Phát triển đô thị: Lời giải cho bài toán giao thông
Đời sống - Ngày đăng : 07:20, 29/11/2010
Không thiếu công nghệ hiện đại
Hệ thống đường sắt đô thị, metro… giữ vai trò không thể phủ nhận tại nhiều thành phố hiện đại, có dân số đông. Loại phương tiện có khả năng vận chuyển lớn này đã góp phần vô cùng quan trọng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã và đang từng bước thực hiện các dự án trọng điểm này…
Mô hình tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Như để hỗ trợ hai thành phố, trong khuôn khổ Tuần lễ Pháp tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp và Cơ quan Thương mại UbiFrance đã tổ chức hội nghị bàn tròn về "Giao thông đô thị" cho "Thành phố tương lai". Tại đây, vai trò của đường sắt đô thị, metro… một lần nữa được khẳng định trong hệ thống vận tải công cộng. Hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp (DN) có uy tín trong lĩnh vực giao thông đô thị của Pháp đã tham dự hội nghị, như Systra, Colas Rail, Coteba, NFM Technologies… Trong số đó, không ít DN đã mở văn phòng đại diện và đang tham gia vào các dự án cụ thể tại Việt Nam.
Bên cạnh việc giới thiệu kinh nghiệm từ khâu tư vấn, lập dự án đến thi công, quản lý, vận hành, các DN còn khiến các đại biểu thực sự hứng thú với công nghệ thi công hiện đại. Nổi bật trong đó là máy khoan đào hầm của Hãng NFM Technologies. Khác hẳn với phương pháp đào mở, gây ùn tắc giao thông, bụi bẩn, máy khoan của NFM Technologies sẽ khắc phục được những hạn chế nêu trên. Có thể ví loại máy này như những chú chuột chũi âm thầm dũi đất tạo thành đường hầm phía dưới mà không ảnh hưởng đến giao thông hay những công trình xây dựng bên trên. Giám đốc kinh doanh bộ phận thi công hầm của NFM Technologies Philippe Lemaitre cho biết, Công ty có thể cung cấp máy khoan đào đường kính từ 4m đến trên 15m, phù hợp với mọi loại địa chất, từ nền đất mềm tới nền đá cứng. Tiến sỹ Lưu Xuân Hùng, Phó Giám đốc Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, những đoạn ngầm đường sắt đô thị Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu sử dụng công nghệ đào ngầm.
Lồng ghép phát triển đường sắt đô thị với phát triển đô thị
Sự phát triển chóng mặt phương tiện cá nhân đang gây ra khó khăn rất lớn cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là ùn tắc và tai nạn giao thông. Việc chuyển đổi sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng dù gặp nhiều khó khăn nhưng sẽ phải thực hiện. Tại Hà Nội, hiện đã quy hoạch 5 tuyến đường sắt đô thị, metro, trong tương lai có thể nâng lên thành 8 tuyến. TP Hồ Chí Minh cũng đã quy hoạch 6 tuyến metro, một tuyến xe điện và hai tuyến đường sắt một ray. Tuy nhiên, mới chỉ có một vài tuyến ở hai thành phố đã khởi công xây dựng. Các dự án còn lại đang ở giai đoạn nghiên cứu lập dự án, hoặc mới đang kêu gọi đầu tư.
Tiến sỹ Lưu Xuân Hùng cho biết, một trong những yêu cầu khi xây dựng đường sắt đô thị là lồng ghép với phát triển đô thị tổng thể để bảo đảm hiệu quả. Sở dĩ vậy là đầu tư phát triển đường sắt đô thị rất lớn, nên cần phải bảo đảm tối đa hóa lợi ích của hệ thống này qua việc phát triển lồng ghép. Một trong những việc làm cần thiết khi xây dựng đường sắt đô thị là tái cấu trúc đô thị tại các khu nhà ga và dọc tuyến, như tại thành phố Curitiba (Brazil), quy hoạch giao thông phát triển trước, đô thị phát triển theo. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã hỗ trợ kỹ thuật cho Hà Nội trong khuôn khổ "Dự án lồng ghép phát triển đường sắt đô thị với phát triển đô thị tổng thể Hà Nội". Một sơ đồ tổ chức dân cư đã được phác họa trong phạm vi bán kính 500-700m từ các ga đường sắt, trung tâm thương mại, tiếp đến là khối văn phòng, cơ quan, khu vui chơi, giải trí. Việc tổ chức như vậy sẽ giúp sinh hoạt của người dân tiện lợi hơn.
Đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm trong phát triển đường sắt đô thị để có thể thu hút được các nguồn vốn đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Nếu giải quyết tốt chuyện hài hòa lợi ích, hút được nhà đầu tư, khi ấy công nghệ, thiết bị chỉ là chuyện nhỏ…