Liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn
Kinh tế - Ngày đăng : 08:03, 26/11/2010
Thực trạng sản xuất rau an toàn
Hiện nay Hà Nội có trên 11.650ha sản xuất RAT, phân bổ ở 22 quận, huyện, thị xã, trong đó diện tích rau chuyên canh đạt trên 5.000ha, hệ số quay vòng bình quân 3,5 vụ/năm, diện tích rau không chuyên là 6.600ha, hệ số quay vòng 1,5 vụ/năm. Hiện nay, diện tích sản xuất theo quy trình RAT của TP, trong đó có cán bộ kỹ thuật bảo vệ thực vật giám sát chỉ đạo là 2.105ha (chiếm 18%). Sản lượng rau toàn TP là 569.802 tấn/năm, đáp ứng 60% nhu cầu rau xanh của TP, trong đó RAT được trên 131.000 tấn, đáp ứng được 14%, còn lại 40% lượng rau phải nhập từ các tỉnh lân cận. Lượng rau xanh được cung cấp ra thị trường thông qua 122 cửa hàng, 8 chợ đầu mối, 395 chợ dân sinh, trong đó 102 chợ nội thành.
Theo Viện Nghiên cứu rau quả, lượng RAT trong nhóm hộ điều tra sản xuất ra ước tính 75.000 tấn nhưng chỉ có 15-20% được tiêu thụ qua các bếp ăn, siêu thị, cửa hàng, còn lại phần lớn được tiêu thụ tại các chợ lân cận, tỉnh bạn, giá bán chỉ tương đương với rau sản xuất đại trà. Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, số lượng RAT được tiêu thụ theo đơn đặt hàng thì có đến 70-75% được các HTX, doanh nghiệp bán đến khách hàng là các bếp ăn của bệnh viện, trường học, doanh nghiệp… còn lại 25-30% qua kênh bán lẻ là các siêu thị, cửa hàng.
Tiêu thụ gặp khó khăn
Hiện nay có 22 mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ, diện tích 90ha, sản lượng quá nhỏ so với nhu cầu của TP. Ngoài ra, một số DN nhỏ có liên kết với nông dân trong chỉ đạo, giám sát, song kinh nghiệm khai thác thị trường chưa tốt, hiệu quả không cao, nên không mở rộng ra sản xuất. Các DN có kênh phân phối bán lẻ khi có thị trường thì không tìm được nguồn cung cấp có uy tín, không có thị trường thì bỏ mặc nông dân bởi không có sự liên kết dọc giúp họ sản xuất. Do chưa tạo được sự khác biệt của RAT cho nên khó kiểm soát kênh bán lẻ, nên cửa hàng bán cả rau không bảo đảm tiêu chuẩn lẫn với RAT để kiếm lời, làm mất niềm tin của người tiêu dùng.
Liên kết sản xuất và tiêu thụ
Mục tiêu bất kỳ nhà sản xuất, kinh doanh nào cũng là cung ứng cho thị trường để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện nay nông dân đang sản xuất theo quan điểm phong trào, chưa xác định thị trường sản phẩm bán ở đâu, bán cho ai, cách đưa sản phẩm ra thị trường thế nào. Do đó cần phải có sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mà vai trò DN làm trung gian phân phối rất quan trọng trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh cho sản phẩm, còn nông dân tập trung sản xuất để bảo đảm chất lượng của sản phẩm.
Để thúc đẩy sản xuất RAT, khuyến nông cần xây dựng mô hình mẫu về liên kết dọc giữa doanh nghiệp làm trung gian phân phối với người sản xuất và kênh bán lẻ để rút kinh nghiệm khi nhân ra diện rộng. Để mô hình đạt hiệu quả tốt, cần lưu ý một số nội dung sau:
1. Hạ tầng cơ sở phải đáp ứng được yêu cầu sản xuất RAT.
2. Lựa chọn DN làm trung gian phân phối có tâm huyết, kinh nghiệm và uy tín trong kinh doanh cùng đầu tư vào sản xuất với nông dân.
3. Xây dựng được mối liên kết giữa trung gian phân phối với các DN cung ứng vật tư "đầu vào" (giống, phân bón, thuốc BVTV...) nhằm kiểm soát được vật tư "đầu vào" và cùng chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm sản xuất ra.
4. Xây dựng mô hình trình diễn RAT mới; gắn mô hình với việc đào tạo tại hiện trường để nâng cao kỹ năng thực hành cho nông dân nhằm thực hiện tốt quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm mới khác biệt với sản xuất đại trà.
5. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm, định vị được thương hiệu sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng; quan tâm tới dịch vụ sau bán hàng.
6. Lựa chọn kênh bán lẻ có uy tín với người tiêu dùng để cung cấp sản phẩm ra thị trường, DN phải chia sẻ lợi nhuận, khó khăn với kênh bán lẻ. Nên xây dựng chuỗi cửa hàng tiện ích về nông sản an toàn, trong đó có RAT, nhằm đáp ứng thỏa mãn nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.