Thẳng thắn nhận trách nhiệm
Chính trị - Ngày đăng : 06:27, 25/11/2010
Quyết không để vụ việc như Vinashin tái diễn
Cũng như nội dung hai ngày diễn ra phần chất vấn trước QH vừa qua, "tiêu điểm" được các ĐB quan tâm là vấn đề Tập đoàn Vinashin. ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về khả năng trả nợ của tập đoàn này trong vài năm tiếp theo và cho rằng gánh nặng có thể đè lên vai các ngân hàng thương mại - chủ nợ. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) nêu yêu cầu phải kiểm điểm rõ trách nhiệm của Chính phủ, bao gồm người đứng đầu và các thành viên trong việc để Vinashin gặp cảnh lao đao. ĐB Phạm Thị Loan còn liên hệ đến tình hình của một số tập đoàn, chẳng hạn như Tập đoàn Dầu khí quốc gia, đang có nhiều hoạt động đầu tư vượt ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, vượt ra ngoài biên giới quốc gia, với số vốn từ ngân sách lớn...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: Viết Thành |
Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải trình, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành gồm nhiều cơ quan để cùng Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinashin xây dựng đề án tái cơ cấu. Qua nhiều lần thảo luận, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đó. Thủ tướng cũng khẳng định rằng đề án tái cơ cấu trên là khả thi, song từ đề án để trở thành hiện thực còn một quá trình, đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể. Trong quá trình thực hiện đề án này, một nguyên tắc đặt ra là phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ sẽ kiên trì thực hiện theo quy trình đó, đồng thời mong các ĐBQH và nhân dân chia sẻ, ủng hộ, giám sát... Về trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố Vinashin, Thủ tướng khẳng định nghiêm túc trước QH rằng, việc cố ý làm trái của những lãnh đạo tại tập đoàn đang được cơ quan chức năng xử lý theo đúng pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm trong quản lý. Là người đứng đầu, Thủ tướng nhận trách nhiệm và khẳng định Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có liên quan đến việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với vấn đề này đang tiếp tục kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm và sẽ công khai.
Trả lời băn khoăn của ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội), ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) về hoạt động của Tập đoàn Dầu khí cũng như việc rà soát, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước khác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, quyết tâm của Chính phủ là thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, đồng thời không để xảy ra tình trạng tương tự như Vinashin đối với các doanh nghiệp nhà nước khác. Đối với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Tài chính và các bộ chức năng là đang hoạt động có hiệu quả, hoạt động tốt. Đương nhiên Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, hội đồng quản trị rà soát lại, điều chỉnh lại sau khi có sự việc của Vinashin, có đánh giá chung về những mặt được, chưa được của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước và có kết luận chỉ đạo chung của Bộ Chính trị. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng đang rà soát để chấn chỉnh, làm sao tiếp tục phát huy tốt hiệu quả, ngăn ngừa những yếu kém có thể xảy ra.
Tiếp tục rà soát công tác quy hoạch
Về chiến lược phát triển trên nhiều lĩnh vực, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu thực trạng là công tác quy hoạch còn quá nhiều yếu kém, được chính các thành viên Chính phủ thừa nhận, trong đó công tác quy hoạch nguồn nhân lực rất quan trọng nhưng cũng chưa có chiến lược cụ thể, rõ ràng. Liên quan đến vấn đề này, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị Thủ tướng cho biết, kế hoạch để xây dựng và phê chuẩn quy hoạch chung của các địa phương, của các ngành đến đâu và lộ trình thực hiện như thế nào. Riêng đối với Hà Nội, quy hoạch chung của Hà Nội đã được lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến của QH tại Kỳ họp thứ bảy, ĐB đề nghị Thủ tướng, là người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, cho biết quy hoạch chung của Hà Nội đến bao giờ được công bố và phê duyệt để Hà Nội thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, một trong những chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ là xây dựng quy hoạch, thẩm định quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch... Việc này được Chính phủ hết sức quan tâm, đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo để làm sao có một quy hoạch tổng thể, quy hoạch chuyên ngành một cách đầy đủ hơn, chất lượng tốt hơn, sát với yêu cầu cuộc sống, sát với sự phát triển.
Về quy hoạch Hà Nội, Thủ tướng cho biết, Chính phủ cũng đã lập Ban chỉ đạo để cùng với Hà Nội xây dựng quy hoạch này. Chính phủ đã cố gắng làm theo đúng trình tự quy định của pháp luật, tạo mọi điều kiện để lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, cơ quan chức năng để có một quy hoạch Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị thế Thủ đô của một nước Việt Nam đi lên CNH, HĐH, một nước Việt Nam 120 triệu dân trong tương lai không xa, một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học, công nghệ tương xứng với đất nước, tương xứng với mục tiêu phát triển, tương xứng với yêu cầu, mong muốn của chúng ta. Hiện nay, Bộ Xây dựng, Hà Nội... đã tiếp thu ý kiến hoàn thiện và đã trình Chính phủ, Chính phủ sẽ thảo luận, sau đó báo cáo với Bộ Chính trị.
Thủ đô Hà Nội cần được quy hoạch một cách tổng thể và toàn diện. Ảnh: Đàm Duy |
Còn về quy hoạch nguồn nhân lực, Thủ tướng Chính phủ khẳng định đã chỉ đạo triển khai việc này. Song, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, để quy hoạch nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì chưa làm được quy hoạch chung. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đề xuất chỉ đạo xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực cho từng ngành, từng lĩnh vực và từ đó sẽ tổng hợp lại. Hiện nay, Chính phủ đang làm theo hướng đó và đã triển khai được trên một số lĩnh vực, một số ngành. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận, công tác quy hoạch nói chung còn yếu kém và trách nhiệm để công tác này yếu kém, ngoài trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ của các ngành liên quan thì có trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ.
