Ủng hộ cơ chế xem lại quyết định tái thẩm, giám đốc thẩm

Đời sống - Ngày đăng : 14:25, 25/11/2010

(HNMO) - Ngày 25/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, các ý kiến đại biểu tập trung vào 2 nội dung lớn: vai trò của Viện kiểm sát và cơ chế đặc biệt để xem lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.


Chưa đồng thuận về quy định để VKS tham gia 100% vụ án dân sự

Là một người làm trong ngành kiểm sát, đại biểu Đặng Văn Khanh - TP Hà Nội ủng hộ quan điểm “việc dân sự cốt ở hai bên”. Tuy nhiên, từ khi Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực pháp luật, qua hoạt động thực tế đã bộc lộ rất nhiều vấn đề bất cập mà cần thiết phải sửa đổi bổ sung, trong đó có vai trò của Viện kiểm sát tham gia trong quá trình tố tụng dân sự.

“Điều 21 của Luật tố tụng dân sự hiện hành thì Viện kiểm sát chỉ tham gia các phiên tòa đối với những vụ án do tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại. Điều này dẫn đến tình trạng hiện nay là rất nhiều trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập xuất trình chứng cứ cho tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích của mình”, đại biểu Khanh nói.

Thêm vào đó, rất nhiều trường hợp đương sự không thật sự am hiểu pháp luật để tự mình đưa ra lý lẽ, lập luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong khi đó cũng không phải đương sự nào cũng có thể thuê luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và không phải trường hợp nào đương sự cũng có thể phát hiện được sự thiếu khách quan của thẩm phán trong quá trình thu thập chứng cứ để khiếu nại và đề nghị Viện kiểm sát tham gia phiên tòa. Thực tế này dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự không được bảo vệ ngay từ cấp sơ thẩm và cũng là hệ quả của việc kháng cáo các vụ án dân sự ngày một nhiều. Vì vậy, đại biểu Khanh tán thành quy định Viện kiểm sát tham gia vào tất cả các phiên tòa, phiên họp về giải quyết các vụ án dân sự, vụ việc dân sự.

Đại biểu Khanh cũng ủng hộ quy định kiểm sát viên phát biểu ý kiến tại phiên tòa, giúp cho phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy được sự việc khách quan hơn, đầy đủ hơn để phán quyết tốt hơn.

Chung quan điểm, các đại biểu Hà Công Long - Gia Lai, Hồ Văn Năm - Đồng Nai… cũng nhất trí cao với việc sửa đổi Điều 21 của Bộ luật tố tụng dân sự theo hướng Viện kiểm sát nhân dân sẽ tham gia 100% các vụ án dân sự.

Về phát biểu của Viện kiểm sát tại phiên tòa, đại biểu Hà cho rằng, việc tham gia của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc xét xử được kịp thời và đúng pháp luật thì đường nhiên trong quá trình tham gia từ khi thụ lý vụ án cho đến phiên tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát phải thể hiện quan điểm của mình trên cơ sở nghiên cứu đơn của đương sự, phát biểu của đương sự để đối chiếu với các quy định của Bộ Luật dân sự cũng như các văn bản pháp luật khác, để xem xét đánh giá phát biểu đó có đúng với pháp luật không và trước khi Hội đồng xét xử nghị án, kiểm sát viên đương nhiên phải phát biểu những nội dung này, còn nếu chỉ phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng thì không đảm bảo được yêu cầu đảm bảo vụ án xét xử đúng pháp luật.

“Tôi cho rằng sự phát biểu, đánh giá đó của kiểm sát viên càng làm tăng thêm tính khách quan để Hội đồng xét xử nghiên cứu, cân nhắc, xem xét, quyết định”, đại biểu Long nói.


