Ông thầy của những người nổi tiếng
Giáo dục - Ngày đăng : 06:32, 20/11/2010
NGND Tôn Thân là thầy của những học sinh đoạt Huy chương vàng Toán học đầu tiên Hoàng Lê Minh và Ngô Bảo Châu, học sinh khóa cuối cùng của hệ thống lớp chuyên toán bậc trung học cơ sở được đặt ở Trường THCS Trưng Vương. Câu chuyện với thầy trong căn nhà nhỏ ngõ Quan Thổ 1 xoay quanh chuyện về các học trò và nỗi niềm đau đáu với công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân tài.
Lớp 8H chuyên Toán Trường THCS Trưng Vương (1985-1986). |
Ôn tồn và nhỏ nhẹ, thầy Tôn Thân kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu gây dựng lớp chuyên Toán ở Trường Trưng Vương, nơi đã góp phần phát hiện và bồi dưỡng những học sinh sau đó đã giành huy chương Olympic Toán quốc tế. Thầy Thân nhớ lại, năm 1974, lần đầu tiên Việt Nam cử đội tuyển tham dự Olympic Toán quốc tế và Hoàng Lê Minh giành được HCV, Vũ Đình Hòa giành HCB. 15 năm gắn bó với hệ thống lớp chuyên Toán này, thầy đã là người đầu tiên gieo niềm yêu thích toán học vào những tài năng bẩm sinh để họ trở thành những nhà toán học tương lai. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, người đã có công dìu dắt không riêng GS Ngô Bảo Châu, mà còn nhiều tài năng Toán học của Việt Nam ở tầm thế giới khác như: PGS-TSKH Vũ Đình Hòa, TS Hoàng Lê Minh, GS Vũ Hà Văn; TS Lê Thị Hồng Vân, TS Nguyễn Đình Công lại vốn là giáo viên dạy Văn và đến với Toán vì yêu cầu công tác.
Tốt nghiệp ban Xã hội Trường Sư phạm, thầy về dạy tại Trường Tân Tiến, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Khi ấy, trường thiếu giáo viên dạy toán và thầy đã tự học để đáp ứng yêu cầu công việc. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, thầy lý giải thật giản đơn: Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của những năm chiến tranh, giáo viên chúng tôi ai cũng thế. Nhưng có một yếu tố khiến thầy Tôn Thân thành công trong việc tự học và sau này truyền được cho các học trò của mình khả năng vô cùng quan trọng để chinh phục tri thức chính là truyền thống gia đình. Thầy nói, thầy chịu ảnh hưởng nhiều của ông ngoại, học giả Phạm Quỳnh, của cha, GS Tôn Thất Bình, Hiệu trưởng Trường Thăng Long xưa. Tấm gương về quyết tâm tự học của ông cha đã "soi" con đường đến với Toán học và công việc dạy học, nghiên cứu của nhà giáo Tôn Thân. Nghe câu chuyện về những ngày đầu của GS Ngô Bảo Châu ở lớp chuyên toán có thể thấy, thầy không chỉ truyền dạy cho học sinh kiến thức mà quan trọng hơn là dạy cho học sinh cách tư duy độc lập, sáng tạo và biết phê phán. Thầy kể, "Khi Châu mới vào lớp chuyên Toán, tôi yêu cầu Châu đọc cuốn "Các định lý hình học và phương pháp chứng minh" dày 200 trang, thường dùng cho giáo viên và học sinh giỏi. Với một cậu bé 12 tuổi, đây là việc khó khăn nên tôi khuyên Châu đọc từng đoạn, mỗi tuần đọc một số trang nhất định, sau đó tóm tắt những nội dung, chỗ nào chưa hiểu hay có ý kiến nhận xét gì thì trao đổi lại. Theo thầy, bí quyết để đào tạo một người có năng khiếu trở thành tài năng chính là việc "đừng bắt người ta uống, hãy bắt người ta khát". Học sinh không phải là "cái bình rỗng" để người thầy rót kiến thức vào đó. Công việc của người thầy là phải làm cho học sinh muốn hiểu tri thức đó và phải đi tìm nó bởi còn rất nhiều bài toán cuộc đời phải giải, những bài toán không có đáp án hoặc rất nhiều đáp án đang chờ các em.
Giờ không còn trực tiếp giảng dạy nhưng NGND Tôn Thân vẫn đau đáu với việc làm sao khôi phục hệ thống lớp chuyên ở cấp THCS bởi theo thầy, sẽ khó có Ngô Bảo Châu hôm nay nếu không có lớp chuyên Toán Trưng Vương ngày xưa. "Quặng chỉ có giá trị khi được khai thác và chế tác. Học sinh năng khiếu chỉ trở thành tài năng khi được phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ đúng", lời tâm sự lúc chia tay của thầy gửi gắm nỗi niềm của một nhà giáo suốt đời tận tụy với nghề bằng một tình yêu khiến một trong những học trò của thầy PGS.TSKH Vũ Đình Hòe đã viết trong hồi ký: "Thầy là người thứ hai sau bố mẹ thực sự lo lắng cho chúng tôi. Thầy đã truyền cho chúng tôi một lý tưởng về cuộc sống và con người".