Chủ động chống hạn
Kinh tế - Ngày đăng : 07:33, 26/11/2010
Ảnh minh họa
Tổng cục Thủy lợi cho biết, tình hình tích nước ở các hồ thủy điện, thủy lợi thời điểm hiện tại chỉ đạt 80% mức thiết kế, nhiều hồ ở mức thấp như hồ Hòa Bình 77%, Thác Bà 56%, Tuyên Quang 51%, Sơn La 49%... Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có tình trạng này là do tổng lượng nước về các hồ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2009, chỉ bằng 61% và nhiều hồ vẫn chưa xả lũ. Tại Hà Nội, các hồ thủy lợi cũng ở mức báo động "đỏ" như hồ Đồng Mô chỉ đạt 50%; hồ Suối Hai 61%... công suất thiết kế. Trên sông Hồng, tại trạm đo Hà Nội, mực nước cao nhất chỉ đạt 6,46m, từ đầu tháng 10 đến nay tiếp tục suy giảm nghiêm trọng, từ 4m xuống xấp xỉ 1m. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Vũ Văn Thặng, do mưa ít, nguồn nước sông đổ ra biển thấp nên xâm nhập mặn tại các cửa sông đang lấn sâu vào nội địa. Nếu tiếp tục, nước mặn sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước ngọt và cấp nước đổ ải vụ xuân 2011. Đáng nói, ở khu vực Bắc Trung bộ vừa xảy ra lũ lụt lớn, nhưng theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn trung ương thì dòng chảy trên các sông cũng thiếu hụt trầm trọng, so với nhiều năm giảm 40% đến 50%. Trước những thông tin bất lợi cho ngành nông nghiệp, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cảnh báo, tình trạng thiếu nước, khô hạn diện rộng có khả năng xảy ra ở miền núi phía Bắc, Trung du, Đồng bằng Bắc bộ.
Khẩn trương nạo vét kênh mương, sửa chữa công trình thủy lợi
Để chủ động đối phó với hạn hán, các địa phương đang gấp rút bảo dưỡng máy bơm, nạo vét kênh mương. Theo Tổng cục Thủy lợi, có gần 10 nghìn máy bơm ở khu vực phía Bắc cần phải sửa chữa. Dự kiến lắp đặt khoảng 1.200 máy điện và 3.800 máy dầu dã chiến, đến tháng 12 sẽ hoàn thành 25%, còn lại sẽ lắp đặt khi cần. Khối lượng công việc nạo vét cửa cống, kênh dẫn, bể hút và thủy lợi nội đồng khoảng 20 triệu mét khối, dự kiến đến tháng 1-2010 sẽ hoàn thành. Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã xây dựng phương án xả lũ, gồm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 27-1 đến 2-2-2011; đợt 2 từ ngày 8-2 đến 14-2-2011 với tổng lưu lượng xả từ 3 hồ, gồm Thác Bà, Tuyên Quang và Hòa Bình khoảng 2.000m3/s.
Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Nhã, Sở đã chỉ đạo xây dựng phương án chống hạn của từng địa phương và TP; duy tu, bảo dưỡng hệ thống kênh mương, trạm bơm, quản lý chặt chẽ nguồn nước. Trong đó Hà Nội chú trọng hai khu vực khó khăn về nguồn nước là hồ Đồng Mô, hồ Suối Hai và khu vực ven sông Nhuệ. Vụ đông xuân 2010-2011, Hà Nội gieo trồng 129.000ha, trong đó diện tích lúa là 120.000ha, còn lại là rau màu. Ông Trần Thanh Nhã kiến nghị, trong 2 đợt xả nước phải bảo đảm chất lượng nước, nguồn điện ổn định phục vụ bơm nước.
Chỉ đạo công tác phòng, chống hạn, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu: "Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo các đơn vị lấy nước hợp lý, bảo đảm sử dụng tối ưu nguồn nước trong các đợt xả, tránh lãng phí. Đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam giữ chế độ xả nước ổn định, kiểm tra hệ thống điện, ưu tiên điện cho bơm nước". Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các địa phương cần điều chỉnh cơ cấu cây trồng hợp lý, chuyển dịch mạnh sang cây trồng chịu hạn, chịu mặn, thời gian sinh trưởng ngắn… Ngoài ra, tiếp tục tăng diện tích cấy trà xuân muộn, gieo thẳng để tiết kiệm nước.
Sử dụng hiệu quả nguồn nước cho cấp điện và sản xuất |