Bệnh dạ dày và những biến chứng
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:00, 02/12/2010
Vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). |
Từ viêm loét dạ dày - tá tràng...
Chữa bệnh đã nhiều năm nhưng anh Phạm Văn T. vẫn chưa khỏi tình trạng đau thượng vị, ợ hơi. Làm giám đốc một doanh nghiệp nên chịu nhiều áp lực của công việc vì vậy những bữa ăn đúng giờ ít được trọn vẹn. Với sinh hoạt thiếu điều độ và mất cân bằng, anh đã xuất hiện những triệu chứng khó tiêu, đau thượng vị và khám tại cơ sở y tế anh được chẩn đoán loét dạ dày - tá tràng. Những trường hợp như anh T. hiện khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại.
Đánh giá của Hội khoa học tiêu hóa Việt Nam cho biết, hiện xu hướng các bệnh về dạ dày tăng nhanh xuất phát từ thói quen sinh hoạt của lối sống hiện nay như: ăn uống không điều độ, thiếu khoa học (hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều thức ăn chua, cay..), làm việc quá sức, áp lực cao... Đặc biệt, vi khuẩn HP này sống tập trung chủ yếu trong niêm mạc dạ dày và thường gây tổn thương ở dạ dày. Tất cả những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và dạ dày, làm tăng tiết a-xít ở dạ dày, gây viêm loét dạ dày - tá tràng. Đây là bệnh phổ biến hiện nay.
Khi bị loét dạ dày - tá tràng thường có các dấu hiệu: Đau thượng vị (vùng trên rốn và dưới mỏm xương ức). Đau có chu kỳ theo bữa ăn. Đau xuất hiện hoặc tăng khi ăn các thức ăn chua, cay hay khi bị căng thẳng thần kinh và giảm khi uống các thuốc kháng axit hay thuốc băng niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, còn có triệu chứng đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, chậm tiêu hóa... Bệnh có thể biến chuyển nặng nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh càng để lâu càng khó điều trị và dần chuyển sang mạn tính dễ bị biến chứng như:
Xuất huyết tiêu hóa (chảy máu đường tiêu hóa): Xuất huyết hay chảy máu thường rầm rộ với nôn ra máu, có hoặc không có đi ngoài phân đen. Bệnh nhân cần được nhập viện ngay để điều trị cấp cứu.
Thủng dạ dày - tá tràng: Xuất hiện cơn đau bụng đột ngột, dữ dội vùng thượng vị như dao đâm, thường có nôn ói và bụng cứng như gỗ.
Hẹp môn vị: Lúc đầu ăn chậm tiêu, đầy bụng, nặng bụng, ợ nước chua nhất là về buổi chiều; tiếp theo bệnh nhân bị nôn ói sau ăn ngày càng nhiều hơn.
Ổ loét dạ dày. |
...Trào ngược dạ dày - thực quản.
Cũng theo đánh giá của Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản có khuynh hướng gia tăng theo lối sống hiện đại, công nghiệp hóa. Trong đó, béo phì và các chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến căn bệnh này.
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên các chất từ dạ dày lên thực quản, bệnh không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà còn có nguy cơ gây ra những biến chứng nặng nề như loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí dẫn tới ung thư. Việc chẩn đoán sớm, điều trị hợp lý và kịp thời sẽ làm cải thiện cuộc sống cho người bệnh cũng như giảm thiểu được các biến chứng nguy hiểm. Các tác nhân làm yếu hoặc gây giãn cơ góp phần gây ra bệnh trào ngược dạ dày - thực quản như: uống rượu, hút thuốc; thức ăn chứa nhiều gia vị, mỡ, cà phê, sô-cô-la; các tình trạng bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, ở phụ nữ có thai; dùng thuốc theophyllin... Bệnh có những triệu chứng điển hình:
Ợ nóng: Là triệu chứng thường gặp nhất, đó là cảm giác gây ra do các thành phần của dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Bệnh nhân thấy nóng rát từ vùng thượng vị, lan ngược lên phía sau xương ức có khi lên tận cổ họng. Ợ nóng thường xuất hiện sau khi ăn, khi nằm xuống hoặc ưỡn người về phía trước hoặc những cơn ho ban đêm do tư thế nằm. Các triệu chứng trên tăng khi uống rượu, uống nước hoa quả hay ăn những thức ăn có vị chua.
Ợ chua: Là hiện tượng do các thành phần acid của dịch dạ dày và thực quản trào ngược lại ra vùng hầu họng.
Nôn: Nôn thường xảy ra do thay đổi tư thế hay một sự gắng sức. Dịch nôn thường không mùi vị, không chua và có thể lẫn thức ăn chưa tiêu hóa.
Nuốt khó: Xuất hiện ở 1/3 số bệnh nhân bị trào ngược, đó là cảm giác thức ăn hay nước uống dừng lại phía sau xương ức ngay sau khi nuốt. Nuốt khó, hay nghẹn là triệu chứng cần cảnh giác với ung thư thực quản.
Điều trị và phòng bệnh
Khi có triệu chứng của bệnh dạ dày, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc để giảm đau hay giảm các triệu chứng như ợ hợi, ợ chua.. vì nhiều trường hợp bệnh nhân dễ nhầm tưởng với bệnh khác.
Để phòng các bệnh về dạ dày, các chuyên gia y tế cho rằng việc thay đổi lối sống, sinh hoạt là những biện pháp phòng chống, ngăn ngừa hữu hiệu hơn cả. Người bệnh phải giảm béo phì, hạn chế thuốc lá, các loại gia vị quá cay hoặc quá chua, hạn chế các loại nước uống có gas, cà phê, rượu bia. Đồng thời, cần tăng cường vận động, tạo thói quen sinh hoạt điều độ, chừng mực...