Giá thuốc “leo”… theo giá vàng

Xã hội - Ngày đăng : 08:02, 01/12/2010

(HNM) - Hiện giá nhiều loại thuốc Tây trên thị trường TP Hồ Chí Minh  "bỗng dưng" tăng vọt. Đây là một kiểu tăng vô tội vạ của các nhà thuốc tư nhân ăn theo giá vàng và ngoại tệ. Tuy nhiên, điều đáng nói là đến nay các ngành chức năng của Sở Y tế TP vẫn chưa có giải pháp triệt để ngăn chặn tình trạng trên, nên các nhà thuốc tiếp tục qua mặt để nâng giá.

Các mặt hàng tân dược đều tăng cao từ các công ty cho tới cửa hàng bán lẻ.


Trong những ngày qua, tại các điểm đầu mối thuốc Tây trên đường 3/2, Tô Hiến Thành, Thành Thái (quận 10); hệ thống Nhà thuốc Mỹ Châu (quận 1, 3)… giá bán đều tăng từ 5 đến 10%. Ghé vào một nhà thuốc nằm trên đường Thành Thái, người ta đều nhận thấy rất nhiều loại thuốc Tây ở đây đã được thay đổi giá niêm yết. Cụ thể, giá dung dịch nhỏ mắt Genteal collyre  tăng từ  59.900 đồng/lọ lên 64.000 đồng/lọ; thuốc ho đặc trị Terpin-Codecin từ 40.000 đồng/hộp lên 42.000 đồng/hộp; Amoxicilin (500mg) có giá từ 52.000 đồng/hộp được tăng lên 55.000 đồng/hộp… Cá biệt có một số loại thuốc tăng khá cao như: thuốc kháng sinh khác Cloroxit  từ 58.000 đồng/lọ tăng lên 63.000 đồng/lọ hay Tam thất OPC (điều trị kháng sinh, kháng viêm) từ 17.000 đồng/hộp được đẩy lên 42.000 đồng/hộp… Khi chúng tôi hỏi, giá thuốc tăng là do đầu vào tăng hay nhà thuốc tự tăng giá thì một nhân viên ở đây trả lời tỉnh queo: Giá tăng như thế là còn thấp so với  nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Rồi nhân viên này phân bua: Anh cứ tìm hiểu xem giá một bó rau, một kilogam cá trước kia bao nhiêu, bây giờ bao nhiêu thì xem mức tăng giá thuốc như thế có đáng là bao. Thị trường hàng hóa nào cũng tăng, giá cả còn leo thang gấp mấy lần so với giá thuốc. Bệnh nhân bây giờ nắm bắt giá cả thị trường rất sát, mình không thể tự ý tăng giá thuốc được mà phải theo thị trường, nếu không thì chẳng ai mua và ngược lại.

Trong khi đó, tại các nhà thuốc của hệ thống Nhà thuốc Mỹ Châu trên địa bàn TP cũng đã tăng giá, tập trung chủ yếu ở các loại thuốc nhập khẩu, nhất là thuốc đặc trị. Dù giá thuốc tăng nhưng nhiều nhà thuốc, nhất là những nhà thuốc tư nhân với quy mô nhỏ vẫn than phiền kinh doanh không hiệu quả. Ông Nguyễn Tuấn, chủ Nhà thuốc tư nhân Nguyễn Tuấn trên đường Cộng Hòa (phường 15, quận Tân Bình) cho biết, ngoại trừ những loại thuốc đặc trị, còn các loại thuốc thông thường  khác có giá thấp hơn bất cứ những loại hàng hóa nào. Chẳng hạn 1 viên Panadol lúc trước giá 600 đồng, thì nay cũng chỉ bán 650 đồng, thuốc trị cảm Decolgen (4 viên/vỉ) trước đây giá 2.500 đồng, giờ giá  3.000 đồng, thuốc chống dị ứng Clorpheniramin(20 viên/vỉ) chỉ có giá 1.500 đồng… Thử hỏi với số tiền trên chúng ta có thể mua được gì trong thời buổi vật giá leo thang (!?) 

Chính kiểu so sánh khập khiễng này, nhiều người kinh doanh thuốc Tây đã tự ý tăng giá một cách vô tội vạ làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội, khiến người dân tỏ ra lo lắng. Theo bác sĩ Bùi Hữu Hiền, Trưởng phòng tiếp thị bán hàng Công ty Dược phẩm Trung ương, giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào có tăng nhưng không đáng kể, chủ yếu là do tâm lý của những người kinh doanh thuốc khi thấy giá cả thị trường nhiều mặt hàng tăng cao, nhất là trong thời gian gần đây do sự biến động mạnh về giá vàng, tỷ giá  đồng đô la Mỹ, đồng euro so với đồng Việt Nam đã  "kích" giá thuốc ăn theo! Qua tìm hiểu, giá thuốc tăng ngoài tác động bởi ngoại tệ, giá vàng còn có lý do khác là: một số công ty phân phối dược phẩm đầu cơ, dìm hàng chờ khi thuốc tăng giá thì tung ra thị trường làm cho tình hình thêm phức tạp. Tuy nhiên, đến nay ngành y tế TP vẫn chưa phát hiện những công ty nào tự ý nâng giá thuốc để có biện pháp xử lý.  Bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho rằng,  giá thuốc tăng một phần là do phải gánh thêm chi phí về quảng cáo, quảng bá thương hiệu cũng như chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn, người bán hàng. Cũng theo bà Lan, hiện có hơn 2.000 mặt hàng thuốc Tây các loại đang lưu thông trên thị trường, nhưng giá thuốc tăng chỉ tập trung vào một số loại thuốc đặc trị, thuốc nhập khẩu. Hiện nay hệ thống các nhà thuốc tại bệnh viện vẫn ổn định, do thực hiện chính sách đấu thầu giá thuốc nên việc tăng giá thuốc về cơ bản không ảnh hưởng nhiều. "Để hạn chế giá thuốc tăng như hiện nay, chúng ta cần đầu tư vào chương trình "thuốc Việt cho người Việt". Nhưng để thực hiện được điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác từ 3 phía, đó là người tiêu dùng; tiếp đến là các công ty dược phẩm trong nước phải tích cực quảng bá, tuyên truyền đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm của mình; và đội ngũ y bác sĩ người trực tiếp kê toa thuốc cho bệnh nhân phải tuyên truyền vận động người dân hiểu và sử dụng thuốc nội" - bà Lan cho biết.

Văn Định