Có hay không việc “phá hoại di tích”?
Xã hội - Ngày đăng : 07:24, 26/11/2010
Không thể không cải tạo
Một góc Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Thái Hiền
Ông Nguyễn Ngọc Chất, chuyên gia khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, người trực tiếp nghiên cứu, thám sát tường và cổng Thành cổ Sơn Tây cho biết: Thành được xây dựng năm 1822 dưới thời Vua Minh Mạng, theo kiến trúc Vauban (một loại thành quân sự của Pháp). Tường thành cao 4,5m, dày từ 1,25-1,35m, xây vát lên bằng đá ong, phía trong đắp đất theo kiểu thoải dốc chân đê để giữ tường thành. Đây là thành quân sự điển hình, phên dậu cho phía tây Hà Nội xưa. Hiện nay, hầu hết các đoạn tường thành đã bị sạt lở nghiêm trọng, chỉ còn chân móng.
Trong báo cáo kết quả thám sát di tích vào tháng 9-2010, ông Chất đề nghị phát quang, làm lộ rõ hiện trạng của những đoạn tường thành còn lại. Với những cây cổ thụ trên mặt tường thành, phải có phương án bảo tồn vì bản thân chúng là minh chứng lịch sử; các bụi cây cần triệt hạ để không gây hại đến tường thành. Còn đối với tường thành, việc trước mắt nên làm là bảo tồn nguyên trạng phần móng còn lại, xây xếp thêm đá ong lên những đoạn bị sạt nhiều để có thể tái hiện toàn bộ hệ thống tường thành.
Cổng đông của thành đã bị triệt giải nhưng kết quả khai quật khảo cổ cho thấy cổng có quy mô, kết cấu tương đồng với cổng phía tây, nam, bắc hiện vẫn còn. Đây là căn cứ khoa học để phục dựng cổng đông.
Như vậy, có thể nói việc chỉnh trang tường thành cũ và phục hồi cổng đông là cần thiết ở thời điểm hiện tại.
Phương án đang triển khai là khoa học
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây khẳng định: Chính quyền, nhân dân thị xã nhận thức được giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc quý giá của Thành cổ nên đã xin phép và được UBND thành phố Hà Nội cho phép lập dự án cải tạo, chỉnh trang tường thành cũ và phục hồi cổng đông. Trên tinh thần đó, BĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập báo cáo kỹ thuật, báo cáo kết quả thám sát và có Tờ trình số 370/TTr - BĐTXD ngày 6-11-2009 gửi Sở VH,TT&DL Hà Nội và đề nghị Sở có công văn gửi Bộ VH,TT&DL xem xét dự án này.
Ông Trần Đức Minh, Trưởng ban BĐT cho biết thêm, việc phát quang thí điểm 117,5m tường thành cho thấy đa số đoạn tường chỉ còn vài viên gạch, nên không thể thực hiện phương án "trồng cây thành hàng rào chạy dọc theo vị trí tường thành bị mất để khách tham quan có thể hình dung được tường thành cũ"… như hướng dẫn của Bộ VH,TT&DL tại văn bản số 1699/BVHTTDL-DSVH ngày 12-5-2010. Theo ông Minh, làm như vậy sẽ không thể đắp đất phía sau tường thành; hơn nữa, nước mưa đọng lại ở móng tường thành lâu ngày sẽ phá hủy tường thành gốc. Việc tái định vị các viên đá ong cũ cũng không thể thực hiện được vì không còn đá ong gốc. Bởi vậy, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Sơn Tây đã có văn bản số 952 ngày 7-10-2010 đề nghị Bộ VH,TT&DL, Cục Di sản văn hóa cho phép tu bổ 117,5m tường thành đã phát lộ. Phương án đặt ra là giữ nguyên tường thành cũ, xếp đá ong mới thụt vào 3-5cm so với tường thành cũ để có thể phân biệt được đâu là tường thành cũ, đâu là phần mới. Phía trong tường đắp đất theo kiểu thoải chân đê, trồng cỏ và làm cống thoát nước phía dưới. Toàn bộ cây cổ thụ, cây quý trên mặt tường thành được giữ nguyên, chỉ chặt bỏ cây dại.
117,5m tường được chỉnh trang theo cách này nhưng việc làm đó đã bị dư luận lên án là "phá hoại di tích" và vào ngày 19-11, Cục Di sản văn hóa đã yêu cầu tạm dừng việc chỉnh trang tường thành.
Tiếp tục thực hiện việc tu bổ
Tuy nhiên, sau khi đi kiểm tra thực địa, GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội KHXH Việt Nam, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội đánh giá phương án mà BĐT đang triển khai là bài bản, khoa học. Song, ông cũng lưu ý đơn vị thi công nên chú ý đến các chi tiết nhỏ hơn, như chọn đá ong ở vùng nào là phù hợp; nên trồng cây gì, hoa gì lên tường đất phía trong…
Ông Trần Đình Thành, Phó Trưởng phòng Quản lý di tích (Cục Di sản văn hóa) cho biết: Cục nhận được hồ sơ dự án này trước khi các đoạn tường thành phát lộ nên chưa có đủ căn cứ kiểm định. Ông cũng ghi nhận việc cải tạo tường thành mà BĐT đang làm không ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích. Về yêu cầu tạm dừng thi công đối với dự án này vào ngày 19-11 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định: Cục chỉ yêu cầu tạm dừng xếp đá ong lên tường thành, còn việc làm phát lộ tường thành vẫn tiếp tục được thực hiện. UBND thị xã Sơn Tây có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng lập báo cáo chi tiết, tiếp tục lấy ý kiến các nhà khoa học chuyên ngành rồi báo cáo Cục Di sản văn hóa trong thời gian sớm nhất. Căn cứ tình hình, Cục sẽ đưa ra những kết luận cuối cùng.