Chất chồng nỗi đau sau thảm họa

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:55, 25/11/2010

(HNM) - Ngày 24-11, Phnom Penh không còn những tiếng còi xe cứu thương hú inh ỏi. Không khí nặng nề bao trùm. Hầu hết người dân Phnom Penh vừa khắc khoải bên chiếc tivi hay các tờ báo lớn để theo dõi tình hình khắc phục hậu quả thảm họa tối 22-11, vừa cầu khấn trời phật cho nạn nhân đang được điều trị trong các bệnh viện tai qua, nạn khỏi.

Thế nhưng, số bệnh nhân chết do bị thương quá nặng, không thể cứu chữa được vẫn tiếp tục tăng. Thảm họa được coi là bi thương nhất kể từ khi chế độ Pon Pot sụp đổ - như lời của Thủ tướng Hun Sen - đang hằn lên những ám ảnh, đau xót trĩu nặng…

>>Toàn cảnh thảm họa giẫm đạp ở lễ hội nước Campuchia

Cả nước chung tay

Trên trang nhất nhật báo Koh Santepheap của Campuchia số ra ngày 24-11 in đậm những thông tin về thảm họa trong lễ hội té nước tại Thủ đô Phnom Penh với dòng chữ nổi bật 349 người chết và 700 người thương vong. Tờ nhật báo lớn nhất Campuchia cũng dành 2 trang ảnh lớn về quang cảnh kinh hoàng trên cây cầu Koh pich.

Hàng trăm người vẫn ngóng trông thông tin về người thân còn mất tích dưới dòng Tone Sap. Ảnh: Dương Hiệp

Khắp các nẻo đường Phnom Penh, người dân chăm chú theo dõi những thông tin này với một tâm trạng chưa hết bàng hoàng. Anh Pao hon, làm việc tại Metfon - mạng di động lớn nhất Campuchia - cho biết: Mỗi người dân Campuchia chúng tôi trong những ngày này đều mong muốn làm một việc gì nhỏ nhất nhằm xoa dịu nỗi đau cho những nạn nhân. Còn chị Thai Vouchly, quê ở Kong pong cham, làm việc gần nơi xảy ra sự cố, kể lại: - Tối hôm đó, tôi đang trực cơ quan, nghe tin chạy ra xem chứng kiến cảnh tượng vô cùng khủng khiếp. Người nằm đè lên nhau trên cây cầu chật cứng trông như một khối container. 

* Đã có 456 người thiệt mạng

* Ít nhất 10 người Việt Nam tử nạn, 10 người bị thương, 3 người mất tích

* Cộng đồng người Việt tại Campuchia chia sẻ với gia đình các nạn nhân

Đến hôm nay, dư chấn của thảm họa để lại vẫn thật khủng khiếp. Phnom Penh, cả nước Campuchia vắng hẳn tiếng cười dù đang trong ngày hội té nước. Trong khi Chính phủ tuyên bố hỗ trợ mỗi gia đình có người tử vong 5 triệu riel (tương đương 1.200 USD) và 200 USD cho mỗi gia đình có người bị thương… thì mỗi người dân Campuchia cũng vận động nhau quyên góp để hỗ trợ những người bị nạn. Một đồng nghiệp của chúng tôi công tác tại đài truyền hình Campuchia cho biết, ước tính người dân đã ủng hộ những người bị nạn được khoảng hơn 2 triệu USD. Anh Oc Saron, một người lái xe Tuk Tuk bày tỏ: - Đất nước chúng tôi có lẽ chẳng thể quên được sự kiện này. Khi Thủ tướng chúng tôi kêu gọi quốc tang, mỗi người dân Campuchia đều cảm thấy phải làm một việc gì đó dù là nhỏ nhất tưởng nhớ những người đã mất.

Tại khu vực xảy ra thảm họa, đến sáng nay công tác điều tra nguyên nhân vụ việc vẫn tiếp tục. Khu vực cầu vẫn được phong tỏa. Nhà chức trách tại Phnom Penh tiếp tục siết chặt an ninh. Chỉ những người có nhiệm vụ mới được vào bên trong hàng rào bảo vệ. Về việc bảo đảm trật tự an ninh cho lễ hội, Bộ trưởng Thông tin Campuchia Khieu Kanharith đã khẳng định với các phóng viên: "Chúng tôi lo ngại về khả năng lật thuyền hoặc móc túi và đã kiểm soát tốt chuyện đó. Nhưng chúng tôi không lường đến khả năng này". Ông cho biết thêm, một công ty an ninh tư nhân phụ trách an ninh tại đảo Kim Cương và cây cầu mang tên Cầu Vồng. "Đó là khu vực tư nhân, vì thế họ sử dụng lực lượng bảo vệ riêng và cảnh sát chỉ lo phía bên ngoài. Đảo Kim Cương là quần thể các cao ốc và nhà ở do tư nhân sở hữu, nằm trên sông Tonle Sap ở thủ đô Phnom Penh". Còn theo Phó Cảnh sát trưởng quốc gia Campuchia Sok Phal, điều tra ban đầu tại hiện trường và qua thông tin mà nhân chứng và người sống sót cung cấp cho thấy cây cầu lắc lư là nguyên nhân thảm họa. "Đó là cầu treo nhưng người ta không hiểu điều đó và khi nó lắc lư, khoảng 4 hoặc 5 người chóng mặt và ngất đi. Chính vì thế, những người khác nghĩ rằng cầu sắp sập và hét lên khiến đám đông xô đẩy nhau. Thực tế, cây cầu vẫn rất tốt" - ông Sok Phal khẳng định - những người thiệt mạng chủ yếu vì ngạt và bị giẫm đạp, không có bằng chứng nào cho thấy người ta chết vì điện giật hoặc khủng bố. "100% kết luận của chúng tôi là không có khủng bố ở đây", Sok Phal nói. Ông giải thích rằng các nạn nhân không thể chết vì điện giật bởi dòng điện cung cấp cho hệ thống đèn màu trên cầu chỉ 12 vol, tương đương với pin dùng cho đèn pin và không đủ sức gây chết người.

