Khát vọng sống

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:18, 23/11/2010

(HNM) - Gượng gạo khi mang giày cao gót trên sàn diễn, e lệ trong màn trình diễn áo dạ hội... nhưng họ đã khiến nhiều người rơi lệ. Người ta đã nhìn thấy nghị lực vượt khó, tự tin với niềm mong mỏi tìm được hạnh phúc dẫu là nhỏ nhoi của những người phụ nữ đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Phía sau những hoàn cảnh éo le, số phận nghiệt ngã, họ đang sống cùng những ước mơ giản dị như bao người phụ nữ khác.

Các thí sinh đoạt giải.

Xin được yêu thương để vươn lên
Khán phòng Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội chật kín người dự đêm chung kết Liên hoan "Dấu cộng duyên dáng" lần đầu tiên được tổ chức (tối 14-11). Mọi người tham dự không chỉ xem ai sẽ đoạt giải, mà còn để hiểu, chia sẻ với hoàn cảnh, cuộc sống của người có HIV.

Trần Thị Huệ (sinh năm 1983 ở xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) là người đoạt ngôi vị cao nhất cuộc thi với sự duyên dáng, thông minh. "Không biết rồi sau cuộc thi này, con em có được gửi ở trường nữa không, em có bị mất việc làm hay không? Biết em có HIV, mọi người nhìn em như thế nào? Nhưng em chỉ muốn nói rằng, có thể em giấu được mọi người nhưng không thể giấu mãi bản thân mình. Qua cuộc thi, em muốn gửi đi bức thông điệp: Người có HIV vẫn sống khỏe mạnh và những người gặp em hằng ngày không hề bị lây nhiễm". Huệ bộc bạch rất chân thành. Sự băn khoăn, lo lắng của Huệ không lúc nào nguôi, ngay cả lúc tập luyện để dự cuộc thi "Dấu cộng duyên dáng". Huệ tự an ủi số phận, nỗ lực tập luyện để giành chiến thắng ở cuộc thi. Biết rằng cuộc sống có thể gặp khó khăn hơn khi xuất hiện ở cuộc thi được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6, nhưng Huệ đã can đảm đối diện với sự thật và mong muốn cộng đồng đón nhận, tạo việc làm để những người phụ nữ như cô có thu nhập ổn định và được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt để tiếp tục chữa bệnh.

Gia đình khó khăn, Huệ phải bỏ lớp bảy, lên Hà Nội bán hàng rong. Năm 2002, cô gặp rồi yêu, rồi thành vợ của người thanh niên cùng quê cũng đi làm ăn ở thành phố mà không hề biết rằng anh ta mắc bệnh. Huệ về quê làm ruộng nuôi con. Đứa con đầu lòng sinh ra bị câm điếc bẩm sinh; đứa thứ hai được 13 tháng tuổi thì chồng đổ bệnh và khi đó mới phát hiện bị nhiễm HIV/AIDS. Lúc này cả nhà mới tá hỏa đưa nhau đi xét nghiệm. Huệ suy sụp tinh thần khi biết mình cũng bị lây nhiễm từ chồng; đứa con trai thứ hai cũng bị nhiễm HIV từ mẹ. Trấn tĩnh lại, tìm manh mối chữa trị, vợ chồng Huệ cùng con trai út vào miền Nam nhờ người mua thuốc điều trị. Thuê nhà trọ, đời sống khó khăn, Huệ xoay xỏa đủ việc kiếm tiền mua thuốc cho chồng. Chồng mất (2008), một mình cô phải nuôi hai con, đứa bị câm điếc, đứa bị nhiễm HIV trong hoàn cảnh vô cùng khổ cực.

Chấp nhận số phận, để có tiền nuôi con, chăm sóc sức khỏe cho bản thân, Huệ lên Hà Nội làm đủ nghề, bán hàng rong, rửa bát… Và giờ đây, Huệ trở thành một tuyên truyền viên tích cực của Trung tâm Sức khỏe phụ nữ Hà Nội. Lương 1,2 triệu/tháng chẳng thấm tháp gì với cuộc sống đô thị, hằng ngày Huệ vẫn bán hàng thuê lấy tiền nuôi con (con trai lớn mới 8 tuổi). "Người mẹ như em chẳng còn gì, chỉ mong sao con nhận biết được mặt chữ dù bị câm điếc. Đấy cũng là điều ước lớn nhất của em lúc này" - Huệ nói giọng rưng rưng.

