Đối mặt thử thách
Chính trị - Ngày đăng : 06:44, 27/11/2010
Bảo vệ môi trường
Công viên Hòa Bình, một dự án xã hội hóa đã được đưa vào sử dụng.
Ảnh: Huy Hùng
Thảo luận chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, UBND TP đã đề cập nhiều vấn đề phức tạp. Trước hết là về chất lượng tăng trưởng với mối liên quan mật thiết với bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu KTXH TP Hà Nội phân tích: "Trung Quốc tăng trưởng GDP 15%, nhưng tiêu tốn đến 7-8% để xử lý ô nhiễm môi trường (ÔNMT) và nhiều hệ lụy xã hội phức tạp khác. Nên TP tăng trưởng GDP 11%, nhưng cũng phải bỏ ra rất nhiều chi phí để xử lý các vấn đề tương tự. Vì vậy, cần có quan điểm phát triển bền vững ngay từ khi xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2011 và các năm tiếp theo".
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Vũ Văn Hậu cho rằng, trong năm 2010, TP Hà Nội đã làm được nhiều việc trong xử lý ÔNMT, nhưng riêng xử lý nước thải vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. "Thu gom nước thải từ đầu nguồn là rất hệ trọng. Nếu không có giải pháp cấp bách thì chúng ta sẽ phải chung sống lâu với tình trạng hiện nay. Vì vậy, nên bổ sung đầu tư tách nước thải và nước mưa, xử lý một phần nước thải từ đầu nguồn trong năm 2011". Đề xuất này nhận được sự tán thành của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình: "Tới đây, TP sẽ tính tới việc yêu cầu tất cả các khu đô thị, cơ sở sản xuất phải xử lý nước thải trước khi đổ vào hệ thống thoát nước chung của TP".
Điều đáng nói là nhiệm vụ quản lý về môi trường ngày càng trở nên cấp bách, nhưng hiện nay, việc phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan vẫn còn chồng chéo. "Cây xanh, nước thải, rác thải vẫn thuộc Sở Xây dựng, nhưng quản lý nhà nước về môi trường lại là Sở TNMT. Vừa rồi chúng tôi cùng các huyện khảo sát về thu gom rác. Khi đã có số liệu và dự định triển khai công việc tiếp theo thì phải giao lại cho Sở Xây dựng" - ông Vũ Văn Hậu cho biết.
Cởi nút thắt thủ tục hành chính
Đầu tư phát triển giao thông và "tam nông" (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) sẽ là hai mảng ưu tiên trong năm 2011. Tuy nhiên, chính lãnh đạo các ngành cũng lo ngại vì hiệu quả đầu tư có thể bị ảnh hưởng xấu bởi thủ tục hành chính (TTHC) còn rất phức tạp. Năm 2010, giải ngân các dự án xây dựng cơ bản cấp TP mới đạt 65%, cấp huyện trở xuống thấp hơn, khoảng 55%...
Bà Nguyễn Thị Hà Ninh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: "Vốn đầu tư phát triển giao thông vẫn bảo đảm. Nhưng sắp tới, trong thực hiện, thủ tục đầu tư phải được nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi hơn. Chúng ta mới thấy thủ tục đầu tư dự án dưới 1 tỷ đồng được nhanh chóng, còn dự án trên 1 tỷ đồng vẫn còn rất vướng". Trong khi mảng đầu tư ở khu vực nông thôn, ngoại thành cũng bị chậm vì vướng thủ tục. Nổi bật nhất là thủ tục xác định chỉ giới quy hoạch. Ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Sở KHĐT bức xúc: "Một mảnh đất kẹt có 300m2 ở giữa làng, có từ hàng trăm năm rồi muốn đấu giá cũng phải đòi chỉ giới. Tôi đề nghị TP có cơ chế xác nhận những trường hợp như vậy để bỏ qua thủ tục này".
Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng cho biết thêm: "Ngay như nâng cấp cải tạo kênh mương, nâng cấp bờ ao nuôi trồng thủy sản cũng phải thỏa thuận quy hoạch". Theo Phó Chủ tịch Trịnh Duy Hùng, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bô, chấn chỉnh kỷ cương hành chính là những vấn đề TP phải tập trung thực hiện: "Nhiều vụ việc TP chỉ đạo, quận, huyện không thực hiện ngay. Trên TP "sôi" 10 thì xuống cơ sở còn rất ít. TP yêu cầu ngày 15 báo cáo, có khi đến ngày 15 tháng sau cấp dưới vẫn chưa báo cáo".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình nhận định: "Nguồn lực có, nhưng thủ tục đầu tư vẫn kéo chúng ta lại. Rõ ràng khâu đột phá cải cách hành chính là đúng. Nên các sở, ngành phải tập trung để giải phóng thủ tục, cũng là để giải phóng dòng tiền cho đầu tư phát triển xã hội. Đây là cái "nút thắt", Sở KHĐT phải có giải pháp để cởi "nút thắt" này".
"Làn gió mới" cho xã hội hóa
Xã hội hóa (XHH) là chủ trương quan trọng của TP nhằm thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển cộng đồng. Thế nhưng, hiệu quả công tác này vẫn bị đánh giá thấp.
Giám đốc Sở TNMT Vũ Văn Hậu cho biết: "Năm 2010, thành phố có 5 nhiệm vụ trọng tâm, nhưng XHH được đề cập mờ nhạt. Chúng ta mới XHH được ở các dự án quy mô nhỏ, đầu tư XHH quy mô lớn còn rất hạn chế. Hiện nay, còn khoảng 10 dự án XHH vẫn bị đình trệ". Giám đốc Vũ Văn Hậu cũng đề cập cách triển khai chủ trương XHH cần toàn diện hơn để tránh tình trạng cùng một dự án XHH, nhưng chỉ đạt hiệu quả ban đầu. "Công viên Hòa Bình đã thành công trong XHH xây dựng, nhưng nếu không XHH bổ sung các công trình, dịch vụ, quản lý thì sẽ kém hiệu quả". Cùng quan điểm về thực trạng XHH, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Hà Nội nhận xét: "Vừa rồi hoạt động XHH trở nên sôi động là nhờ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trên thực tế các dự án đầu tư XHH về dịch vụ y tế, thể thao rất ít". Với những vấn đề đặt ra ở trên, có thể thấy, câu chuyện phát triển đối với Hà Nội không chỉ là những con số, mà còn là những lĩnh vực chưa được đầu tư xứng đáng như xử lý ÔNMT, có những việc đòi hỏi tập trung cao độ như cải cách TTHC, lại có những nguồn lực chưa được khai thác đúng mức như XHH. Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV, cũng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, nên mang ý nghĩa "bản lề" rất quan trọng. Có thể nói, giải quyết những vấn đề phức tạp trên chính là làm trơn tru cái "bản lề" ấy.