Mọi bệnh viện lớn đều quá tải

Đến 13h30 ngày 24-11, Bệnh viện Calmette, một trong những bệnh viện lớn nhất tại Phnom Penh, đã bớt quá tải nhưng bệnh nhân thảm họa cầu Koh pich vẫn nằm la liệt từ cửa khoa Cấp cứu, trải ngổn ngang các hành lang. Lý do bớt quá tải thật chua xót: Trong khi chỉ có số ít được về nhà do sức khỏe đã tương đối khả quan thì có tới hơn 50 người đã tử vong chỉ trong ngày. Nhà xác của bệnh viện trống rỗng vì thân nhân người tử vong đã đến nhận về.

Phóng viên Hànộimới thăm hỏi nạn nhân tại bệnh viên Calmette. Ảnh: Dương Hiệp

Nằm ngay cửa khoa Cấp cứu, anh Rim Sinara, 27 tuổi, cư trú tại Phnom Penh vẫn đang được hồi sức tích cực. Một bên mắt vẫn còn bầm tím, bị chấn thương ổ bụng, anh Rim than thở, dường như không phải tại công tác bảo đảm an ninh yếu kém mà chính cơn hoảng loạn bất ngờ của người dân đã dẫn tới thảm kịch. Người dân Campuchia, ngay người sống tại thủ đô, chưa bao giờ được hướng dẫn xử trí trong những tình huống như thế này.

Hoảng loạn dẫn tới hoảng loạn. Và cuối cùng, hoảng loạn dẫn tới thảm họa. Một đồng nghiệp khác làm việc tại báo Nokorwatnews cho chúng tôi biết, đến thời điểm này, cơ quan chức năng Campuchia vẫn chưa đưa ra bất kỳ cảnh báo nào, cũng như chưa hề có "lời khuyên" nào cho người dân trong trường hợp thảm họa tương tự xảy ra.

Nằm cách Rim không xa, Lee Somphors, cô gái 18 tuổi đến từ tỉnh Kondal đang trong tình trạng khá trầm trọng. May mắn thay, theo bác sĩ, cô gái không bị chấn thương đe dọa tính mạng…

Ngoài Calmette, tại các bệnh viện lớn ở Phnom Penh vẫn còn rất nhiều nạn nhân chưa có người đến nhận xác. Theo các quan chức địa phương, lý do chính bởi số nạn nhân này chủ yếu là những người ở các vùng nông thôn, người thân chưa đến kịp. Chua xót thay, số người thương vong tại Calmette chưa thấm gì so với những bệnh viện khác. Campuchia với hệ thống cơ sở y tế còn nhiều yếu kém chưa bao giờ phải đối mặt với việc tiếp nhận nhiều bệnh nhân như thế này.

Máu chảy ruột mềm!

Ngôi nhà tuềnh toàng của chị Lê Thị Thắm ở làng Khomdayconda, huyện Vem, tỉnh Conda vốn đã trống hoác những ngày này càng thêm phần tạnh tẽ, ảm đạm. Ngày 24-11, chị Thắm vẫn phải nằm điều trị trong bệnh viện trong khi đó buổi chiều chồng chị gắng gượng ở nhà để làm ma cho cậu con nhỏ mới 11 tuổi. Trong bức di ảnh, Trinh có nụ cười thật rạng rỡ. Theo bệnh án, cháu tử vong do đa chấn thương bởi bị đám đông giẫm đạp… Anh Nguyễn Văn Thành, chồng chị Thắm ngồi như người mất hồn… Lễ hội Bon Om Touk diễn ra được ba ngày, vợ anh chắt chiu chút tiền đưa con sang Phnom Penh chơi. Cả năm mới có một lần cháu được đến những nơi náo nức như thế…

