Hát Xoan (Phú Thọ): Nguy cơ mai một

Văn hóa - Ngày đăng : 07:48, 22/11/2010

(HNM) - Sau ca trù, hát Xoan (Phú Thọ) đang "chờ đến lượt" để UNESCO xem xét công nhận di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào năm 2011. Nhưng ngay từ bây giờ nếu các cơ quan hữu quan không có phương án bảo vệ khẩn cấp thì di sản văn hóa độc đáo này sẽ dần mai một ở chính nơi nó sinh ra trước khi được thế giới biết đến và vinh danh.

Một loại hình nghệ thuật độc đáo

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam: Hát Xoan còn gọi là hát cửa đình, là hình thức nghệ thuật đa yếu tố, bao gồm nhạc, hát, múa... nằm trong thành phần các trò diễn hội làng. Nó thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân theo tục giữ cửa đình, phổ biến ở vùng đất Phú Thọ. So với các hình thức nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam, hát Xoan hiện còn giữ được khá nhiều dấu tích âm nhạc và cũng là loại hình âm nhạc có tính chuyên nghiệp của người Việt. Hát Xoan có tổ chức hết sức chặt chẽ - phường Xoan là một tổ chức văn nghệ của làng, phần lớn là những người có quan hệ họ hàng với nhau. Hát Xoan là tiếng hát dâng thần linh, cầu chúc, khấn nguyện thần linh ban phúc cho dân làng...

Các nghệ nhân xã Kim Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ biểu diễn nghệ thuật hát Xoan. Ảnh: TTXVN

Nghệ thuật độc đáo của hát Xoan còn thể hiện ở cách thức đón đào (người hát). Hình thức này vẫn tồn tại ở một số địa phương hai bên bờ sông Lô. Ở những địa phương này, để mời được các đào về đình hát, người ta tổ chức lễ đón rước rất linh đình. Người đón dào phải là những chàng trai trẻ, mặc quần áo trắng, đeo trống trước bụng, quấn khăn đỏ trên đầu. Khi các cô đào chuẩn bị sang sông thì bên bờ bên này, người đón đào đã phải đánh trống chào đón. Khi đào lên bờ, người trai đón đào trao trống cho đào, đào đeo trống và người nam gõ trống. Vừa đi vừa hát giao duyên với nhau đến tận cửa đình. Khi đến đình, đoàn phải vào vái vua và hát thờ thánh. Hình thức này đã tạo nên sức lan tỏa của nghệ thuật hát Xoan.

Đứng trước nguy cơ mai một

Cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, hát Xoan đang chịu những tác động tiêu cực của xã hội hiện đại. Theo khảo sát của Sở VH,TT&DL Phú Thọ đầu năm 2010, những điệu Xoan cổ hiện chỉ được lưu giữ ở 4 phường Xoan gốc là thôn An Thái (xã Phượng Lâu - TP Việt Trì); thôn Thét, thôn Phù Đức, thôn Kim Đái (xã Kim Đức - TP Việt Trì). Còn những địa bàn liên quan đến hát Xoan (17 xã thuộc tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc) chỉ đón phường Xoan về hát trong lễ hội đầu xuân. Khảo sát cũng cho thấy, toàn tỉnh còn 69 nghệ nhân hát Xoan, trong đó 31 người có độ tuổi từ 80-104 và chỉ có 8 người có khả năng truyền dạy. Tổng số người tham gia các phường Xoan hiện nay là 81, biết hát Xoan là 49 người… Hơn thế, trong số 30 di tích diễn ra các điệu hát cửa đình này chỉ có 13 di tích đã được bảo tồn, tôn tạo, còn 2 di tích đã xuống cấp, 15 di tích đã mất hoàn toàn.

Những con số trên cho thấy, việc truyền dạy hát Xoan cho thế hệ trẻ ở Phú Thọ gặp rất nhiều khó khăn và môi trường cho hát Xoan tồn tại đã ở mức "báo động đỏ". Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch ở làng Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì tâm sự: "Trước đây, hát Xoan rất được ưa chuộng, nó có mặt trong tất cả các đêm hội của làng. Nhưng cùng với sự đổi thay của lịch sử, nghệ thuật hát Xoan cũng trải qua nhiều biến cố thăng trầm, các nghệ nhân hát Xoan ngày càng vắng bóng. Gần chục năm trở lại đây, tôi đã mở lớp truyền dạy hát Xoan miễn phí nhưng cũng mới có gần 100 lượt người theo học".

Chung nỗi niềm đó, ông trùm Ngũ, phường xoan Kim Đức bộc bạch: "Lớp học hát Xoan do tôi tập hợp, dạy cho các cháu độ tuổi từ 10-16 ít khi hoạt động lắm, cháu thì bận học, cháu phải đi làm phụ giúp gia đình".

Hy vọng vào lớp trẻ

Ai cũng biết, yếu tố quyết định nhất trong phục hồi hát Xoan là vấn đề con người, trước hết là nghệ nhân và ký ức quý giá của họ. Thật may mắn cho đất Phú Thọ là đến thời điểm này hát Xoan vẫn còn những "báu vật" dù các cụ nay tuổi đã cao. May mắn hơn, các cựu đào, cựu kép này vẫn còn mê hát Xoan đến độ hằng đêm truyền tình yêu hát Xoan cho con cháu, vẫn sẵn lòng dẫn dắt lớp trẻ đến với Xoan và làm cố vấn cho đám trẻ biết chơi Xoan như ông trùm Ngũ hay bà Nguyễn Thị Lịch.

Cũng giống như con người, hát Xoan cần phải có môi trường sống. Do đó, theo Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam thì ngoài việc đầu tư kinh phí mua trang phục, đạo cụ liên quan đến hát Xoan, các ngành chức năng cần quan tâm phục dựng di tích gốc để hát Xoan có không gian biểu diễn. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các trường trung học đưa nghệ thuật hát Xoan vào giảng dạy và phong tặng nghệ nhân cho các đào Xoan. Cùng quan điểm này, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nói: Mô hình bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mà UNESCO đề xướng là bảo tồn di sản đó trong cộng đồng. Hình thức này cũng sẽ giúp cộng đồng sở hữu di sản ý thức được giá trị văn hóa của mình để gìn giữ và phát huy nó. Từ đó ông nhấn mạnh: Để hát Xoan phục hồi và phát triển thì việc truyền dạy không chỉ dừng lại ở 4 phường Xoan gốc mà phải thực hiện ở cả 17 làng có liên quan đến nghệ thuật hát Xoan ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

Với vai trò quản lý trực tiếp, ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ khẳng định: Sở đã và đang trang bị trang phục, đạo cụ cho các phường Xoan, tổ chức các cuộc liên hoan hát Xoan trong lớp trẻ; đồng thời phát triển nghệ thuật hát Xoan gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Bằng những nỗ lực trên, hy vọng trong tương lai không xa hát Xoan Phú Thọ sẽ hồi sinh và được đứng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Minh Ngọc