Điều chỉnh “đầu tàu”

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:32, 24/11/2010

(HNM) - Một lần nữa các vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế lại được làm


Nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế thua kém từ 2 đến 3 lần so với các doanh nghiệp sử dụng vốn FDI. Rồi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hút quá nhiều nguồn lực xã hội nhưng sử dụng không hiệu quả, tạo môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, minh bạch, ảnh hưởng không tốt tới phát triển kinh tế đất nước… Thậm chí không ít người nghi ngại về hiệu quả của mô hình kinh tế này.

Hoạt động thiếu hiệu quả của các ngành đóng tàu, than - khoáng sản, điện lực… và hệ lụy mà nó mang lại cho nền kinh tế thật sự là vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng với xu thế kinh tế thế giới hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn giữ vai trò không thể thiếu. Bởi lẽ phát triển loại hình này cho phép khai thác những lợi thế so sánh của quốc gia và đây là hệ quả tất yếu của tăng trưởng. Chưa kể các tập đoàn đang phải chống lại sự thâm nhập ồ ạt của các tập đoàn nước ngoài và phải bảo vệ sản xuất trong nước trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Thành công của ngành điện tử - viễn thông là ví dụ cho thấy vấn đề ở đây không phải là mô hình.

Việc quan trọng lúc này là "bắt đúng bệnh", "bốc đúng thuốc", hay nói cách khác, nhận thức đúng về sức mạnh và vai trò của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, từ đó đưa ra những quyết sách, điều chỉnh phù hợp để các đầu tàu kinh tế khỏe mạnh hơn, hoạt động linh hoạt và hiệu quả hơn.

Cốt lõi chính là việc phân biệt vai trò của Nhà nước với vai trò và vị trí của các tập đoàn, tổng công ty trong nền kinh tế. Bởi lẽ trên thực tế, chưa có sự tách biệt rõ ràng về quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh nên các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa phải lo đạt chỉ tiêu kinh doanh, vừa phải lo thực hiện các nhiệm vụ… quản lý nhà nước về lĩnh vực, ngành. Trong khi đó hoạt động quản lý nhà nước và kinh doanh là hai vấn đề không thể trùng lặp.

Một vấn đề nữa là cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng quản trị và tổng giám đốc trong các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đối với vốn và tài sản tại doanh nghiệp, để vừa bảo đảm quyền chủ động sản xuất kinh doanh, vừa bảo toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng vốn và tài sản của doanh nghiệp có nguồn gốc từ đâu không quyết định được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cơ chế quản trị doanh nghiệp và điều hành sản xuất kinh doanh mới thật sự quyết định hiệu quả sản xuất kinh doanh. Và đây lại chính là khâu yếu nhất của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hiện nay.

Do vậy, nếu không giải quyết vấn đề từ gốc, nghĩa là nếu không có một khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cơ chế điều hành của các tập đoàn, tổng công ty; đồng thời cho cả hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp nhà nước, chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh với những hệ lụy khó lường.

Không có sự điều chỉnh căn bản, hợp lý, các đầu tàu kinh tế không thể hoạt động linh hoạt trước những cơn sóng dữ dằn trên đường "ra biển lớn".

Thế Phương