Cộng đồng DN lạc quan hơn về môi trường kinh doanh tại VN
Kinh tế - Ngày đăng : 15:41, 02/12/2010
Diễn đàn do Tổ chức Tài chính Quốc tế - thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới – và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức. Các đồng Chủ tịch của Diễn đàn Doanh nghiệp là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Võ Hồng Phúc, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Victoria Kwakwa, và Giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính Quốc tế tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, Simon Andrews.
Môi trường kinh doanh đã sáng sủa hơn…
Tại diễn đàn, Ban Thư ký VBF đã công bố về Báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2010. Kết quả điều tra năm nay cho thấy mức độ lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại của Việt Nam đã tăng so với năm 2009 và những cảm nhận sáng sủa hơn về triển vọng kinh doanh trong những năm sắp đến. 75 doanh nghiệp (DN) điều tra cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong ba năm tới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng tiếp tục bày tỏ mối quan ngại về các lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng gian, hàng giả, thiếu lao động có tay nghề và sự yếu kém của cơ sở hạ tầng (mặc dù nhiều DN ghi nhận mức độ cải thiện về hạ tầng và viễn thông mạnh mẽ trong những năm vừa qua). Cải cách và mức độ đơn giản hóa thủ tục hành chính là lĩnh vực nhiều DN quan sát thấy có mức độ cải thiện so với năm trước; ngược lại, các lĩnh vực đất đai, lao động và thuế được đánh giá còn chậm cải thiện so với mức độ kỳ vọng của DN.
Bên cạnh đó, Đề án 30 đã tác động lớn đến cảm nhận của DN về sự thay đổi trong thủ tục hành chính năm vừa qua, có nhiều DN đánh giá rất tích cực và cũng có nhiều DN tỏ ra “sốt ruột” chờ đợi về những hiệu ứng thực tế mà Đề án này cần mang lại.
Trong năm 2010 có 227 DN tham gia điều tra; trong tổng số DN trả lời có 80% là DN trong nước và 20% có vốn đầu tư nước ngoài.
Cảm nhận chung của DN tham gia điều tra, cả trong nước lẫn nước ngoài về môi trường kinh doanh năm 2010 là tạm được. Xếp hạng này của năm 2010 là khả quan hơn 2009 và 2008, cho thấy môi trường kinh doanh trong 12 tháng qua đã có nhiều cải thiện. Nhận định này cũng tương đồng với Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2011 do Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn tài chính quốc tế phát hành trong đó xếp hạng Mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh ở VN thăng hạng 10 bậc từ hạng 88 năm ngoái lên hạng 98 năm nay.
Kết quả điều tra cũng cho thấy kỳ vọng về môi trường kinh doanh VN những năm tới của các DN tương đối cao. Điều kiện và môi trường kinh doanh của VN năm 2011 được các DN đánh giá ở mức 2,88/4 điểm. Giai đoạn 2011- 2012 còn được các DN kỳ vọng cao hơn. Điều này chứng tỏ các DN tin tưởng vào khả năng của VN sẽ vượt qua các thách thức, duy trì tiến trình phục hồi kinh tế, tiếp tục cải cách và môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tới…
VN cần tiếp tục đổi mới nhanh về cơ sở hạ tầng.
…nhưng vẫn còn nhiều trở ngại cần đổi mới
Tham luận tại diễn đàn, ông Alain Cany – Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại VNđánh giá: Trong năm 2010, VN đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi chính thức từ một nước có “thu nhập thấp” thành một nước có “thu nhập trung bình”. VN đã đạt được điều đó qua việc thúc đẩy các lợi thế kinh tế chính, trong đó có chi phí nhân công tương đối thấp, nguồn tài nguyên thiên nhiên, ưu đãi về địa lý, sự ổn định về chính trị và sự hấp dẫn về một môi trường mới rộng lớn, chưa được khai thác với tiềm năng nội địa lớn. Trước đây, VN đã nhận được các khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn từ các nguồn song phương và đa phương.
“Euro Cham cho rằng khả năng để Việt Nam duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian dài hơn sẽ phụ thuộc vào việc Chính phủ VN có thực hiện và duy trì các hành động ngay bây giờ trong một vài lĩnh vực trong yếu như cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, VN cần hiện đại hóa nhiều hơn nữa về đường sá, cảng biển, nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng khác để duy trì sự phát triển kinh tế trong thời gian dài hơn. VN cũng cần khuyến khích một “văn hóa cải tiến” đánh giá tính sáng tạo, các suy nghĩ đổi mới. Nếu không, VN sẽ có rủi ro rơi vào “cái bẫy thu nhập trung bình”, một nền kinh tế dựa trên mức lao động thấp và các phương pháp sản xuất với công nghệ thấp không thể trở thành nền sản xuất tập trung vào giá trị gia tăng và các sáng kiến cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu” – ông Alain Cany nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở VN - Hank Tomlinson nhận định: “Hầu hết các nhà đầu tư đều đồng tình rằng VN có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, việc phát huy tối đa tiềm năng của các quốc gia này đang vấp phải rất nhiều khó khăn, do sự tiến triển chậm trong vược gỡ bỏ các rào cản lâu năm với đầu tư. Các thành viên của Amcham mong muốn được nhìn thấy những bước đi mạnh mẽ hơn trong việc cải thiện sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự chắc chắn về pháp lý, quan hệ lao động, phát triển nguồn nhân lực, bảo hộ và thi hành các quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sản xuất và thương mại. Chúng tôi rất nóng lòng chờ đợi việc Chính phủ coi trọng việc tiến hành cắt giảm thủ tục hành chính và đấu tranh chống lại tệ nạn tham nhũng…” .
Ngoài ra, tham luận gửi VBF, ý kiến từ Hội DN trẻ Hà Nội cho thấy: “Thiếu vốn và nguồn vốn quá đắt đang và sẽ là khó khăn lớn nhất đối với các DN ngoài quốc doanh. Các nguồn vốn vẫn đang tiếp tục đổ vào xây dựng cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp nhà nước nắm giữ, trong khi những sự kiện gần đây cho thấy DN nhà nước không tạo thêm việc làm, không đạt hiệu quả trong đầu tư, thậm chí làm thất thoát nặng nề. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ nhanh chóng đưa ra những hình thức đầu tư mới, đảm bảo các DN có thể bình đẳng tiếp cận nguồn vốn qua một thị trường mở, công bằng”.
Hội DN trẻ Hà Nội cũng cho rằng, trong nhiều năm qua, Chính phủ đang duy trì chính sách mà ở đó nguồn tài chính lớn nhất không phải được đầu tư cho sản xuất tạo ra của cải cho xã hội mà lại đang đổ vào đất đai, vàng và ngoại tệ găm giữ, thì chắc chắn hệ thống chính sách đó cần được chỉnh sửa… Theo đó, Hội DN trẻ Hà Nội kiến nghị Chính phủ cần đưa ra chính sách công nghiệp với tầm nhìn đến 2020 – 2030; khuyến khích DN đầu tư vào “Tam nông” là nông nghiệp, nông thôn và nông dân; khuyến khích đầu tư vào công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng; đầu tư hạ tầng, giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe”.
Diễn đàn doanh nghiệp VN đã khép lại, những ý kiến đóng góp thực tế từ cộng đồng DN trong và ngoài nước đều rất quý báu và là cơ sở để Chính phủ VN tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế.