Báo động về diện tích và chất lượng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 01/12/2010

(HNM) - Ngày 30-11, Viện Kinh tế sinh thái phối hợp với Quỹ Hỗ trợ chương trình lâm nghiệp quốc gia tổ chức hội thảo


Nhiều vùng diện tích rừng có xu hướng giảm


Diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: Bảo Lâm


Bộ NN&PTNT cho biết, diện tích rừng tự nhiên ở nước ta hiện chiếm tới 78% tổng diện tích rừng và từ năm 1990 đến nay đã có những biến động lớn. Mặc dù diện tích rừng trong giai đoạn 1995-2000 đã tăng thêm 2 triệu hécta nhưng chủ yếu là rừng tre nứa, rừng lá kim... còn diện tích rừng lá rộng, loại rừng có ưu điểm phục hồi nhanh lại giảm đáng kể: từ 1,768 triệu hécta năm 1990 xuống còn 1,697 triệu hécta năm 2005. Đặc biệt trong giai đoạn 1990-1995, loại rừng này giảm trung bình 85,6 nghìn hécta/năm. Những khu vực rừng trọng điểm có diện tích giảm nhiều như Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ. Tại Tây Bắc, từ năm 2005 đến nay, diện tích rừng tự nhiên đã giảm 18 nghìn hécta. Tại khu vực Tây Nguyên, từ năm 2006 đến nay cũng giảm 91,1 nghìn hécta rừng. Ông Hồ Mạnh Tường, chuyên gia của Viện Điều tra quy hoạch rừng nhận định, diện tích rừng giảm chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng thủy lợi, trồng cây công nghiệp. Còn diện tích rừng bị chặt phá lấy gỗ đã giảm.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Văn Quỳnh đã đưa ra một kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Lâm nghiệp, nếu biết quản lý tốt thì một hécta rừng tự nhiên ở hầu hết các khu vực trong cả nước đều cho thu nhập ổn định, hằng năm từ 20 đến 25 triệu đồng, trong đó có tới 2/3 từ lâm sản ngoài gỗ. Sự phong phú về thành phần loài lâm sản có giá trị kinh tế là tiền đề cho những giải pháp khoa học công nghệ nhằm kinh doanh rừng có giá trị kinh tế cao và bền vững. Mặc dù có tiềm năng như vậy song hiện nay rừng tự nhiên lại cho hiệu quả kinh tế rất thấp. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong tổng diện tích 8 triệu hécta rừng gỗ hiện có thì rừng có trữ lượng khoảng trên 300m3/ha chỉ chiếm 0,3%; rừng trung bình với trữ lượng khoảng 150m3 chỉ còn 17,2%, còn lại là rừng nghèo và rừng đang phục hồi. "Những loài gỗ quý còn lại rất ít, các loài cây cho lâm sản ngoài gỗ giá trị cao cũng hiếm. Những loài thú lớn chỉ còn lại mật độ một vài con trên hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn hécta. Các loài thú nhỏ còn lại với số lượng nhiều hơn nhưng chủ yếu ở những vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên" - Phó Giáo sư Vương Văn Quỳnh lo ngại.

Thách thức và tồn tại cho rừng tự nhiên

Công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp trong những năm qua chủ yếu giao cho các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước và các hộ gia đình nhưng thực tế, rừng chưa được bảo vệ tốt và đang bị "rút ruột". Các hoạt động khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã trái phép, chống người thi hành công vụ ngày một gia tăng. Đáng lo ngại là do dân số gia tăng, thay đổi cơ cấu cây trồng, nhu cầu đất cho sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Trong khi đó, các công trình cơ sở hạ tầng như thủy điện, khai khoáng, giao thông… cũng là những đối tượng làm giảm diện tích rừng. Ngoài ra, theo ông Đoàn Diễm, chuyên gia ngành lâm nghiệp thì ngân sách hỗ trợ còn hạn chế và ngắn hạn cũng là trở ngại cho công tác bảo vệ rừng tự nhiên nghèo kiệt và rừng non mới phục hồi, khi cộng đồng chưa có thu nhập từ rừng. Hiện tại, nguồn kinh phí khoán bảo vệ rừng của dự án 661 chỉ thực hiện đến hết năm 2010 và sẽ là nguy cơ lớn đối với rừng được khoán khi nguồn hỗ trợ này không còn.

Chí Đạo