Chuyện lạ ở xã Cần Kiệm (Thạch Thất): Thổi hương trị bách bệnh
Đời sống - Ngày đăng : 07:56, 01/12/2010
Một gian nhà của ông Dục kê 4 giường bệnh, là nơi lưu trú cho những bệnh nhân ở xa, điều trị dài ngày. |
Bệnh càng nặng chữa càng tốt?
Trong thời gian gần đây, người dân đồn thổi ở thôn Yên Lạc 2, xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) có ông Kiều Văn Dục chữa được bách bệnh chỉ bằng thổi khói hương vào những nơi bị bỏng, bị đau... Vậy thực hư ra sao?
Về xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất hỏi thăm ông Dục không mấy người biết, nhưng khi hỏi ông "Dục thổi" hay ông thầy chữa bỏng bằng "thổi hương" thì ai cũng biết. Dân làng kháo nhau rằng: ông thầy này chữa được bách bệnh, hầu như nhà nào trong xã cũng đến nhờ vả mỗi khi không may bị bỏng, còn người ở các nơi khác đi ô tô đến chữa bệnh cũng nhiều…
Trong vai bệnh nhân, chúng tôi tìm đến nhà ông Dục xin được chữa bệnh. Ngôi nhà nhỏ nằm giữa xóm Hòa Bình, thôn Yên Lạc 2 hôm nay vắng khách, nên chúng tôi được "thầy" tiếp đón, trò chuyện rất niềm nở. Sau khi kể một số thành tích "hiển hách" mà "thầy" đã chữa khỏi cho các bệnh nhân nặng ở khắp các nơi. Ông bảo: Tôi chủ yếu chữa bỏng, bỏng càng nặng thì chữa càng hiệu quả, kể cả bỏng đến hở cả xương cũng khỏi hết, nhưng nhất thiết phải là vết bỏng mới, còn vết bỏng đã khô, đã qua điều trị ở bệnh viện rồi thì không chữa được". Như để minh chứng cho lời nói của mình, ông Dục đã cho chúng tôi xem hình ảnh của một trẻ em bị bỏng nặng gần 2/3 cơ thể mới được "thầy" chữa khỏi. Vừa xem hình, "thầy" vừa thuyết minh: "Nhà của bệnh nhân ở Hà Nội, phải nằm điều trị tại nhà tôi suốt 29 ngày để chữa bệnh, vì bị bỏng hết phần mông, bụng, đùi, không thể bế, ngồi được. Đến ngày thứ 29, vết bỏng khỏi hoàn toàn, gia đình bệnh nhân cảm kích làm tặng tôi cái đĩa này". Khi chúng tôi hỏi về cách thức chữa bệnh đau lưng, với lý do "làm nghề lái xe, ngồi nhiều, nên cứ bị đau lưng, thỉnh thoảng đau lệch cả một bên vai, "thầy" Dục thản nhiên trả lời: "Cứ lúc nào đau thật nặng, đau lệch vai thì đến đây, thổi hương vào là khỏi ngay; càng nặng chữa càng tốt".
Ông Lê Thành Đạt ở xã Kim Quan, huyện Thạch Thất bộc bạch: Tôi có người nhà bị bỏng gas độ 2, tìm đến nhà "thầy", được "thầy" thổi một lúc bệnh tình đã thuyên giảm và điều trị trong hơn một tuần những chỗ bị bỏng đã lên da non, sau đó hồi phục hoàn toàn. Còn chị Tạ Thị Tý ở cùng thôn với "thầy" thì hết lời khen: "Chẳng may đứa con hơn 1 tuổi bị bỏng nước sôi, nhà lại ở xa bệnh viện, tôi vội vàng đưa cháu sang nhà "thầy" Dục điều trị. Được "thầy" thổi hương vào các vết bỏng và sau 2-3 ngày bệnh tình thuyên giảm hẳn. Gần đây, chồng chị bị đau mắt, có đến nhờ "thầy" chữa và "thầy" cũng thổi khói hương vào mắt. Mỗi lần thổi hương như vậy, "thầy" Dục chỉ lấy có 50.000 đồng, rẻ hơn nhiều so với đi các bệnh viện". Chị Tý cũng cho biết thêm: "Bản thân chị cũng đã chứng kiến một bệnh nhân bị bại liệt, đến ăn ở tại nhà thầy để chữa trị trong thời gian dài, cuối cùng đã khỏi bệnh, có thể cử động, đi lại được".
