'Săn' hàng hiệu giá rẻ
Xã hội - Ngày đăng : 15:18, 22/11/2010
Để sở hữu hàng hiệu, giá lại rẻ hơn thị trường từ 30% - 70%, Thu rất chịu khó “săn lùng”. Mà địa chỉ là các trang web và những người quen, những mối hay “đánh” hàng từ nước ngoài về.
Những “tín đồ” hàng hiệu không khó để mua được những loại hàng hiệu đắt tiền với giá rẻ, nếu chịu khó săn lùng. Ảnh minh họa.
Hàng hiệu giá rẻ, từ đâu?
Nhã Tiên, chủ shop thời trang online trên facebook, với nick name NhãTiên Forerveryoung, cho biết: Hầu hết các mặt hàng đang bán đều mua từ Mỹ về, với các nhãn hiệu thời trang cao cấp như: Victoria's secret, Nine West, Express, Old navy, Senza (Canada)...
Tuy nhiên, phải chờ đến mùa sale off hoặc các dịp lễ, như Lễ tạ ơn, Giáng sinh, năm mới... hàng sale mới nhiều và rẻ, có thể sale đến 70% - 80%. Những ngày sale off như vậy, rất đông người sếp hàng để mua.
Nhờ đăng kí làm khách hàng thân thiết của các cửa hàng thời trang ở nước ngoài, có người nhà bên Mỹ thường xuyên qua lại Việt Nam, nên trước mùa sale off, bao giờ Nhã Tiên cũng được email thông báo sớm, rồi nhờ người nhà đăng kí mua hàng. Mua được hàng hiệu giá rẻ từ gốc, nên Tiên cũng bán lại với giá rẻ từ 50 - 70% so với giá bán tại các cửa hàng chuyên đồ hiệu.
Theo kinh nghiệm của Nhã Tiên, để giá về Việt Nam “mềm”, phù hợp với sở thích của khách hàng, cô thường chọn hàng hiệu theo lứa tuổi. Tiên thích chọn hàng dành cho tuổi teen hơn, vì giá sale off bên Mỹ bao giờ cũng rất rẻ, từ 50% - 80%, phổ biến là các mặt hàng áo thun, giày dép, mắt kính của các hãng, forever21, urban outfits, aeropostalec... nhưng những mặt hàng này người tiêu dùng Việt lứa tuổi trung niên vẫn có thể xài được.
Rất nhiều shop online, offline bán “hàng hiệu giá Việt” khác cũng được giới săn hàng hiệu biết đến. Như shop Kaori đường Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận), Fashion For Her đường Paster (Q.3)... Các shop này cũng có các trang web riêng trên mạng xã hội Facebook, như Fashion For Her, L'elegance Huynh...
Tuy nhiên, giá tại các shop này chỉ rẻ hơn thị trường khoảng 30%. Theo lí giải là phải tốn phí vận chuyển, hải quan (trung bình 4 USD/kg) từ nước ngoài về Việt Nam, cộng thêm tiền thuê mặt bằng, nhân công... nên giá đội lên 10% - 20% so với giá gốc.
Tìm “ngọc” trong “đá”
Hiện nay, trên các trang web hay mạng xã hội đều có những shop thời trang online. Hầu hết đều trưng bày hình ảnh bắt mắt, giá rẻ đến bất ngờ. Phần lớn là hàng hiệu Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore hoặc Hong Kong... Nếu người trong cùng thành phố, có nhu cầu xem tận mắt, sẽ không phải lo đến chất lượng. Nhưng người ở xa, muốn mua hàng phải “đánh cược” trả tiền qua tài khoản ngân hàng trước, sau đó mới nhận hàng. Và những món hàng mua qua mạng, không phải đều phản ánh đúng chất lượng được quảng cáo.
Chị Mai Uyên cho biết: “Vài tháng trước, tôi có đặt mua 2 món hàng qua mạng, là giỏ xách và váy đầm. Nhưng khi hàng giao đến tận tay, tôi thấy hối hận vì mua phải giỏ nhái loại 2 của Trung Quốc, còn áo đầm hàng chợ, được may lại theo hình đặt mua. Bỏ thì tiếc, mà dùng thì chưa đến 1 tháng đã bị rách”.
Ngay cả người sành điệu như Thu, đôi lúc cũng mua nhầm hàng hiệu. Nhưng nhờ chịu khó đi vào những ngõ ngách, săn lùng những hàng xách tay đem về, Thu đã tìm những món đẹp, rẻ, là hàng hiệu 100%. “Thường những nơi bán hàng hiệu như thế này, ít khi có cửa hàng trưng bày. Phần lớn chỉ treo bảng nhỏ chỉ dẫn ở trước cửa, và thiết kế trang web riêng, hoặc lên mạng xã hội để quảng cáo. Mua riết thành khách ruột, cứ có hàng mới, tốt, họ đều gọi cho mình...”, Thu cho hay.