Tăng quyền, tăng trách nhiệm

Đời sống - Ngày đăng : 07:19, 22/11/2010

(HNM) - 21h, tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình), từ phố Nghĩa Dũng đi sâu vào trong, ánh sáng cứ mờ dần, những ngõ nhỏ cứ hun hút. Thỉnh thoảng mới thấy một bóng điện treo trên cổng nhà dân hắt ánh sáng yếu ớt xuống đường.


Phân cấp trong quản lý đô thị đang được TP Hà Nội thí điểm. Ảnh: TTXVN

TP Hà Nội đang hoàn tất một số nội dung phân cấp quản lý kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2011-2015 để trình HĐND TP quyết định. Nhiều điểm mới sẽ được đưa vào nhằm hướng tới mục tiêu phân cấp ngày càng thực chất, cụ thể giải quyết tốt hơn những vấn đề dân sinh. Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề này vẫn còn vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo dự thảo tờ trình mới về phân cấp sắp trình ra HĐND TP, Hà Nội sẽ giao cho các quận quản lý, đầu tư và duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng tại các ngõ xóm trong khu dân cư trên địa bàn. TP sẽ quản lý việc cấp điện cho hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn các quận nội thành. Như vậy nhiều vấn đề gây không ít phiền phức trong sinh hoạt của người dân, trong quản lý của chính quyền được giải quyết. Tưởng không lớn, nhưng chuyện chiếu sáng đô thị đã phát sinh nhiều vướng mắc. Thứ nhất, theo quy định hiện hành, những ngõ nhỏ dưới 2m không được lắp đèn chiếu sáng, UBND quận muốn đầu tư lắp cho dân nhưng vướng một nỗi là không biết tiền điện tính vào đâu. Thứ hai, theo quy định hiện hành, có những "chuyện lạ" như hỏng bóng đèn dân không biết kiến nghị ai sửa giúp. Vì không phải nhiệm vụ của quận, phường, dù muốn giúp dân giải quyết, nhưng cũng không được phép, trong khi Công ty Chiếu sáng đô thị TP có trách nhiệm thì làm dân phải chờ đợi vì "Công ty quản lý hệ thống chiếu sáng cả TP, rất quá tải".

Ngoài việc đổi mới phân cấp chiếu sáng, TP cũng sẽ bổ sung, sửa đổi hàng loạt nội dung phân cấp khác. Đáng chú ý là cấp huyện, cấp xã có thể được quản lý cả con người lẫn kinh phí hoạt động của cơ quan làm công tác thú y, bảo vệ thực vật cùng cấp. Cấp TP (Sở NN&PTNT) chịu trách nhiệm quản lý về chuyên môn (ngành dọc). Riêng lĩnh vực khuyến nông dự kiến vẫn để TP quản lý tập trung (các địa phương chưa có ý kiến khác). Các quận, huyện, thị xã có thể sẽ được phân cấp chịu trách nhiệm quản lý, đầu tư, xây dựng bãi chôn lấp rác, đất thải phục vụ nhu cầu trên địa bàn; quản lý thoát nước ngõ, xóm và trong khu vực dân cư không tiếp giáp đường do TP quản lý.

Điểm nổi bật của chủ trương phân cấp mới này là cấp quận, huyện sẽ có sự chủ động lớn hơn trong thực thi nhiệm vụ. Chẳng hạn, trước đây khi dân kiến nghị nạo vét, thông tắc cống gây ngập lụt trong ngõ, xóm, UBND quận, phường chỉ biết chuyển đề nghị lên Công ty Thoát nước đô thị TP và chờ đợi. Nhiều khi UBND quận bị dân mắng là thiếu trách nhiệm. Nay UBND các quận có thể chủ động bố trí nhân lực xử lý cho dân. Tương tự là chuyện chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TP về xử lý bệnh dịch nhưng lại không có quyền chủ động về lực lượng. Nhưng có sự chủ động lớn hơn, đồng nghĩa với trách nhiệm của cấp quận, huyện cũng phải cao hơn.

"Phân cấp" mới, có khai thông ách tắc

Có một nội dung chưa có được sự thống nhất là ai sẽ quản lý trung tâm y tế quận, huyện. Trong khi tất cả các quận, huyện khi được hỏi đều đề nghị được quản lý thì theo quy định về cơ cấu tổ chức ngành y tế ở địa phương lại không cho phép. Để khắc phục việc này, có nhiều ý kiến đề nghị giải quyết theo hướng TP giao cho quận, huyện quản lý trung tâm y tế bằng hình thức ủy quyền. Quy định mang tính cá biệt này liệu có đúng quy định hiện hành? Để trả lời câu hỏi này, UBND TP Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức một cuộc thảo luận tập trung dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng để thống nhất trước khi trình ra HĐND TP. Tương tự là vấn đề quản lý một số di tích. Để tránh hiện tượng, cấp quận, huyện khó quản lý thì đẩy cho TP hoặc ngược lại, UBND TP đã yêu cầu các ngành liên quan làm rõ lý do của từng di tích đề nghị thay đổi chủ thể quản lý.

Trong khi đó, việc phân cấp quản lý đường bao gồm cả đầu tư, sửa chữa phân chia theo bề rộng mặt đường vẫn chưa thực sự thuyết phục. UBND TP dự định với đường có mặt cắt ngang dưới 7,5m giao cho quận, huyện, trên 7,5m thì TP quản lý. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế xã hội HĐND TP phân tích: "Nếu mai đường có tên, đường được nới rộng ra thì lại phải chuyển chủ thể quản lý. Đó là chưa kể, có những con đường chỗ thì hẹp dưới 7,5m chỗ lại rộng hơn thì cấp nào quản lý. TƯ chỉ phân cấp theo cấp đường, loại đường chứ không phân cấp theo đặt tên hay chưa đặt tên, rộng hay hẹp hơn 7,5m như mình". Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh cũng thẳng thắn: "Phân cấp theo mặt cắt như vậy thì không thuyết phục lắm". Cách quy định có phần máy móc như vậy rất giống với quy định ngõ trên 2m mới đầu tư chiếu sáng công cộng vốn đã gây rất nhiều phiền phức mấy năm nay.

Ông Nguyễn Văn Nam cũng chỉ ra rằng, tại Hà Nội, việc phân cấp về quy hoạch vẫn thấp hơn quy định của luật, nhưng vì còn khó khăn về nhân lực nên đành phải chấp nhận. Đây là một trong những ví dụ cho thấy rằng, việc phân cấp cần phải bảo đảm yêu cầu quan trọng bậc nhất là hiệu quả và thực tiễn chứ không phải những quy định cứng nhắc. Với kinh nghiệm 5 năm triển khai phân cấp (2006-2010) đã có, hy vọng quy định về phân cấp quản lý kinh tế - xã hội của TP giai đoạn 2011-2015 sẽ khơi thông những ách tắc.

Võ Lâm