Tiết kiệm nước ngay từ giờ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:24, 29/11/2010

(HNM) - Hà Nội có nhiều vùng nông thôn, diện tích làng xóm và đồng ruộng gấp gần 7 lần đô thị, phần lớn người dân cũng sống bằng nông nghiệp. Bởi vậy, hạn hán là vấn đề lớn của thành phố, không chỉ với cư dân đô thị (thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, giá nông sản đắt đỏ) mà quan trọng hơn, cho sản xuất nông nghiệp của hàng triệu nông dân.


Tiếp tục hiện tượng khí hậu hanh khô, mưa ít, năm nay lượng mưa trên địa bàn Hà Nội chỉ bằng 50% bình quân nhiều năm, hầu hết các hồ, nổi bật là Đồng Mô và Suối Hai, nước dự trữ chỉ bằng 50% đến 61% mức thiết kế, hàng trăm hồ khác, kể cả hồ Hòa Bình (cung cấp điện và nước mặt cho Hà Nội) cũng không khá hơn. Nhiều tuyến sông chảy qua Hà Nội (riêng sông Hồng 163km, chiếm 1/3 chiều dài dòng chảy của sông ở Việt Nam) như các sông Đuống, sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích… mức nước cũng thấp hơn nhiều năm, rất khó khăn cho việc đưa nước vào đồng. Hạn hán khiến nguồn nước ngầm cạn dần và chắc chắn khả năng thiếu điện sẽ xảy ra, càng khó khăn cho việc chống hạn cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng sinh hoạt của người dân. Theo thông tin từ cuộc họp báo của Bộ NN&PTNT gần đây, năm nay mức nước cao nhất đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội chỉ 6,5m; hiện ở mức 1m và khả năng sẽ xuống còn 10cm. Với mức nước này, hàng nghìn máy bơm ở các trạm bơm sẽ không với tới nguồn nước, giao thông đường thủy ách tắc, nhiều giếng nước sẽ khô cạn.

Những lời cảnh báo cũng tương tự như nhiều năm nhưng cũng có những khác biệt. Khác vì các cơ quan có trách nhiệm cũng như người dân đã được cảnh báo, đã tập rượt và đã rút ra kinh nghiệm từ nhiều mùa khô trước, nhất là năm 2010 khô hạn ở mức kỷ lục. Nhiều công việc cần làm, nhưng có lẽ việc cần làm trước hết là tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, tiết kiệm tiền của và công sức do không thay đổi mùa vụ phù hợp với hạn hán. Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mặc dù nước hồ rất thấp nhưng tập đoàn cũng sẽ mở cửa xả lũ 2 đợt với thời gian tổng cộng khoảng nửa tháng để nông dân làm vụ đông và đông xuân. Tuy cố gắng như vậy nhưng nếu vòi hút của các trạm bơm không với tới được dòng nước, nếu không đủ điện chạy máy bơm, nếu nước bị thất thoát từ kênh mương xuống đồng trũng lớn thì lượng nước vào đồng ruộng khó tương xứng với lượng nước xả, đành nhìn những giọt nước quý như vàng trôi về biển. Ngay khi nước đã vào ruộng thì cũng cần thay đổi cơ cấu cây trồng, thay các cây cần nhiều nước bằng những cây cần ít nước, những cây thời điểm sinh trưởng mạnh rơi vào thời gian có khả năng mưa.

Trên đồng là vậy, còn trong phố, cũng không thể lơ là việc tiết kiệm. Giọt nước mùa hanh khô đã quý như vàng, càng quý hơn khi đã được chế biến thành nước sạch. Nhưng năm nào cũng vậy, tỷ lệ thất thoát nước sạch thường rất cao, cá biệt có nơi tới 30-40%. Nên chăng trong mùa khô này, ngoài các biện pháp kinh tế và hành chính, phát động phong trào toàn dân tiết kiệm nước, có khen thưởng thích đáng cho đơn vị và cá nhân có giải pháp tiết kiệm nước, có nghiên cứu khoa học - công nghệ tiết kiệm nước, nêu gương tiết kiệm nước và tích cực phát hiện, ngăn chặn, tố cáo việc lãng phí nước.

Vũ Duy Thông