Ở phần thi ứng xử "Dấu cộng duyên dáng", trả lời câu hỏi: Bản thân sẽ làm gì cho gia đình, cộng đồng và xã hội? Huệ bày tỏ những suy nghĩ đồng thời là khát khao của chính cô: "Người đang sống chung với HIV mong muốn được sống và làm việc như những người bình thường khác. Em được biết là những người có HIV họ có thể là thầy giáo, cô giáo, bộ đội, công an, nhưng họ vẫn sống, làm việc, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Họ chỉ khác với người bình thường là đang sống chung với HIV/AIDS. Họ biết về HIV, chia sẻ với những người đang sống chung với nó, họ yêu thương, giúp đỡ những người có HIV có thêm nghị lực vươn lên. Bản thân em đang và sẽ tiếp tục làm điều đó".

Đoạt vương miện Hoa hậu HIV, nhưng Huệ vẫn không khỏi lo lắng: "Với các chị em khác ở tỉnh lẻ, cuộc thi này ít người quan tâm đến hơn, nếu có biết thì cũng quen với xóm làng; còn em, thuê nhà sống ở Hà Nội, lo lắng rằng con sẽ không được nhận đến trường, bản thân mất việc làm thêm". Điều Huệ băn khoăn, lo lắng cũng phải, vì vẫn còn rất nhiều người kỳ thị với HIV, vì họ nghĩ về HIV đáng sợ như một bóng ma. Trong khi đó thì người có HIV vẫn hoạt động, nỗ lực sống khỏe mạnh, tích cực hoạt động xã hội, góp phần đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS như các chị ở cuộc thi duyên dáng này.

HIV không phải là... dấu chấm hết
…Trong một lần bị ốm nặng, đi viện và được bác sĩ cho biết chị bị nhiễm HIV, đau đớn hơn là cả đứa con trai cũng cùng số phận như mẹ. Đã có lúc chị nghĩ đến cái chết, nhưng chị đã kìm lại vì nghĩ đến đứa con thơ dại. Chị lao vào tìm kiếm tài liệu về HIV/AIDS rồi trở thành thành viên của Câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng" của tỉnh Thái Bình.

Thí sinh trình diễn trong phần thi áo dài.


Đó là chuyện của Nghiêm Thị Lan (xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) - người đoạt giải nhì và đoạt giải phần thi ứng xử. Nhờ vóc dáng đẹp, ăn nói có duyên, chị được cử tham gia các nhóm tuyên truyền về HIV ở các làng, xã của tỉnh. Bằng sự nỗ lực của mình cho công tác xã hội, chị đã từng giành giải nhất cuộc thi tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS tỉnh Thái Bình năm 2009; giải "Vượt lên chính mình" các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2009; giải Hoa hậu biển năm 2010 do Tổ chức Quan tâm thế giới tổ chức tại Việt Nam. Chị nói rằng 10 năm sống chung với HIV là 10 năm chị luôn nhao mình về phía trước, bỏ lại sau lưng tất cả nỗi cực nhục để mưu sinh…

Giờ thì ngoài tham gia sinh hoạt các nhóm, tuyên truyền viên tích cực công tác phòng chống HIV của tỉnh, chị Lan còn là phát thanh viên Đài Truyền thanh xã Quang Bình, huyện Kiến Xương.

Khi hỏi chị nói gì khi có người cho rằng nhiễm HIV là chấm hết? Không chút đắn đo, Lan trả lời: Bản thân tôi đã là người sống chung với HIV được 10 năm, con trai tôi cũng vậy. Với tôi, những người có HIV không phải là đã chấm hết, tôi chứng minh được rằng nhiễm HIV được 10 năm mà vẫn sống khỏe mạnh, xinh đẹp, duyên dáng và tự tin hiện diện ở đây, gặp gỡ tất cả mọi người. Tôi cho rằng, hiện nay có nhiều dịch vụ y tế chăm sóc người có HIV để họ cải thiện thêm sức khỏe, có thể sống 10 năm, 20 năm và hơn thế nữa. Người có HIV sống lành mạnh, biết chăm sóc sức khỏe tốt, thì mới có thể chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái, tham gia hoạt động xã hội, tuyên truyền cho mọi người hiểu HIV là gì, lây nhiễm như thế nào. Tôi và mọi người có HIV đều mong muốn cộng đồng bớt phân biệt, kỳ thị đối với những người có HIV, để chúng tôi có thêm nghị lực, dũng cảm, sống tốt hơn cho gia đình, bản thân, xã hội.

