Còn 6.000 bệnh nhân phải nằm ghép mỗi ngày
Đời sống - Ngày đăng : 17:57, 22/11/2010
Khoảng 6.000 bệnh nhân phải nằm ghép mỗi ngày
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, năm 2008, thường xuyên hàng ngày có 15.000 người bệnh phải nằm ghép điều trị ở các bệnh viện.
Nguyên nhân chính là do dân số tăng nhanh, số lượng bệnh viện không đáp ứng đủ nhu cầu; Việc đưa vào cộng đồng 30 triệu thẻ khám chữa bệnh miễn phí cũng khiến việc sử dụng dịch vụ của nhóm này tăng 1,5-2 lần so với các nhóm khác; Giao thông phát triển, kinh tế phát triển nên người dân cũng quan tâm hơn tới sức khỏe, nhu cầu khám chữa bệnh tăng.
Thêm vào đó, sau 20 năm vận hành theo cơ chế thị trường, những cán bộ y tế tay nghề cao sau thời gian làm việc ở nông thôn, miền núi được cử đi học thì đã chuyển về các tỉnh, thành lớn làm việc, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của tuyến dưới, khiến người dân không tin tưởng, thường xuyên khám chữa bệnh vượt tuyến.
Một nguyên nhân nữa cũng được Bộ trưởng đề cập là mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam thay đổi, chuyển từ các bệnh nhiễm trùng là chủ yếu sang những bệnh không nhiễm trùng, mà những bệnh này chi phí điều trị cao, thời gian điều trị kéo dài.
Để giảm tải cho các bệnh viện, Bộ đã tiến hành nhiều giải pháp, trong đó có nâng cao chất lượng điều trị, giảm ngày điều trị trung bình (nhiều bệnh viện đã đạt được, như BV K từ 30 xuống 24 ngày); giảm diện tích các khu hành chính trong bệnh viện để tăng cường khu giường bệnh; chống quá tải từ xa bằng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới, cải tạo nâng cấp bệnh viện tuyến huyện bằng nguồn trái phiếu; tăng cường đào tạo cử tuyển và theo yêu cầu…
Với những nỗ lực đó, Bộ trưởng cho biết, hiện chỉ còn 6.000 bệnh nhân thường xuyên phải nằm ghép hàng ngày. Có những bệnh viện cơ bản 2 năm không còn bệnh nhân phải nằm ghép như Việt Đức, TƯ Huế, Thanh Nhàn, Khoa sơ sinh BV Nhi…
Vẫn còn 6000 bệnh nhân phải nằm ghép mỗi ngày
Tuy nhiên, trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết – Yên Bái, Nguyễn Văn Bình – Hải Phòng, Bộ trưởng cũng thừa nhận, nhiều giải pháp trong số trên chỉ là những giải pháp có tính chất tình thế, nhưng cũng sẽ phải thực hiện kéo dài. Cơ bản lâu dài là phải xây thêm bệnh viện, đồng thời tăng cường đào tạo nhân lực.
Về xây dựng thêm bệnh viện, Quốc hội đã phê chuẩn dùng trái phiếu Chính phủ để cải tạo, nâng cấp 645 bệnh viện huyện, đến nay đã phân bổ được 65% số kinh phí, tuyến tỉnh đã phân bổ được 15% vốn trái phiếu, so với tiến độ thì chậm.
Về đào tạo nhân lực, từ năm 2007 đến nay đào tạo đại học đã tăng gấp 1,7 lần, từ 10.000 người lên 15.000 - 17.000 người mỗi năm; đào tạo sau đại học tăng 1,6 lần, đào tạo cử tuyển cho con em đồng bào dân tộc miền núi tăng 8 lần và đào tạo theo yêu cầu tăng 1,6 lần. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của y là đào tạo 6 năm nên phải một vài năm tới mới có cải thiện lớn đối với việc chống quá tải.
Bộ trưởng cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ ủng hộ việc nâng độ tuổi làm việc của cán bộ y tế. Thực tế, nhiều cán bộ y tế có tay nghề cao, sức khỏe đến tuổi 60 là về hưu, như vậy rất phí, rất tiếc.
“Chúng tôi chưa bao giờ hứa sẽ chấm dứt việc nằm ghép trong 2,3 hay 4 năm tới… Bộ Y tế sẽ quyết tâm, sớm khắc phục chừng nào thì tốt chừng ấy”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng tái khẳng định, tình trạng nằm ghép hàng ngày hiện nay còn trên 6.000 người, tập trung vào các khoa như tim mạch, huyết áp, ung thư, nhi và chấn thương. Nếu việc nâng cấp bệnh viện tuyến huyện, xã và tăng cường đào tạo được thực hiện một cách quyết liệt thì tình trạng nằm ghép cũng như chất lượng điều trị và quá tải của các bệnh viện tỉnh và trung ương sẽ được giải quyết.
