Tấm lòng cô giáo Huyền
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:33, 02/12/2010
Năm 1972, khi mới 17 tuổi, cô giáo Huyền đi học tại Trường Trung cấp Sư phạm ở Tuyên Quang. Ra trường, cô được phân công về giảng dạy học sinh cấp I (nay là bậc tiểu học) ở xã Lưỡng Vượng (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), rồi chuyển về Trường cấp 1-2 Phan Thiết (thị xã Tuyên Quang). Đến năm 1981, do điều kiện gia đình, cô Huyền xin nghỉ việc theo chế độ. Cùng gia đình chuyển về Thủ đô sinh sống, năm 1997, khi tìm hiểu tại phường Hạ Đình nơi ở của mình, cô Huyền được biết, trong khu vực vẫn còn một số em trong độ tuổi đến trường nhưng không được đi học như bạn bè cùng trang lứa. Cô Huyền đến từng nhà hỏi chuyện biết các em đều có hoàn cảnh đặc biệt. Có em sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh xa phải ra Hà Nội kiếm sống, có em bố mẹ ly hôn, em thì bố mẹ vướng vòng lao lý, có em không biết mặt bố… "Không thể để các cháu mù chữ, thất học trên đất Thủ đô này" - cô giáo Huyền suy nghĩ như vậy rồi bàn với gia đình quyết định dành riêng một gian nhà, mua bàn ghế học sinh, đồ dùng giảng dạy và sách vở, bút mực để chu cấp cho các em rồi vận động các em đến học. Cô Huyền trực tiếp làm giáo viên.
Một ngày đầu năm 1998, tuy không phải mùa tựu trường, cũng không có tiếng trống khai giảng, nhưng lớp học vẫn lặng lẽ đi vào hoạt động. Buổi đầu lớp học chỉ có cô giáo Huyền và 6 học sinh từ 6 đến 11 tuổi. Học sinh đến lớp không phải đóng tiền. Cả thầy và trò cùng bước vào cuộc "trường chinh với cái chữ" bắt đầu từ những chữ cái a, b, c… nhưng đó là tia sáng, là hy vọng cuộc đời các em. Ngoài dạy chữ theo chương trình của Bộ GD-ĐT, cô giáo Huyền còn dành nhiều công sức dạy các em về lễ nghĩa, nền nếp sinh hoạt, học tập. Vào dịp Trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi, lớp cũng tổ chức liên hoan, tạo không khí vui vẻ, ấm cúng… Được cô giáo Huyền dạy bảo bằng tấm lòng yêu thương bao dung như người mẹ, các em dần tự tin, bớt mặc cảm, ngoan ngoãn vâng lời cô dạy.
Tiếng lành đồn xa, lớp học đã được UBND phường Hạ Đình, Phòng Giáo dục quận và nhiều cơ quan, đơn vị biết đến, nhiệt tình ủng hộ. Lớp học chính thức trở thành "Lớp học tình thương" của địa phương, đưa vào dự án do tổ chức Plan tại Việt Nam tài trợ, được cấp thêm bàn ghế, đồ dùng dạy và học, sách giáo khoa… Số trẻ có hoàn cảnh khó khăn đến với lớp học cũng nhiều hơn, trình độ từ lớp 1 đến lớp 5. Khi đó, mỗi buổi dạy, cô giáo Huyền phải dùng nhiều giáo án phù hợp với từng đối tượng. Lớp học tại nhà không còn đủ chỗ ngồi, năm 2007, địa phương đã cho mượn phòng họp của khu dân cư làm nơi giảng dạy. Để giúp các em yên tâm học tập, cô Huyền còn báo cáo xin phép làm học bạ cho học sinh, giúp làm giấy khai sinh cho những trường hợp chưa có, báo cáo với UBND phường trợ cấp đối với trường hợp quá khó khăn…
Hơn 12 năm qua, từ lớp học tình thương của cô Huyền gây dựng đã có hơn 100 học sinh theo học. Khi hết lớp 5, các em đều được tạo điều kiện chuyển cấp vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận. Lớp đầu tiên của cô Huyền hiện nay, một số em đã và đang theo học đến lớp 11, 12. Có em đã trưởng thành đi học nghề. Đó chính là niềm vui, nguồn động lực để cô giáo Phạm Thị Huyền tiếp tục giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.