Ông Nguyễn Minh Yên, Bí thư Chi bộ thôn Yên Lạc 2, Chủ nhiệm HTX NN Cần Kiệm cho biết: Ông Dục chữa bệnh bằng cách châm một bó hương to, khấn vái một hồi, rồi đưa bó hương về trước mặt vết thương, sau đó lấy hơi thổi mạnh cho khói hương bay vào vết đau. Theo ông Yên, khả năng chữa bệnh của ông Dục chỉ là chữa mẹo, dùng thủ thuật gì đó và tác động đến tâm lý người bệnh, chứ việc thổi hương chữa khỏi bệnh chủ yếu là do dân đồn thổi.
Đề cập đến "bí quyết" chữa bệnh, ông Kiều Văn Dục khẳng định: Tôi chẳng có cách gì đặc biệt, cứ thổi phù khói hương vào vết bỏng của bệnh nhân là khỏi thôi. Gần chục năm nay tôi chữa trị ca bỏng nào cũng khỏi hết, còn thời gian bao lâu khỏi thì phải tùy từng vết bỏng nặng hay nhẹ, mỗi ngày đến thổi một lần…
Các cơ quan chức năng nói gì?
Về vấn đề này, bà Lê Thị Lâm, Trưởng Trạm Y tế xã Cần Kiệm cho biết: Thỉnh thoảng vẫn có những bệnh nhân bị bỏng nhẹ, đứt tay, đứt chân… sau khi được sơ cấp cứu bằng thổi nhang tại nhà ông Dục và được cầm máu bằng cách dán giấy bản (giống giấy ăn) đã tìm đến Trạm Y tế xã điều trị. Với những trường hợp đó, chúng tôi thấy phương pháp điều trị của ông Dục không có hiệu quả, thậm chí có bệnh nhân theo chữa "thầy" Dục rất lâu, nhưng vẫn không khỏi, vết bỏng vẫn chảy nước. Cần phải nói thêm rằng, ông Dục không hề có chuyên môn khám, chữa bệnh, mà chỉ học ở đâu được môn phép thổi hương để chữa bệnh, chủ yếu là chữa bỏng độ 1, 2. Ông Nguyễn Đăng Hậu, Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất cũng cho biết: Chúng tôi có nghe nói việc chữa bỏng của ông Dục bằng phương pháp thổi hương. Tuy nhiên, ông Dục không tổ chức khám, chữa bệnh thường xuyên, nên không có đủ căn cứ để chúng tôi vào cuộc, kiểm tra, xử lý được.
Trao đổi với các nhà báo, TS-BS Đỗ Lương Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Bỏng người lớn (Viện Bỏng quốc gia) khẳng định: Chữa bỏng bằng thổi hương chỉ là tà thuật, không có căn cứ khoa học và cũng không có nghiên cứu khoa học nào đánh giá, mà chủ yếu do quảng cáo, đồn thổi. Về nguyên lý chung đối với bỏng, nếu các tổn thương nhỏ, nông chỉ cần giữ nguyên lớp phỏng, không để nhiễm trùng sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Đối với bỏng sâu, ở diện rộng hoặc nhiễm khuẩn vết thương thì khả năng khỏi sẽ khó khăn và bệnh nhân có những biểu hiện của nhiễm trùng như sốt, sưng tấy. Hiện tại có một số thuốc đông y đắp vết thương, điều trị bỏng, song chưa đánh giá được hết vai trò, tác dụng của thuốc. Bởi khi bỏng, bệnh nhân sử dụng thuốc đông y cộng với thời gian các vết bỏng tự khỏi dẫn đến hiểu nhầm thuốc phát huy tác dụng...
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cũng như ngành y tế cần phải vào cuộc sớm để làm sáng tỏ vấn đề, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc khám, chữa bệnh; khi không may mắc bệnh thì tìm đến các cơ sở có uy tín, đúng chuyên ngành, tránh trường hợp "tiền mất tật mang".