Những biện pháp gây nhiều tranh cãi
Thế giới - Ngày đăng : 07:22, 29/11/2010
Bất chấp lời khẳng định của Bộ trưởng An ninh nội địa Janet Napolitano rằng những quy định này cần thiết cho an ninh Mỹ, những người phản đối cho rằng giới chức đã hành xử quá lố và có thể xảy ra hành vi tiêu cực như quấy rối tình dục trong những cuộc kiểm tra bằng tay. Ngoài ra, biện pháp kiểm tra bằng tay tốn đến 2 phút/người so với thời gian 30 giây nếu dùng máy quét. Tuy nhiên, các máy quét đang bị chỉ trích từ khi tăng cường lắp đặt hồi đầu năm nay, sau vụ đánh bom máy bay bất thành ở Detroit vào ngày 25-12 năm ngoái. Nhiều người từ chối cho quét toàn thân vì nhân viên sân bay có thể "nhìn xuyên" quần áo và thấy hết cơ thể. Một cuộc thăm dò ý kiến tại Mỹ do tờ Bưu điện Washington và Hãng ABC thực hiện vừa được công bố cho thấy có tới 50% số người được hỏi cho rằng "kỹ thuật" kiểm tra bằng tay khắp người "đã đi quá xa"; trong khi đó, 48% ủng hộ kỹ thuật này và 2% không có ý kiến gì.
Những người phản đối còn cho rằng, việc phòng chống khủng bố phải có ý nghĩa cộng đồng hơn là việc xâm phạm đời sống riêng tư. Lắp đặt máy kiểm tra toàn thân không có nghĩa là có thể ngăn chặn hoàn toàn tội phạm khủng bố hay buôn lậu trốn thuế. Thêm vào đó, không ít người lo ngại hàm lượng phóng xạ phát ra từ máy dù thấp nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện có khoảng 300 máy quét an ninh được đặt tại 60 sân bay của Mỹ và sẽ tăng lên khoảng 500 máy vào cuối năm.
Tổng thống Barack Obama nói rằng, Cục Quản trị An ninh Giao thông (TSA) và các chuyên gia chống khủng bố đã cho ông biết, hiện những thủ tục khám xét như vậy là cách duy nhất mà họ cho là có hiệu quả chống lại những đe dọa như âm mưu nổ bom trên máy bay vào dịp lễ Giáng sinh năm ngoái. Còn theo Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ Janet Napolitano, việc đẩy mạnh lắp đặt các máy soi tiên tiến tại các sân bay trên toàn nước Mỹ là nhằm ngăn chặn những nguy cơ khủng bố có thể xảy ra.
Giới chức Mỹ cho biết, họ đang tìm cách để các thủ tục kiểm tra an ninh được thực hiện ở mức độ "xâm phạm tối thiểu", trong khi vẫn bảo đảm an ninh hàng không. Người đứng đầu Cơ quan An ninh Vận tải John Pistole khẳng định các biện pháp bao gồm việc sử dụng máy soi toàn thân và kiểm tra bằng tay có thể sẽ được sửa đổi khi chương trình này tiến triển.
Vào cuối năm ngoái, tại châu Âu, quyết định sử dụng phương pháp soi quét toàn thân hành khách tại các phi trường Anh và Hà Lan cũng đã gây tranh cãi dữ dội. Giới hoạt động xã hội cho rằng "lột trần" hành khách là vi phạm luật bảo vệ quyền riêng tư và luật chống khiêu dâm trẻ em. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Italy Franco Frattini, nếu cần thiết, mọi người cần phải hy sinh sự riêng tư để đổi lấy an toàn và "máy quét là biện pháp an ninh đáng tin cậy nhất và an ninh chính là nền tảng của tự do".