Khủng hoảng nợ ám ảnh châu Âu

Thế giới - Ngày đăng : 07:54, 27/11/2010

(HNM) - Gắng gượng cuối cùng của Ireland để thoát khỏi vũng lầy nợ nần rốt cuộc cũng không tránh được con đường mà Hy Lạp đã đi.


Biểu tình tại Bồ Đào Nha phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ.      


Cho dù bài học từ sự chậm trễ trong việc giải cứu Hy Lạp đã khiến EU ra quyết định khá nhanh nhằm kéo Ireland thoát khỏi vũng lầy nợ nần ngày một chồng chất; song, các nỗ lực khẩn cấp cho đến nay chưa đủ để củng cố lòng tin vào triển vọng của thị trường tài chính châu lục.

Câu chuyện được nói tới nhiều nhất hiện nay không chỉ xoay quanh việc Dublin sẽ làm thế nào để đối phó với làn sóng phản đối ngày một dâng cao về kế hoạch ngân sách hà khắc lên tới 15 tỷ euro trong 4 năm tới để có thể nhận được trợ giúp. Giới đầu tư quan tâm nhiều hơn tới một hiện thực khác, đó là quốc gia nào tại Lục địa già sẽ trở thành quân bài domino tiếp theo của hiệu ứng nợ. Những lời đồn đoán đang đổ dồn về phía Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Người ta tin rằng, với mức nợ công lên tới 161 tỷ euro (tương đương 82% GDP) chưa có cách gì thanh toán, Lisbon sẽ sớm theo bước Dublin. Tây Ban Nha cũng không mấy khả quan. Lời thừa nhận của Thống đốc Ngân hàng trung ương nước này, Miguel Angel Fernandez Ordonez cho rằng Tây Ban Nha đang chịu nhiều sức ép từ cuộc khủng hoảng tài chính Ireland và chương trình thắt lưng buộc bụng của Madrid tiềm ẩn nhiều nguy cơ đang vẽ nên viễn cảnh u ám cho xứ sở Bò tót. Thông tin kinh tế Tây Ban Nha không tăng trưởng trong quý III vừa qua trong khi số người không có việc làm đã chiếm tới 20% lực lượng lao động càng khiến mối lo không ngừng mở rộng.
Cùng với sự rớt giá thê thảm của cổ phiếu Ireland, khủng hoảng lòng tin đã châm ngòi cho sự bán tháo trái phiếu chính phủ của các nhà đầu tư. Kết quả, chỉ số trái phiếu chủ chốt của Bồ Đào Nha giảm 2,2%, Tây Ban Nha giảm 3,1% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 vừa qua. Tác động trở lại thị trường, lãi suất trái phiếu chính phủ hai quốc gia này tăng lên mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời 11 năm trước đây, trên 7% đối với Bồ Đào Nha và gần 6% tại quốc gia láng giềng Tây Ban Nha, mức được xem là bước vào quỹ đạo rủi ro lớn. Theo ước tính của các nhà phân tích, nếu sa cơ lỡ bước, Lisbon sẽ cần hỗ trợ ít nhất 50 tỷ euro, trong khi nhiều người không muốn nghĩ tới kịch bản tương tự đối với Madrid, vì đó được xem là cơn ác mộng kinh hoàng nhất đối với châu Âu. Phải cứu trợ cho nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone - Tây ban Nha sẽ được xem như hồi chuông báo tử cho nền kinh tế còn yếu ớt của khu vực.

Những biến cố liên tiếp đã khiến đồng tiền chung châu Âu, niềm tự hào của sự gắn kết và sức mạnh của châu lục trải qua thăng trầm hiếm có. Trong những ngày qua, đồng euro đã có lúc xuống tới mức thấp nhất trong hai tháng khi 1 euro đổi được 1,34 USD. Nhiều nhà phân tích quả quyết, vấn đề tiếp theo của 16 quốc gia sử dụng đồng tiền này là nguy cơ tan vỡ do mức độ nợ công và thâm hụt ngân sách cao của các nước thành viên. Những người lạc quan có thể tạm yên lòng với lời trấn an từ người phụ trách Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) rằng đồng euro không thể sụp đổ. Sẽ không quốc gia nào từ bỏ đồng tiền củng cố "thương hiệu" của cả châu lục, vì với những nước dù mạnh hay yếu, đó sẽ là sự tự sát về kinh tế và sức mạnh chính trị châu Âu sẽ chỉ còn nửa giá trị nếu đồng tiền này biến mất. Thế nhưng, với nhiều người, niềm tin Eurozone vượt qua được cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ như đang thấy sẽ không thể chỉ là những lời cam kết, đặc biệt khi tình hình tài chính của châu Âu hiện nay vẫn chưa sáng sủa.

Giống như cơn lốc nợ công đang lan nhanh, làn sóng giận dữ của dân chúng nhiều nước EU trước chính sách chi tiêu "khổ hạnh" của chính phủ đang biến thành sự phẫn nộ ngày càng khó ngăn chặn. Các cuộc đình công, biểu tình làm tê liệt hoạt động của hàng loạt nhà máy ở Bồ Đào Nha để phản đối việc cắt giảm lương và lương hưu của chính phủ; sinh viên Italy và Anh đụng độ với cảnh sát trong các cuộc biểu tình chống cắt giảm ngân sách giáo dục, người Ireland chán nản với kế hoạch khắc khổ nhất trong lịch sử... khiến châu Âu thật sự đối diện với một cuộc khủng hoảng nợ thế kỷ.

Vân Khanh