Cũng trong sáng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời chất vấn, làm rõ những thắc mắc của các ĐBQH về đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, nông nghiệp nông thôn; tình trạng thiếu điện và giải pháp tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Thông qua nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp
Sáng 24-11, báo cáo trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ một số nội dung liên quan đến kết quả, tồn tại, giải pháp trong lĩnh vực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và triển khai nghị quyết của TƯ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Vấn đề này cũng được các ĐB bày tỏ sự quan tâm, nêu nhiều ý kiến băn khoăn và đòi hỏi phải có giải pháp để thúc đẩy công tác này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Liên quan đến lĩnh vực này, chiều 24-11, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Theo tinh thần nghị quyết, đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hằng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối; đất nông nghiệp của hộ nghèo; diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp do Nhà nước công bố cho các đối tượng sau đây là hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp (kể cả đất được thừa kế, cho, tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất), hộ gia đình, cá nhân là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định theo quy định của pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất nông nghiệp...
Nội dung nghị quyết cũng quy định giảm 50% thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hằng năm đối với diện tích đất nông nghiệp của các đối tượng: diện tích đất nông nghiệp vượt trên hạn mức giao đất nông nghiệp nhưng không quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân; các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp (kể cả diện tích đất nông nghiệp của các tổ chức đang quản lý nhưng giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp)... Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp quy định tại nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1-1-2011 đến hết năm 2020.
Chiều cùng ngày, với đa số ý kiến nhất trí, QH cũng đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử ĐB HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Chưa cần thiết phải lập Ủy ban lâm thời điều tra các vấn đề của Vinashin Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội (ngày 1-11-2010), ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết có gửi cho UB TVQH văn bản đề nghị QH ngay tại kỳ họp này thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc Vinashin. Đó là buổi thảo luận về kinh tế - xã hội, chưa phải là phiên chất vấn, nên sau khi nhận được văn bản kiến nghị của ĐB Nguyễn Minh Thuyết, UB TVQH đã giao cho các cơ quan chức năng xem xét lại tất cả các văn bản pháp luật, hội ý trao đổi và thống nhất, đã trả lời bằng văn bản đến ĐB Nguyễn Minh Thuyết theo đúng quy định của pháp luật. UB TVQH phân tích thấy rằng, hiện nay vụ việc đang được xem xét, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm đang hết sức khẩn trương triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, để làm sao cứu được Vinashin, cơ cấu lại, vực doanh nghiệp lên để không bị phá sản. Các cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của Đảng đang làm việc. UB TVQH thấy về bản chất của vấn đề có thể còn có nhiều ý kiến chi tiết, nhưng rõ ràng thực trạng là kết quả không thành công của Vinashin và đây là bài học đau xót, là bài học rất quý báu để chúng ta củng cố các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, cũng như các doanh nghiệp nói chung. Vấn đề bây giờ là trách nhiệm đến đâu và xử lý như thế nào? Vậy muốn xác định được trách nhiệm xử lý thì phải có thanh tra, kiểm toán, điều tra những người vi phạm pháp luật để truy tố thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và Ủy ban kiểm tra của Đảng đang được Bộ Chính trị giao chủ trì để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Vậy, QH có nên có một ủy ban nữa không, trong điều kiện thực tế vô cùng bận rộn!?... Chính vì thế và do phù hợp với quy định của pháp luật, chúng tôi trả lời là chưa cần thiết phải lập Ủy ban lâm thời. |
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Trả lời của Thủ tướng là thỏa đáng Thủ tướng trả lời chất vấn rất thẳng thắn, phân tích sâu sắc những vấn đề ĐBQH quan tâm. Cụ thể là những vấn đề về điện, giá cả tiêu dùng và vấn đề liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin. Thủ tướng đã chỉ rõ những điểm yếu thuộc về doanh nghiệp, hay thuộc về sự điều hành của Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan. Theo tôi, Thủ tướng trả lời chất vấn như vậy là thỏa đáng. ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội): Giám sát sau chất vấn rất quan trọng Gần đây, QH đã có nghị quyết về chất vấn, để giám sát xem, qua chất vấn thì việc thực hiện của Chính phủ như thế nào (hậu chất vấn). Tuy nhiên, kết quả cũng như những trả lời bằng báo cáo sau chất vấn có nhiều việc chưa cụ thể, chưa đi vào thực chất và cũng có những trả lời để mà trả lời, chứ chưa thực sự giải quyết thấu đáo ngọn ngành những vấn đề ĐBQH đưa ra. Hay nói cách khác, chưa giải quyết được hết cội rễ của vấn đề. Giám sát hậu chất vấn để kiểm soát những vấn đề thành viên Chính phủ hứa sẽ thực hiện, theo tôi, chưa thực hiện được triệt để. Do vậy, có nhiều lời hứa rồi để đấy mà vẫn chưa thực hiện được. Cho nên, giám sát sau chất vấn là một vấn đề rất quan trọng. Theo tôi, QH và nhân dân cũng như Chính phủ phải tự thấy được và qua chất vấn phải soi xét lại các nguyên nhân, để đưa ra phương pháp, biện pháp giải quyết các vấn đề, đồng thời chỉ rõ và đưa ra cho nhân dân thấy được sự cầu thị và tự sửa chữa, khắc phục những điểm yếu. Vân An - Tư Đô |