Tuy nhiên, một số đại biểu, trong đó có đại biểu Vi Thị Hương - Điện Biên, Võ Thị Thuý Loan - Tiền Giang, Trần Đình Nhã - Bà Rịa - Vũng Tàu lại không đồng tình với quan điểm Viện kiểm sát tham gia tất cả các vụ án dân sự và tại phiên tòa, phiên họp phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án.

Theo các đại biểu, về lý, việc kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án là trái với nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận của đương sự và nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Về thực tiễn, khi thực hiện áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Tòa án xét xử vẫn có sự kiểm sát, xét xử của Viện kiểm sát. Tất cả thủ tục tố tụng như thông báo thụ lý, biên bản, hòa giải... đều được gửi đầy đủ cho Viện kiểm sát.

“Việc dự thảo luật đưa Viện kiểm sát tham gia phiên tòa liệu có phải là một bước tiến hay không, có giải quyết được nguyên nhân sâu xa dẫn tới hạn chế bất cập trong giải quyết tranh chấp dân sự tại Tòa án hiện nay không hay đây lại là một bước lùi?”, đại biểu Hương băn khoăn.

Cũng đứng trên quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng - TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải phân biệt vị trí của Viện kiểm sát ở phiên tòa dân sự và phiên tòa hình sự hoàn toàn khác nhau. Ở phiên tòa hình sự, Viện kiểm sát đại diện cho quyền lợi của Nhà nước, còn Luật sư là bảo vệ đại diện cho quyền lợi của chính bị cáo. Cho nên tại phiên tòa hình sự, cái giỏi Viện kiểm sát là buộc cho thật tốt, cái giỏi của Luật sư là gỡ cho thật tốt, tòa ở chính giữa, tòa phán xét hoặc coi Viện kiểm sát buộc tội tốt thì xử theo Viện kiểm sát, Luật sư gỡ tội tốt thì xử theo Luật sư. Còn trong các vụ án dân sự, không có khái niệm Viện kiểm sát là đại diện cho quyền lợi của xã hội mà đây là quyền lợi của các bên tranh chấp dân sự và trách nhiệm cung cấp chứng cứ là các bên đương sự và luật sư sẽ có trách nhiệm cùng với các bên đương sự lo vấn đề chứng cứ và Tòa lại xem xét và giải quyết. Cho nên, vai trò của Viện kiểm sát sẽ từ từ mờ nhạt.

“Tôi nghĩ Viện kiểm sát chỉ nên tham gia phiên tòa với nhiệm vụ kiểm sát việc tuân thủ pháp luật”, đại biểu Trừng nói.

Ủng hộ cơ chế đặc biệt xem lại các quyết định tái thẩm, giám đốc thẩm


Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng - Quảng Bình cho rằng, việc sửa đổi cơ chế kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như trong dự thảo luật là “một sự cách mạng rất lớn” vì nó giải quyết được những vấn đề khúc mắc từ xưa, đáp ứng được nguyện vọng nhân dân. Trong thực tế xét xử, cấp xét xử cao nhất đó là Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tuy ít nhưng cũng có những quyết định sau đó phát hiện sai lầm, thậm chí là sai lầm nghiêm trọng, hoặc sau đó còn phát hiện được những tình tiết mới làm thay đổi cả nội dung vụ án nhưng luật hiện hành lại không có cơ chế để sửa.

“Chúng ta đang phê phán thái độ vô cảm trước những thực tiễn thấy được những sai lầm mà không sửa được. Chúng ta thấy sai mà dừng lại ở đó thì tôi nghĩ rằng không thỏa đáng. Cho nên chúng tôi rất vui mừng vì sửa đổi lần này”, đại biểu Nhượng nói.

Tuy nhiên, đại biểu Nhượng cũng đề nghị, cần phải tiếp tục nghiên cứu để có những quy định về các chủ thể được quyền kiến nghị theo hướng quy định như trong Luật tố tụng hành chính vừa được Quốc hội thông qua.

