Thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Xã hội - Ngày đăng : 07:49, 27/11/2010

Chúng tôi là một tổ chức, đã được Nhà nước giao quyền sử dụng đất với diện tích 700m2. Tuy nhiên, trên khuôn viên đất hiện có một hộ gia đình sinh sống, vì hiện họ tiến hành cải tạo, xây dựng nhà mới. Vậy, xin hỏi chúng tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình? Cơ quan chức năng có trách nhiệm và quyền hạn như thế nào trong việc quản lý trật tự xây dựng đô thị, giải quyết tranh chấp đất đai tại địa phương? Hoàng Văn Hảo

Chúng tôi là một tổ chức, đã được Nhà nước giao quyền sử dụng đất với diện tích 700m2. Tuy nhiên, trên khuôn viên đất hiện có một hộ gia đình sinh sống, vì hiện họ tiến hành cải tạo, xây dựng nhà mới. Vậy, xin hỏi chúng tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình? Cơ quan chức năng có trách nhiệm và quyền hạn như thế nào trong việc quản lý trật tự xây dựng đô thị, giải quyết tranh chấp đất đai tại địa phương?
Hoàng Văn Hảo

Thạc sỹ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 quốc gia, web: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Điều 135, Luật Đất đai năm 2003 quy định: "Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải tranh chấp đất đai. Thời hạn hòa giải là ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhận được đơn".

Căn cứ nội dung trên, để bảo vệ quyền lợi của mình, trước hết quý cơ quan cần gửi "đơn kiến nghị" tới UBND cấp phường, nơi có đất để yêu cầu tiến hành thủ tục hòa giải theo quy định của pháp luật. Kèm theo đơn kiến nghị, quý cơ quan có thể gửi văn bản kiến nghị người có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ (dừng) thi công công trình xây dựng trên diện tích đất đang tranh chấp.

Về quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý trật tự xây dựng đô thị, giải quyết tranh chấp đất đai tại địa phương, theo quy định của pháp luật hiện hành, đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên đất đai khi tiến hành thanh tra có thẩm quyền: quyết định tạm thời đình chỉ việc sử dụng phần đất không đúng pháp luật, đồng thời báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xử lý (điểm b khoản 1 Điều 133, Luật Đất đai năm 2003). Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra tình hình trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn, ban hành kịp thời quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo thẩm quyền (điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 180/2007/NĐ-CP). Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Quyết định 89/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thanh tra xây dựng cấp phường có quyền hạn, trách nhiệm phát hiện và kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như: xây dựng không phép; xây dựng sai giấy phép; xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ của công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình khác theo quy định của pháp luật; lấn chiếm vỉa hè, đường phố; cơi nới, lấn chiếm không gian; vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về quản lý, sử dụng đất đai và các vi hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động xây dựng trên địa bàn.