Kể chuyện tình bất diệt bằng ba lê

Văn hóa - Ngày đăng : 08:02, 29/11/2010

(HNM) - Hai đêm 24 và 25-11, sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội sống động cảm xúc khi vở ba lê

Cảnh trong vở ba lê “Chuyện tình thành cổ”.


Truyền thuyết chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy nổi tiếng là đề tài bất tận cho các loại hình nghệ thuật. Câu chuyện tình ấy ẩn hiện trong "Chiếc áo thiên nga", "Nỏ thần", những vở diễn được đánh giá là rất thành công. Trong quá khứ, câu chuyện tình bi thương ấy đã được chọn cho ba lê, qua vở "Ngọc trai đỏ" của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Nhưng lần này, vở ba lê "Chuyện tình thành cổ" được kể dưới góc nhìn của người nước ngoài, qua ý tưởng của biên đạo Betrand d'At.

Trung thành với nội dung truyền thuyết nhưng người dàn dựng vở ba lê này không nói nhiều về chiến trận, sự tranh giành, chỉ coi đó là cớ để ca ngợi tình yêu trong sáng, khát vọng hòa bình. Betrand d'At - Giám đốc Nhà hát Ba lê vùng Rhin (Pháp) cho biết, năm ngoái ông nhận lời dàn dựng một vở ba lê tại Việt Nam. Trong 4-5 kịch bản, ông đã chọn chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy. Đối với ông, câu chuyện ấy có gì đó giống như chuyện Romeo và Juliet mà tình yêu của họ đã vượt trên sự cấm đoán, sắp đặt của gia đình, hoàn cảnh éo le, trở thành bất tử.

Sắp đặt, video art là bộ môn nghệ thuật thị giác, chúng được đạo diễn sử dụng trong "Chuyện tình thành cổ" nhằm tạo nên hiệu ứng riêng. Sân khấu Nhà hát Lớn chia hai bởi tấm màn chiếu đặc chủng trong suốt, được hiểu như sự phân định quá khứ và hiện tại. Bên ngoài tấm màn chiếu là hình ảnh một hồ nước trong xanh khiến người xem hình dung tới hồ Gươm, được tạo nên bởi tấm mica với sự hỗ trợ của ánh sáng. Các diễn viên múa chuyển động trong tấm màn chiếu, trong một không gian hư ảo nhuốm màu thời gian. Người xem nhìn vào đó, như thấy được quá khứ, đủ để có trải nghiệm cho riêng mình.

Phục trang không lộng lẫy xa hoa như "Chiếc áo thiên nga", mà có phần giản đơn, gọn nhẹ để các diễn viên múa dễ chuyển động. Tất cả, từ niềm hạnh phúc đến nỗi khổ đau, sự giằng xé trong tâm trạng của nhân vật đều được thể hiện bằng chuyển động của các diễn viên Cao Chí Thành (vào vai nhà vua), Như Quỳnh (công chúa), Văn Lương (hoàng tử)… Những chuyển động nghệ thuật chuyển tải rõ ràng thông điệp về một tình yêu thơ ngây, trong sáng, đẹp như ngọc trai của nàng công chúa; chàng hoàng tử cô độc, tuyệt vọng với khúc nguyện ước tình yêu của mình. Truyền thuyết và hiện tại, tình yêu cổ xưa với tình cảm đôi lứa hiện đại đan cài. Hết những đền đài cung phủ, thành Cổ Loa cháy rụi là cảnh phố phường tấp nập hiện ra, chàng trai, cô gái tìm nhau, trao cho nhau viên ngọc trai đỏ là minh chứng của tình yêu bất diệt.

Sẽ là trọn vẹn nếu "Chuyện tình thành cổ" chú trọng hơn đến trang phục, nếu diễn viên không mặc quá đơn giản và thiên về gam màu tối. Phần âm nhạc phù hợp với các màn mô tả chiến trận, nhưng không đủ du dương trong những cảnh tình cảm giữa công chúa và hoàng tử.

Nhưng nhìn chung, "Chuyện tình thành cổ" là một vở ba lê kỳ công và mới lạ.

Lâm Đại