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa - Nam Định cũng ủng hộ việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đại biểu Hoa, dự luật nên bổ sung thêm một cơ chế xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Toàn án nhân dân tối cao thì phải đáp ứng được 2 điều kiện, trong đó điều kiện cần làm theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vì bản án được giám sát bởi các Ủy ban của Quốc hội.

“Điều kiện đủ là phải có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng thẩm phán đồng ý thì quyết định đó mới được xem xét lại”, đại biểu Hoa đề nghị.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Thế Vượng - Hải Dương cũng nhất trí, không thể thấy việc rõ ràng sai, thiệt hại cho công dân mà lại dừng ở đó.

“Lần này chúng ta quyết định chấp nhận quan điểm có sai thì phải sửa, cho nên dù đó là quyết định của Hội đồng thẩm phán, nhưng nếu sai thì phải sửa. Nhiều năm nghiên cứu, lần này chúng ta quyết định tìm ra cơ chế này, chúng tôi đồng tình”, đại biểu Vượng nói.

Cũng như các đại biểu khác, đại biểu Vượng đề nghị khi đề ra cơ chế này, cần quy định chặt chẽ, chỉ có trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban tư pháp giám sát thấy có vấn đề sai thì lúc đó mới tiến hành việc Tòa án nhân dân tối cao sẽ xem xét lại.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng - TP. Hồ Chí Minh thì đề nghị thêm, mặc dù có quy định về cơ chế đặc biệt xem lại quyết định tái thẩm, giám đốc thẩm nhưng cốt lõi nhất vấn là phải nâng cao chất lượng xét xử để ít sai sót.

“Việc xét xử giám đốc thẩm, phúc thẩm cũng phải hạn chế tối đa, không thể để như tình hình hiện nay... Tôi đề nghị Ban Soạn thảo phải xem xét mình đặt cơ chế là xem xét và quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nhưng riêng giám đốc thẩm và tái thẩm là phải hạn chế lại, chứ không là chúng ta vi phạm nguyên tắc 2 cấp xét xử”, đại biểu Trừng nói.

Cơ chế đặc biệt không vi phạm các quy định hiện hành

Thay mặt Ban soạn thảo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Về phát biểu của đại diện Viện kiểm sát tức là kiểm sát viên tại phiên tòa, dự luật đã thiết kế theo hướng chỉ phát biểu trong phiên tòa phúc thẩm, còn sơ thẩm thì không phát biểu, nếu có phát biểu thì chỉ phát biểu về việc thực hiện các hoạt động tố tụng có đúng pháp luật hay không. Theo Chánh án, cơ sở để quy định như vậy là vì lúc bấy giờ chưa có bản án cho nên chưa phát biểu quan điểm. Nhưng sau khi có bản án sơ thẩm, tức là đã có phán quyết của tòa án rồi thì viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét phán quyết đó có đúng theo pháp luật về nội dung hay không. Viện kiểm sát còn có nhiệm vụ, trách nhiệm nếu không đúng thì kháng nghị, do đó, phải phát biểu tại phiên tòa phúc thẩm.

Về cơ chế đặc biệt, Chánh án khẳng định, quy định như trong dự thảo luật không vi phạm nguyên tắc của luật pháp hiện hành vì không kháng nghị lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Chánh án cũng nhấn mạnh, quy định này gọi là cơ chế đặc biệt, chứ không phải là thủ tục đặc biệt. Thủ tục đặc biệt là thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm còn đây là một cơ chế đặc biệt, không phải là một cấp xét xử thứ ba mà là sửa sai. Tự hội đồng thông qua yêu cầu của các chủ thể có yêu cầu đề nghị để xem lại và nếu xem lại thì Hội đồng vẫn phải biểu quyết, nếu Hội đồng bác thì phải xin lỗi Quốc hội và nếu Quốc hội không chấp thuận, Quốc hội có thể thành lập Ủy ban lâm thời điều tra nếu thấy cần thiết.

* Một nội dung khác cũng đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận ngày hôm nay là về Dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi).

H.V