Trở lại với quy luật cung - cầu

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:07, 22/11/2010

(HNM) - Với quyết tâm kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, bảo đảm đời sống nhân dân trước và trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão sắp tới, thành phố Hà Nội đã duyệt chi ngân sách 350 tỷ VND cho vay không tính lãi để các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, ổn định giá cả vào những tháng cuối năm, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường ăn, dầu ăn, trứng gia cầm…


Việc Nhà nước đưa ra các giải pháp tích cực để bình ổn giá, chủ trương cho phép các ngân hàng được tăng lãi suất theo sát thị trường và tháng khuyến mãi với sự tham gia của 350 doanh nghiệp, 1.000 điểm bán hàng làm tăng hy vọng sẽ giảm nóng giá hàng tiêu dùng thiết yếu và từ đó hạn chế tăng giá vàng, USD, duy trì mức lạm phát dưới 2 con số.

Nhưng thực tế không hoàn toàn như dự đoán. Mặc dù có các biện pháp tích cực trên, giá cả hàng hóa tiêu dùng vẫn không giảm, nhiều mặt hàng vẫn tăng giá, thậm chí tăng rất nhanh.

Cùng với việc giá cả hàng hóa tăng nhanh, đã bắt đầu xuất hiện tình trạng đầu cơ, khan hiếm hàng giả tạo, mua đi bán lại để kiếm lời tương tự như thời kỳ còn hai giá (giá chỉ đạo và giá thị trường) cách đây vài chục năm. Thực hiện chủ trương bình ổn giá, giá gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, trứng gia cầm ở các công ty thương mại, siêu thị, cửa hàng tham gia chương trình này đều thấp hơn giá thị trường từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng, một số mặt hàng tươi sống khác thấp hơn giá thị trường từ 5% đến 10% nhưng do không đủ hàng hóa, các điểm bán này thường nhanh chóng hết hàng. Vì thế, nhiều khi ngay tại chỗ, những người mua được hàng bình ổn giá có thể kiếm lợi từ việc được mua hàng theo giá rẻ, bán lại hàng theo giá thị trường. Thế là xuất hiện việc xếp hàng, mua không phải để dùng mà để bán. Để đối phó, các cửa hàng phải hạn chế bán (chẳng hạn với đường ăn, mỗi lượt xếp hàng không được mua quá hai kilôgam) và gian dối với Nhà nước, niêm yết giá nhưng không bán đúng giá niêm yết, thay đổi chất lượng, mẫu mã.

Theo quy luật và tình hình thị trường, việc bán hàng bình ổn giá, khuyến khích giảm giá dưới hình thức khuyến mãi có kết quả nhưng còn hạn chế, vì bản chất của bình ổn giá là sự bảo hộ của Nhà nước về giá cả bằng biện pháp hành chính, phương thức này chỉ mang tính hỗ trợ trong một vài mặt hàng, trong một thời điểm cụ thể, không thể áp dụng một thời gian dài. Từ nay đến hết quý I sang năm là thời điểm buôn bán nhộn nhịp nhất, khối lượng hàng hóa lưu chuyển lớn nhất trong năm, dễ ẩn chứa nhiều yếu tố không ổn định trong hoạt động thương mại.

Để ổn định giá cả, nên chọn một trong hai cách: Thứ nhất, khai thác nguồn hàng thật dồi dào và đưa lượng hàng dự trữ này vào diện bình ổn giá bằng cách cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất nhẹ (không phải lãi suất bằng "0" như hiện nay để ngân sách còn chịu đựng được). Không kỳ vọng giá hàng bình ổn đứng yên, nhưng nếu lượng hàng hóa này lớn (chiếm khoảng 70% nhu cầu thị trường) thì việc giữ giá hàng tiêu dùng thiết yếu không tăng quá 2 con số là có thể được. Thứ hai, thay đổi cách điều tiết thị trường, trở về với quy luật cung - cầu có sự điều tiết của Nhà nước. Đẩy mạnh sản xuất, tăng cường lưu thông, chống đầu cơ buôn lậu, quản lý chặt chẽ thị trường trong đó có các biện pháp giải tỏa tâm lý, không để việc tăng lương, biến động giá cả vàng và USD, những dự báo về thiên tai… tác động tiêu cực tới giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Cách thứ hai khó hơn nhưng bền vững và thực chất hơn.

Vũ Duy Thông