Phòng chống tham nhũng: Triệt tiêu đặc quyền, đặc lợi
Chính trị - Ngày đăng : 06:22, 27/11/2010
Phản ánh của người dân và thực tiễn xét xử các vụ án hình sự ở Hà Nội và nhiều địa phương khác cho thấy, nhiều loại thu nhập bất chính ngoài lương có được do quyền lực. Diện này thường là người có quyền phê duyệt dự án; vay vốn, giải quyết nợ, thuế; xử phạt; sử dụng vốn ODA, được "lại quả". Cũng có thể là người môi giới, giải quyết thủ tục hành chính; người có khả năng chạy án...
Tiền lương không đủ sống, mang nặng tính bình quân, cào bằng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bức tranh nhiều mảng tối trên. Với cơ chế hiện nay, một công chức mới vào nghề được xếp ngạch chuyên viên hành chính bậc 1, hệ số lương 2,34 có lương khoảng 1.700.000 đồng/tháng. Nếu 3 năm lên một bậc lương và không có đột biến khác thì sau 30 năm công tác, lương tháng công chức đó sẽ chỉ 3.900.000 VND. Mặc dù vậy, người ta vẫn chen chân, "xếp hàng" để vào biên chế viên chức, công chức, phải chăng vì có đặc quyền, đặc lợi như đã dẫn ở trên (?). Ngay ở cấp phường, trung bình lương tháng chỉ khoảng 1,2 triệu đồng, nhưng tuyển cán bộ rất dễ, không nơi nào kêu thiếu người. Chuyện công chức sống tốt, nhà lầu, xe hơi mà không phải làm thêm gì không hiếm...
Một vấn đề đáng bàn nữa là chất lượng thực thi công vụ. Qua khảo sát ở 61/63 tỉnh, TP về một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cải cách hành chính đang gặp trở ngại không nhỏ bởi thói quen quản lý theo cơ chế xin - cho ở nhiều địa phương. Minh chứng điển hình là ở không ít nơi có tình trạng những dự án nhà nằm ở khu đô thị mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng trong quá trình lập dự án, dân vẫn phải tiến hành thỏa thuận cấp điện, cấp nước, chiều cao tĩnh không của công trình, rất phiền hà trong việc xin cấp phép xây dựng.
Còn theo Bộ Tư pháp, thủ tục cấp sổ đỏ vốn đã phức tạp nhưng nhiều tỉnh, thành phố, điển hình là TP Hồ Chí Minh vẫn "đẻ" thêm một số loại giấy tờ như phải có biên bản nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành để đưa vào sử dụng; biên bản nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho UBND quận, huyện hoặc Sở Giao thông Công chính quản lý…
Trong hai năm 2009-2010, Đoàn thanh tra công vụ công tác CCHC của Hà Nội đã làm việc tại bộ phận "một cửa" của vài chục xã, phường, quận, huyện. Kết quả các thủ tục liên quan đến đất đai là lĩnh vực thiếu minh bạch nhất. Hiện các quận, huyện và rất nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô đã niêm yết danh mục và hướng dẫn thực hiện các TTHC nói chung và TTHC về đất đai nói riêng, nhưng việc hiểu chúng là chuyện không dễ! Các hướng dẫn xin cấp "sổ đỏ", rồi chuyển nhượng, tách thửa… thực sự là "mớ bòng bong". Để hiểu được "sổ đỏ" cần những giấy tờ gì, bản chính hay bản sao, bản sao có chứng thực hay không, cần xác nhận của ai… người dân buộc phải nhờ đến cán bộ "một cửa", hoặc "cò", chấp nhận mất tiền cho được việc.
Tăng lương đồng thời với tinh giản bộ máy
Theo ông Lê Minh Giáo, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Nhà nước cần đề ra cơ chế quản lý, giám sát hiệu quả để xóa bỏ nguồn gốc những đặc lợi bắt nguồn từ quyền lực. Tuy nhiên, việc cần làm là tăng lương để bảo đảm công chức an tâm làm việc, thực thi bổn phận. Khi thu nhập chính đáng không đủ sống, đội ngũ "công bộc" tất phải tìm cách có thêm thu nhập vì sự tồn tại của bản thân và gia đình.
Hiện đội ngũ cán bộ, công chức cả nước quá lớn, số người hưởng lương từ ngân sách, theo thống kê của Bộ Nội vụ lên đến gần 6,1 triệu người. Do đó, chỉ mới điều chỉnh nâng lương tối thiểu thôi thì ngân sách nhà nước cũng đã chi tốn đến hàng chục nghìn tỷ đồng rồi. Vì thế, nhất thiết là phải tinh giản bộ máy, triệt tiêu "đặc quyền, đặc lợi" bằng cơ chế. Có nên tiếp tục bao cấp cho các hội, đoàn mà theo nguyên lý là hội viên tự nguyện tập hợp, tổ chức? Liệu có nên xã hội hóa nhiều loại hình dịch vụ công, chuyển bớt nhiều công việc của các bộ, ngành cho xã hội để có thể giảm đội ngũ cán bộ hưởng lương từ ngân sách hơn nữa?
Khi chưa dứt khoát trả lời những câu hỏi đó thì công chức sẽ vẫn phải sống với đồng lương danh nghĩa và những hệ lụy nhiều mặt từ hệ thống lương ấy sẽ vẫn tồn tại dai dẳng.