Học sinh dùng điện thoại di động: Lợi và hại

Giáo dục - Ngày đăng : 07:16, 02/12/2010

(HNM) - Sau một số vụ phát tán video clip "nhạy cảm" trên mạng thời gian qua, trong đó nạn nhân và thủ phạm đều là những cô, cậu học trò, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần phải cân nhắc chuyện cho HS sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ).

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được đề cập, song sự gia tăng của "dế" trong giới học trò cùng những hệ quả đi kèm đã khiến nhiều phụ huynh, thầy, cô giáo phải giật mình.

Khó cấm HS dùng điện thoại di động

Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin một nhà mạng dành chế độ ưu đãi cho khách hàng từ 5 đến 9 tuổi dùng điện thoại. Khách hàng nhí sẽ được tặng sim trả trước có 260.000 đồng nạp sẵn khi kích hoạt, được cộng 16.500 đồng/tháng trong vòng 20 tháng tiếp theo… Với những tính năng đa dạng và giá thành ngày càng rẻ, việc trang bị cho con chiếc ĐTDĐ đối với nhiều gia đình nay đã là chuyện đơn giản. Nhiều gia đình không tiếc tiền sắm cho con những chiếc ĐTDĐ hợp thời trang, thứ được giới trẻ coi như món đồ trang sức, thể hiện "đẳng cấp".

ĐTDĐ hiện đã rất phổ biến trong học sinh. Ảnh: Thái Hiền

ĐTDĐ đang là một phương tiện được HS sử dụng nhiều, phổ biến là từ cấp THCS trở lên, nhất là HS ở những TP lớn. Với không ít HS, chiếc ĐTDĐ đã trở thành vật bất ly thân, giúp các em thuận tiện trong học tập, sinh hoạt, chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, không ít cô, cậu học trò đã "năng động" khai thác triệt để tính năng của ĐTDĐ, bày ra những trò "độc" mà cha mẹ, thầy cô không thể ngờ tới...

Chúng tôi đã tìm gặp cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh HS ở một số trường học trên địa bàn TP Hà Nội để hỏi về vấn đề nói trên. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho rằng: Dùng ĐTDĐ không phải là điều xấu, vấn đề là có HS đang sử dụng nó với nhiều mục đích khiến người lớn phải giật mình, đặc biệt là trong thời gian gần đây, có nhiều "vấn đề" trong đời sống HS được chính chiếc ĐTDĐ của các em "tố cáo". Thực tế, bên cạnh mặt trái, cần phải thấy sự tích cực, những tiện ích mà chiếc ĐTDĐ mang lại cho đời sống sinh hoạt và học tập của HS. Còn theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, đại đa số HS đều có ĐTDĐ. Trong thực tế, nhà trường không thể cấm HS dùng ĐTDĐ và cũng không thể quản lý được thời gian sinh hoạt ngoài nhà trường của các em…

Đối với phụ huynh học sinh, nhiều người biết rõ "tính hai mặt" của chiếc ĐTDĐ đối với sự học của con em mình. Chị Nguyễn Kim Oanh, người đang có con gái học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ đã phải cân nhắc rất kỹ trước khi mua ĐTDĐ cho cô con gái bởi những vụ phát tán video clip HS đánh nhau, clip đen tràn lan trên mạng khiến chị vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, vì nhu cầu liên lạc và nhất là bởi giờ học thêm ở các trung tâm mà con chị theo học hay thay đổi nên chị buộc lòng cho con sử dụng ĐTDĐ để tiện việc đưa - đón. Chị Oanh chỉ mua cho con loại ĐTDĐ rẻ tiền và luôn yêu cầu kiểm tra điện thoại của con. Nhưng có nhiều phụ huynh không cẩn thận như vậy, họ mua cho con thứ đắt tiền và phó mặc cho chúng sử dụng.

Ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: "Trong điều lệ của nhà trường không nhắc tới chuyện sử dụng ĐTDĐ, song nội quy của các trường đều không cho phép giáo viên, HS dùng ĐTDĐ trong giờ học. Còn việc sử dụng ĐTDĐ của HS ngoài giờ học thì rất khó quản lý. Theo tôi, điều quan trọng là trước khi trang bị ĐTDĐ cho con, các bậc phụ huynh cần cân nhắc xem có thật cần thiết hay không".

Quan trọng là định hướng nhận thức

Đa số ý kiến đều cho rằng, việc cấm sử dụng ĐTDĐ không phải là một cách làm hay, vấn đề là sử dụng và kiểm tra như thế nào. Trong dự thảo Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học đang được Bộ GD-ĐT đưa ra để lấy ý kiến, việc sử dụng ĐTDĐ trong giờ học là một trong số 6 điều mà HS không được làm. Nếu vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, HS có thể bị phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo, ghi học bạ hoặc buộc thôi học có thời hạn.

Đó là quy định trong giờ học, vậy còn ngoài giờ học? Hầu hết HS khi được hỏi đều nói rằng việc sử dụng ĐTDĐ là để giúp bố mẹ tiện liên lạc, trao đổi khi đưa - đón hoặc kiểm soát việc học tập, sinh hoạt của bản thân. Tuy nhiên, trong thực tế, phần lớn HS khi sử dụng ĐTDĐ thường khai thác những chức năng khác, như xem phim, nghe nhạc, chát với bạn bè hoặc chơi game. Sự "chơi" với ĐTDĐ chiếm khá nhiều thời gian, ảnh hưởng trực tiếp tới việc học tập của HS, đôi khi còn có tác động tiêu cực tới nhận thức, hành vi của các em…

Công tác quản lý, kiểm soát việc dùng ĐTDĐ trong HS hiện nay là vô cùng cần thiết. Nên chăng, ngành giáo dục ở những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sớm tiến hành khảo sát trong giáo viên, phụ huynh về việc sử dụng ĐTDĐ đối với HS như thế nào là hợp lý; nếu vi phạm thì sẽ áp dụng mức kỷ luật ra sao... Theo ý kiến của những người làm công tác quản lý giáo dục hiện nay thì điều quan trọng là tuyên truyền, giáo dục để HS có nhận thức đúng đắn và sử dụng ĐTDĐ một cách hữu ích cho việc học tập, sinh hoạt.

Cha mẹ, thầy cô cần quan tâm đúng mức đến việc sử dụng ĐTDĐ của HS. Trong giờ học, giáo viên có thể thu ĐTDĐ của HS khi các em vi phạm, song đây không phải là cách có thể giải quyết tận gốc vấn đề. Điều cơ bản là phải xây dựng được cho các em ý thức sử dụng ĐTDĐ một cách hợp lý.

Thống Nhất