Tô Thị Tuyết (Bắc Giang) - người đạt giải ba cuộc thi "Dấu cộng duyên dáng" bày tỏ, mối quan tâm lớn nhất của người có HIV chính là việc làm. Khi có việc làm thì mới có thu nhập, hỗ trợ chăm sóc con cái, bớt gánh nặng cho gia đình, người thân. Nếu không có việc làm thì rất khó khăn duy trì cuộc sống. Chị Tuyết kể: "Bản thân tôi đã từng có một việc làm, nhưng vì sự kỳ thị của mọi người nên tôi bị mất việc. Không chỉ có tôi, mà rất nhiều người có HIV, khi cộng đồng phát hiện đã tìm cách cho nghỉ việc. Cũng do sự kỳ thị, phân biệt đối xử của nhiều người, nên những người có HIV phải đi xa nhà để tìm việc. Chính sự xa nhà nên điều kiện chăm sóc y tế rất tồi tệ, không bảo đảm. Vì thế, tôi và nhiều người có HIV mong muốn rằng xã hội giảm sự kỳ thị với người có HIV, chúng tôi có quyền có việc làm, quyền sống, chăm sóc gia đình, mưu cầu hạnh phúc, tiếp thêm nghị lực để sống, hoạt động xã hội, tuyên truyền viên tích cực về phòng chống HIV/AIDS.

Đồng cảm từ cộng đồng
Lần đầu tiên tại Việt Nam có một cuộc thi vẻ đẹp của phụ nữ có HIV. Đây là hoạt động tìm kiếm, công nhận và tuyên dương vẻ đẹp, tài năng và nghị lực của những phụ nữ sống chung với HIV. Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi "Dấu cộng duyên dáng" - ông Ông Văn Tùng, thành viên điều hành của Nhóm "Vì ngày mai tươi sáng" chia sẻ: Sự có mặt của các thí sinh tại cuộc thi đặc biệt này chính là bằng chứng chân thật và sự sẵn sàng hòa nhập cộng đồng của những người đang phải sống chung với HIV/AIDS. Những mất mát trải qua của họ cho thấy được nguy hiểm của HIV và nhắc nhở mọi người tiếp tục nỗ lực đẩy lùi, ngăn chặn HIV. Sự xuất hiện rạng rỡ của các chị trong "Dấu cộng duyên dáng" đã nói lên rằng, nhiễm HIV không có nghĩa là sự chấm hết cuộc đời nếu có sự tư vấn, chăm sóc tốt.

Ngay trong khán phòng của Nhà hát Tuổi trẻ có rất nhiều khán giả đến cổ vũ, động viên. Sự có mặt của họ là sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng với người có HIV, hy vọng rằng điều này sẽ được lan tỏa. Chị Mai Anh (Hà Nội) cho biết: Tôi biết chương trình này qua một người bạn và háo hức đến xem vì chưa thấy có chương trình tương tự diễn ra ở Việt Nam. Và tôi thật sự khâm phục khi được biết các chị có HIV đã tự tin, tràn đầy nghị lực vươn lên, không chỉ cố gắng làm việc để ổn định cuộc sống mà còn đóng góp nhiều cho xã hội trong tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Có HIV nhưng họ vẫn mưu cầu hạnh phúc, vươn lên trong cuộc sống như những người không có HIV. Tôi khâm phục hơn vì họ tự tin nói ra điều đó.

Không chỉ có Mai Anh, rất nhiều người khác đều mong muốn những phụ nữ có HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, tươi vui, truyền thêm sức mạnh cho người có HIV mà chưa tự tin nói với mọi người. Mong rằng, qua các chương trình "Dấu cộng duyên dáng", xã hội có cái nhìn tích cực hơn, hỗ trợ cho họ sống chung với HIV được thoải mái, không phải bắt gặp những ánh mắt xa lánh, kỳ thị…

15 thí sinh tham gia vòng thi chung kết "Dấu cộng duyên dáng" là những tấm gương điển hình, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, cố gắng sống khỏe mạnh, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Mỗi người có một hoàn cảnh, cuộc sống, công việc riêng, nhưng điểm chung giữa họ chính là sự lạc quan, nỗ lực vượt lên chính mình, hòa nhập với cộng đồng. Với họ, bị nhiễm HIV không phải là dấu chấm hết, tất cả đều không bi quan, đều khát khao sống và điều quan trọng là bản thân sẽ sống như thế nào để có ích cho gia đình, xã hội.

Tuấn Việt