Conda ngăn cách thủ đô Phnom Penh dòng Mekong. Để qua lại, người dân phải đi phà. Nếu như bên này dòng Mekong, phía bờ nam, Phnom Penh náo nhiệt, ngợp bởi ánh sáng từ những khách sạn năm sao và trung tâm thương mại lớn bao nhiêu thì phía bên kia Conda ảm đạm, buồn bã bấy nhiêu. Từ phà, chúng tôi lại mất một thôi đường đất bụi xuyên qua các cánh đồng vắng hiu hắt mới đến nhà chị Thắm. Không chỉ mỗi gia đình chị Thắm, nhiều gia đình trong xóm nghèo lao động này cũng đang sống trong những thời khắc tang tóc. Ít nhất trên con đường làng vắng vẻ ấy, chúng tôi bắt gặp ba đám ma khác. Họ đều là nạn nhân trong thảm họa mấy hôm trước. Một trong số đó là đám ma chung của hai chị em ruột người Campuchia.

Khomdayconda có chừng hơn 40 nóc nhà người Việt Nam quây quần sống. Tất cả đều nghèo. Cái nghèo đeo bám mỗi nếp nhà, cái nghèo day dứt trên khuôn mặt những người dân Việt Nam xa xứ đang sinh sống tại đây.

Cũng trong chiều ngày 24-11, trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Quách Hữu Dũng, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết, ít nhất đã có 10 người Việt Nam tử nạn, 10 người bị thương và 5 người mất tích. Trong số tử nạn, có 4 trẻ em. Ông Châu Văn Chi, Trưởng ban liên lạc người Việt Nam tại Campuchia cho biết, ngay khi thảm họa xảy ra, cộng đồng người Việt tại đất nước chùa Tháp đã tổ chức thăm hỏi thân nhân và những người bị nạn. Theo ông Dũng, bước đầu Sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã chuyển số tiền 100 USD tới thân nhân người bị tử vong và 50 USD cho những nạn nhân bị thương.

Người Việt ở đâu cũng vậy, là một phần khúc ruột đồng bào cả nước. Máu chảy ruột mềm. Ngôi làng Khomdayconda vốn đã hiu hắt, ảm đạm nay thêm phần nặng nề.

Phnom Penh trước ngày quốc tang

Ngày 24-11, Phnom Penh không còn những tiếng còi xe cứu thương hú inh ỏi. Thế nhưng không khí nặng nề vẫn bao trùm. Hầu như người dân nào cũng dán mắt vào tivi và tờ nhật báo để theo dõi tình hình. Thảm họa được coi là bi thương nhất kể từ khi chế độ PonPot sụp đổ - như lời của Thủ tướng Hun Sen - đã để lại những ám ảnh, đau xót… Ủy ban đặc biệt về vụ thảm họa tại Campuchia đã công bố số người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp kinh hoàng đêm 22-11 là 456 người.

Nỗi bàng hoàng chưa qua với người dân Phnom Penh. Ảnh: Dương Hiệp

Đầu giờ chiều 24-11, hàng rào bảo vệ tại khu vực xảy ra thảm họa đã được lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Campuchia nới rộng ngăn cho người dân "nội bất xuất ngoại bất nhập" tới sát khu vực khách sạn 5 sao Naga. Chỉ người và phương tiện vào dọn dẹp vệ sinh mới được tiếp cận hiện trường. Trên cây cầu định mệnh được ngăn cách bởi hàng rào hoa tưởng nhớ những nạn nhân xấu số đã thấy nhiều người không mặc sắc phục cảnh sát đi lại dọn dẹp rất nhiều áo, khăn, giày, dép… của các nạn nhân còn vương lại. Bên bờ sông, vòi rồng cũng được đưa đến dọn dẹp sạch sẽ chuẩn bị cho ngày quốc tang quan trọng. Trên đường phố Phnom Penh, những lá cờ mang biểu tượng Angko (quốc kỳ của đất nước Campuchia) được cắm thấp xuống một chút. Những lá quốc kỳ nhỏ hơn cắm trên xe Tuk Tuk cũng được hạ thấp để biểu tượng cho sự sẻ chia với mất mát đau thương của đất nước.

Cũng từ lúc này, dòng người từ các ngả đường Phnom Penh vẫn không ngừng đổ về khu vực trên. Các nhà sư cũng có mặt từ lúc này âm thầm đọc kinh cầu nguyện cho các vong linh sớm siêu thoát. Như nhiều người dân thuộc khu vực châu Á, người dân Campuchia cũng có tập tục cúng 3 ngày cho người chết. Trên những đường phố Phnom Penh đâu đâu cũng thấy người dân mang hoa quả và phẩm oản bày biện trước cửa nhà. Nến cùng hương thơm ngát tỏa lan làm bầu không khí thêm phần trầm mặc.

Những ám ảnh này, những nỗi đau này chắc chắn phải rất lâu nữa mới có thể lắng dịu…

Dương Hiệp - Nguyên An