Các giải pháp thiết thực bảo tồn Di sản Hội Gióng
Xã hội - Ngày đăng : 22:55, 30/11/2010
(HNMO) - Chiều 30/11, tại buổi họp báo thông báo việc Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (DSVH PVT) vào 16/11 vừa qua, Bộ VH,TT&DL đã đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản hội Gióng.
Theo đó, hội Gióng ở xã Phù Đổng (Gia Lâm), Phù Linh (Sóc Sơn) và nhiều địa phương khác sẽ tiếp tục được tuyên truyền, quảng bá, nâng cao ý thức cộng đồng về các giá trị văn hóa phi vật thể của di sản; Tiến hành kiểm kê khoa học về lễ hội phụng thờ Thánh Gióng; Lập danh sách những người thực hành lễ hội, từ các ông Hiệu Cờ, Hiệu Trống, Hiệu Chiêng, Hiệu Tiểu Cổ, các nữ tướng đến các nghệ nhân phường ải Lao, nghệ nhân làm vọi, làm “hoa tre” ở các huyện Sóc Sơn, Gia Lâm, Đông Anh…; Sưu tập, dịch ra chữ quốc ngữ các văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến Thánh Gióng; đồng thời sử dụng công nghệ tin học để lưu trữ các dữ liệu khoa học về hội Gióng xây dựng cơ sở dữ liệu, khoa học về Hội Gióng phục vụ công cuộc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Với những người thực hành lễ hội, bảo vệ di tích sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.
Ngoài ra, không dừng lại ở việc bảo tồn Bộ VH,TT&DL sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng chuyên đề hội Gióng và đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông; sẽ tu bổ, tôn tạo các di tích liên quan đến hội Gióng bị xuống cấp, sẽ thành lập trang web riêng về hội Gióng để phục vụ việc phát triển du lịch...
Ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam - đơn vị lập Hồ sơ hội Gióng cho biết: Ngày 16/11 vừa qua, UNESCO công nhận hội Gióng là DSVH PVT đại diện của nhân loại ở 5 tiêu chí nổi bật là: Có nguồn gốc lâu đời do cộng đồng cư dân vùng châu thổ Sông Hồng tạo ra, được coi là một phần bản sắc của họ và được truyền liên tục từ đời này qua đời khác. Việc ghi nhận di sản này sẽ góp phần quảng bá sự sáng tạo của nhân loại và góp phần vào cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa. Nhiều biện pháp cụ thể, đa dạng đã được cộng đồng và quốc gia cam kết nhằm bảo tồn tư liệu hóa, chuyển giao, công nhận, phát huy giá trị và tính liên tục của Hội Gióng. Các chủ thể văn hóa và cộng đồng thực hiện Hội Gióng đã được tham vấn, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc đề cử và hoàn toàn ủng hộ việc đề cử này. Hội Gióng đã được kiểm kê và được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục các DSVH PVT của Việt Nam.
Trả lời báo chí về quy định cấm đốt vàng mã ở các lễ hội có hiệu lực từ ngày 1-9-2010, bà Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa khẳng định: “Riêng với lễ hội Gióng thì vẫn có thể đốt vàng mã. Tôi nghĩ đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Tuy nhiên cần phải giáo dục để người dân nâng cao ý thức trong việc này, tránh tình trạng đốt vàng mã tràn lan, bừa bãi, gây lãng phí”.
Về việc đầu tư cho lễ hội Gióng sau khi được công nhận là di sản, đại diện của UBND TP Hà Nội khẳng định, trong lễ hội năm 2010, thành phố đã đầu tư về trang phục, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng lễ hội Gióng. Tuy nhiên, đây là một lễ hội mang tính cộng đồng cao nên chủ thể chính vẫn là những người dân địa phương. Việc đầu tư phát triển di sản ra sao phải có sự bàn bạc, thảo luận, đi đến thống nhất của các cấp, ngành, tránh tình trạng đầu tư tôn tạo không đúng sẽ phá hỏng di sản.