Làm rõ thêm về vấn đề nguồn vốn bị chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, nguồn vốn trái phiếu đã được dự kiến cấp trong năm 2008-2010, nhưng do biến động kinh tế trong nước và thế giới, Chính phủ tập trung ổn định nền kinh tế nên chưa phát hành được trái phiếu. Tuy nhiên, chương trình này đã được duyệt thì phải quyết tâm làm, quan trọng là sẽ thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên trước, sau, có thể kéo dài chương trình đến tận năm 2015.
Liên quan đến việc di dời các bệnh viện ở Hà Nội ra ngoại thành để giảm tải áp lực, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, để thực hiện phải có điều tra cơ bản, có quy hoạch. Dự kiến, những bệnh viện hiện có ở Hà Nội sẽ được chia làm 3 loại: đưa hẳn ra ngoài (trong số này có Viện truyền nhiễm nhiệt đới); giữ nguyên công suất, làm thêm phân khu (áp dụng cho các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, K…); giữ nguyên nếu quy hoạch cho phép.
Quản lý thuốc: Phải chú ý tới thị trường không hoàn hảo
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, những năm qua, các bộ, ngành liên quan đã tập trung khá nhiều công sức cho việc bình ổn giá thuốc. Thống kê cho thấy, trong năm 2010, giá 11 mặt hàng thiết yếu tăng trung bình khoảng 8,6%, nhưng giá thuốc chỉ tăng 3,2%.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu
Bộ trưởng cho biết, thực tế kiểm tra, giám sát cho thấy, 95% số thuốc trên thị trường là thuộc thị trường hoàn hảo (tức là đủ nhiều doanh nghiệp sản xuất, đủ nhiều doanh nghiệp kinh doanh đủ sức cạnh tranh công khai, minh bạch, kể cả về thông tin mà tự bàn tay vô hình của nền kinh tế thị trường kéo sát về giá hợp lý, thị trường có đủ cung, trong nước sản xuất được), chỉ có 5% số thuốc là thuộc thị trường không hoàn hảo.
“Chính 95% này nó kéo 5% còn lại, do vậy tốc độ tăng giá chỉ còn 3,2%. 5% còn lại thì thuật ngữ kinh tế gọi là thị trường không hoàn hảo. Thị trường không hoàn hảo là thị trường chưa đủ số lượng sản xuất, kinh doanh đủ nhiều để cạnh tranh, để khống chế giá. Nước nào cũng trong tình trạng này, bởi vì 5% này thường thuộc về thuốc mới phát minh”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, những loại thuốc thuộc thị trường không hoàn hảo cũng chính là những loại thuốc có sự tăng giá đột biến trong thời gian qua.
“Luật dược mới quan tâm nhiều đến thị trường hoàn hảo, chưa quan tâm nhiều đến thị trường không hoàn hảo. 5% kia cơ chế phải khác”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, những loại thuốc này đã được tập trung kiểm soát giá. Bộ Y tế đang cùng liên bộ liên quan tìm các biện pháp hiệu quả hơn để kiềm chế và quản lý giá của nhóm thuốc này.
Bộ trưởng cũng khẳng định, nền công nghiệp dược Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, góp phần giảm tỷ lệ nhập khẩu thuốc xuống còn 5% vào năm 2009. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập tới 90% nguyên liệu sản xuất.
Chi trả viện phí: Cố gắng dành thuận lợi cho người dân
Trả lời về việc thực hiện chế độ chi trả viện phí cho người bị tai nạn giao thông, Bộ trưởng cho biết, theo quy định, những người bị tai nạn do vi phạm luật giao thông thì không được thanh toán. Khi bị tai nạn, chưa phân biệt là người đó vi phạm hay không vi phạm, người bị tai nạn phải tự thanh toán, khi có kết luận của cơ quan điều tra thì được hoàn trả.
Khi thực hiện theo quy định trên, nhận thấy một số khó khăn cho người dân, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ cho phép được nhận phần khó khăn về cơ quan Nhà nước, còn dành thuận lợi cho dân. Theo đó, Bộ Y tế sẽ chi trả trước toàn bộ viện phí cho người bị tai nạn giao thông, khi nào có kết luận từ cơ quan điều tra, thì người nào bị tai nạn do vi phạm luật sẽ phải trả lại tiền viện phí ứng trước. Tất nhiên, kèm theo đó có các chế tài. Tuy nhiên, thông tư này cần sự liên tịch với một số bộ, ngành khác và các bộ, ngành còn có ý kiến khác nhau nên phải trình Thủ tướng quyết định. Thủ tướng sẽ sớm ký ban hành.
“Theo quy định ban hành văn bản liên bộ, chỉ cần có bộ không đồng ý là bộ kia đứng ngắm... Quan điểm Bộ Y tế là nhận khó khăn về cơ quan quản lý nhà nước, dành thuận lợi về nhân dân”, Bộ trưởng nói.
Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã trả lời về các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, cải thiện đời sống cho cán bộ y tế và việc phòng ngừa HIV/AIDS.