyết đẹp của dân tộc, giúp tác giả phản ánh được nhiều góc nhìn khác nhau trong các bức tranh.

Những góc nhìn về xã hội
Cái tên triển lãm "Đồng bào" đã gợi lên nhiều suy ngẫm cho người xem. Có thể thấy những vấn đề của xã hội được Huy Thông phản ánh một cách tinh tế. Sinh ra trong một gia đình cha mẹ là phóng viên, Huy Thông lớn lên trong môi trường của những sự kiện, thông tin, những tranh luận về xã hội. Anh đưa những nhận thức ấy vào trong các bức tranh, những bức tranh về các vấn đề nóng của xã hội, suy nghĩ về kiếp nhân sinh, thân phận người. Như bức "Dốc tiền", Huy Thông đã vẽ một chiếc xe tải đầy tiền, với những hài nhi đang gồng mình đẩy xe lên dốc. Anh lý giải "trong chiến tranh, chúng ta đã làm nên kỳ tích là đẩy xe pháo lên dốc bằng sức người và trong cuộc chiến kinh tế, chúng ta cũng đang cố gắng đẩy đồng tiền của mình, sức mạnh kinh tế của mình lên". Ở "Giao thông", những hài nhi với khuôn mặt cau có, hỗn loạn chen chúc với những chiếc ô tô nhỏ xíu phản ánh giao thông hiện tại. Bức "Cây của biển" lại đậm tính nhân văn khi Huy Thông vẽ một cái cây trên con thuyền độc mộc. Quả của cây là những hài nhi với cuống rốn là những cành cây…

Nhân vật là những hài nhi tròn trịa, mũm mĩm, nhưng những gì mà "Đồng bào" mang tới cho người xem lại là sự nhìn nhận về thế giới thực tại, thế giới của người lớn với bao vấn đề xã hội ngổn ngang. Tuy nhiên, những bức sơn dầu trên toan này vẫn khiến người xem có cảm giác ấm áp, như là một hài nhi đứng giữa bao anh em của mình trong bụng mẹ vậy.

Tần Tần