“Ác mộng” ở xứ Catalan

Thế giới - Ngày đăng : 07:26, 03/12/2010

(HNM) - Cuộc khủng hoảng nợ từ Hy Lạp không chỉ dừng lại ở phương diện tài chính, mà còn đang là thách thức vô cùng gai góc đối với tài năng và quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo ở châu Âu.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha đã lên đến mức kỷ lục - khoảng 20%.


Sự kiện Thủ tướng Ireland - quốc gia vừa nhận gói cứu trợ 85 tỷ euro để thoát khỏi thảm cảnh vỡ nợ - phải chấp nhận một cuộc bầu cử trước thời hạn chưa hết nóng, ngày 30-11, Chính phủ của Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero lại bị giáng một đòn mạnh khi đảng Xã hội cầm quyền bị "thảm bại" trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp tại vùng Catalonia giàu có của xứ sở bò tót.

Kết quả kiểm 100% phiếu bầu cho thấy, các cử tri xứ Catalan đã dành tới 62 ghế (tương đương 38,13% phiếu bầu) cho đảng Convergencia i Unio (CiU) theo đường lối dân tộc trong cơ quan lập pháp vùng gồm 135 ghế. Trong khi đó, đảng Xã hội chỉ có 28 ghế (18,55% phiếu bầu). Đây là kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử 32 năm tồn tại và phát triển của đảng Xã hội - vốn nắm quyền điều hành khu vực Đông Bắc thịnh vượng này của Tây Ban Nha từ năm 2003 đến nay. Thất bại càng làm gia tăng sức ép đối với Thủ tướng J.Zapatero, vốn đang phải đối mặt với những quan ngại Tây Ban Nha có thể lâm vào tình trạng tương tự như Hy Lạp và Ireland; đồng thời cũng là lời cảnh báo về một tương lai không mấy sáng sủa với đảng cầm quyền trong các cuộc bầu cử địa phương năm 2011 và tổng tuyển cử năm 2012.

Giống như những gì đã xảy ra trong các cuộc bầu cử địa phương ở Pháp, Đức trong năm 2010, sự thất bại của đảng cầm quyền Tây Ban Nha cho thấy đa số cử tri đã quá mệt mỏi với cơn "trọng bệnh" đang khiến các nền kinh tế ở khu vực vốn được coi là phồn thịnh của thế giới trở nên rệu rã. Chính sách "thắt chặt hầu bao" gây tổn hại nặng nề đến các quỹ phúc lợi, châm ngòi cho những bất ổn xã hội là nguyên nhân chính đẩy chỉ số tín nhiệm các nhà lãnh đạo xuống mức đáng lo ngại.

Theo giới quan sát, trong tình thế nan giải hiện nay, Chính phủ của Thủ tướng Zapatero trong 18 tháng cầm quyền còn lại sẽ không còn lựa chọn nào khác là phải dựa vào các chính đảng đối lập nhỏ khác để theo đuổi các cuộc cải cách và tránh tổng tuyển cử trước thời hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang ngập trong nợ nần hiện nay, mọi dự án nhằm vực dậy lòng tin đều có thể trở thành "nhiệm vụ bất khả thi".

Dù Thủ tướng J.Zapatero khẳng định nước này có kế hoạch đảm bảo để không phải cứu trợ từ bên ngoài và tỷ lệ nợ của Tây Ban Nha đối với GDP vẫn thấp hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU), nhưng, các nhà phân tích cho rằng, "vòng xoáy khắc nghiệt" sẽ thắt vào Tây Ban Nha nếu nước làng giềng Bồ Đào Nha theo chân Hy Lạp và Ireland. Theo dự đoán của Tập đoàn Citygroup, xứ Bò tót khó có thể tự "cầm cự" được đến năm 2012. Vì Tây Ban Nha không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Bồ Đào Nha mà còn là chủ nợ lớn nhất với tổng nợ nắm giữ lên tới 78 tỷ USD. Ngoài ra, trong hai năm qua, nền kinh tế ở đất nước trên 40 triệu dân này đã bị tàn phá nghiêm trọng do bong bóng bất động sản phình to và hậu quả cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009. Tỷ lệ thất nghiệp hiện tại đang ở mức kỷ lục - khoảng 20%, trong khi tăng trưởng kinh tế quý III vừa qua là con số 0 tròn trĩnh. Hiện tại, tổng nợ công của Tây Ban Nha lên tới gần 1 nghìn tỷ USD. Nợ tư nhân cũng đã ngấp nghé mức này. Vì thế, Tây Ban Nha hiện đang được coi là "cơn ác mộng kinh hoàng nhất" của khủng hoảng nợ châu Âu.

Cho đến nay, dù được coi là "giật gấu, vá vai", Quỹ bình ổn tài chính của EU (EFSF) trị giá 580 tỷ USD có thể nói là tạm ổn sau khi cứu Hy Lạp, Ireland. Kể cả Bồ Đào Nha, nếu trở thành nước thứ 3 xin giải cứu thì châu Âu cũng không đến nỗi rơi vào thảm họa tài chính. Thế nhưng, bất kỳ kế hoạch giải cứu nào dù không trông đợi được dành cho Tây Ban Nha, có quy mô kinh tế gấp đôi so với tổng quy mô của 3 nền kinh tế kể trên, sẽ khiến các nước giàu châu Âu lâm vào khốn đốn nếu muốn giúp nước nghèo hơn. Vì vậy, nhiều thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đề xuất tăng quy mô của EFSF lên gấp đôi, thành khoảng 1.000 tỷ USD để dự phòng khi Tây Ban Nha rơi vào tình trạng như Hy Lạp và Ireland.

Quỳnh Chi