Nghịch lý nguyên liệu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:44, 24/11/2010
Nguyên liệu thiếu trầm trọng
Lao động trẻ huyện Chương Mỹ với nghề mây, tre đan truyền thống. Ảnh: Bá Hoạt
Theo Cục Chế biến Thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), trong số hơn 2.000 làng nghề của Việt Nam thì nhóm làng nghề mây, tre đan có 723, chiếm tới 24%. Nghề mây, tre đan thu hút 342 nghìn lao động trong tổng số 5 triệu lao động làng nghề. Tổng kim ngạch xuất khẩu mây, tre đan cũng tăng nhanh, năm 1999 là 48 triệu USD, năm 2010 dự kiến tăng lên 300 triệu USD; sản phẩm xuất khẩu đến gần 120 thị trường trên thế giới. Đặc biệt, ở Việt Nam mây, tre gắn liền với cuộc sống của gần 24 triệu đồng bào sinh sống ở khu vực miền núi, gần rừng. Trong đó, hơn 1 triệu người có thu nhập trực tiếp từ mây, tre. Tuy nhiên qua khảo sát, với lượng tiêu thụ khoảng 60 nghìn đến 80 nghìn tấn/năm mây nguyên liệu nhưng nước ta phải nhập khẩu đến 33 nghìn tấn. Cây tre, nứa cũng trong tình trạng tương tự khi gần 1,4 triệu hécta rừng tre, nứa với tổng trữ lượng 7 tỷ cây nhưng chỉ một nửa là rừng thuần, còn lại là rừng hỗn giao với các loài cây gỗ khác. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp chuyên chế biến mây, tre thì việc nhập khẩu sẽ ngày càng khó khăn do chính sách thắt chặt xuất khẩu của các nước.
Ngoài ra, nghề mây, tre đan ở nước ta phát triển với quy mô nhỏ, trên 80% cơ sở sản xuất không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất. Do vậy, hầu hết đều sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp… nên kém tính cạnh tranh. Ở Hà Nội hiện có khoảng 100 làng nghề mây, tre đan, nhu cầu nguyên liệu cần tới hàng nghìn tấn/năm, song chủ yếu phải mua từ các tỉnh vùng Tây Bắc, miền Trung và nhập từ Lào, Campuchia, Indonesia... Các chuyên gia nhận định, thực trạng này là nguyên nhân đẩy giá thành sản phẩm mây, tre đan lên cao và người sản xuất cũng không dám ký các hợp đồng lớn vì không chủ động được nguồn nguyên liệu.
Hướng tới phát triển bền vững
Thứ trưởng Bộ NN& PTNT, Hồ Xuân Hùng cho rằng, tre, nứa, song, mây là một trong những sản phẩm lâm sản ngoài gỗ có giá trị thương mại cao. Dự kiến mây, tre là loài cây chủ lực trong xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế nông thôn. Mây, tre còn có tốc độ phát triển và tái sinh cao, góp phần nâng độ che phủ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu. Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020, phát triển vùng nguyên liệu mây, tre sẽ bảo đảm mức thu nhập chiếm 20 đến 30% trong kinh tế hộ gia đình miền núi. Cụ thể hóa mục tiêu này, tại hội thảo phát triển ngành mây, tre đan tổ chức ngày 22-11, Bộ NN&PTNT đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách phát triển nguồn nguyên liệu như hỗ trợ tổ chức, gia đình, cá nhân và cộng đồng ở các xã đặc biệt khó khăn trồng tre, song, mây với mức 2 đến 5 triệu đồng/ha; 100% số tiền mua cây giống lần đầu và người chủ rừng được hưởng 100% sản phẩm khai thác sau khi trừ các khoản nộp theo quy định của Nhà nước. Hỗ trợ các hiệp hội chuyên ngành, mạng lưới mây, tre đan nhằm tăng cường khả năng cung cấp thông tin thị trường, tăng tính liên kết để giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động, thị trường...
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, Hà Nội đã cho trồng thí điểm khoảng 100ha mây nếp tại các vùng đồi gò huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ba Vì. Diện tích cây mây thí điểm đang phát triển rất tốt và người trồng được hỗ trợ 50% tiền mua giống. "Khi được thu hoạch, số diện tích cây mây này sẽ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngay tại địa phương. Nếu phát triển ổn định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích" - ông Nguyễn Văn Chí nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Phú, Vụ trưởng Vụ kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ), ngành lâm nghiệp cần xây dựng chiến lược quy hoạch để bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu mây, tre; cần tuyển chọn, lai tạo phát triển các loài mây, tre có giá trị kinh tế cao, quy hoạch phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn. "Chính phủ xác định cây tre là cây công nghiệp đặc biệt và định hướng chính sách phát triển ngành mây, tre nhằm khai thác mạnh mẽ những thuộc tính giá trị của loại cây này để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế" - ông Nguyễn Tuấn Phú nhấn mạnh. Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, phải khẩn trương hoàn thành giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, hộ gia đình để bảo đảm quyền sở hữu thực sự nhằm bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu…
Bộ NN&PTNT cho biết, ngoài việc bảo tồn diện tích mây, tre tự nhiên hiện có, đến năm 2020, sẽ trồng mới khoảng 165.000ha. Với diện tích này mới đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu khoảng 100 nghìn tấn song, mây trở lên và ít nhất 1 tỷ cây tre mỗi năm, bảo đảm mức tăng trưởng ngành từ 10-15%/năm.