Chưa có chỗ để đặt niềm tin

Đời sống - Ngày đăng : 06:20, 20/11/2010

(HNM) - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có chủ trương đưa các trạm y tế xã, phường đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu vào đầu năm 2011, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, nhất là bệnh viện quận, huyện.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là chất lượng mạng lưới y tế xã, phường của TP còn quá yếu và… thiếu, khó hấp dẫn được người tham gia BHYT, nếu không muốn nói là người bệnh còn chưa tin vào y tế xã, phường.

50% trạm y tế chưa có bác sĩ

Theo ông Bùi Minh Đông - Phó Giám đốc BHXH TP, trong số 322 trạm y tế xã, phường trên địa bàn TP hiện nay chưa có trạm nào đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu KCB BHYT. Bởi thực tế hiện nay có nhiều trạm y tế vẫn chưa có bác sĩ, rất khó chẩn đoán bệnh ban đầu; một số nơi có bác sĩ thì cũng không thường xuyên túc trực vì phải kiêm nhiệm nhiều việc. Đó là chưa kể nhiều trạm y tế còn tạm bợ, dụng cụ y khoa chưa đáp ứng được yêu cầu KCB ban đầu… Qua tìm hiểu thực tế, tại Trạm y tế phường 15 (quận Phú Nhuận), mỗi ngày số bệnh nhân đến đây KCB chưa đầy chục người, phần lớn chỉ là những bệnh thông thường như: cảm, ho, bệnh về đường hô hấp… Một nhân viên của trạm cho biết, trang thiết bị quý giá nhất ở đây có lẽ chỉ là chiếc máy đo huyết áp, không có máy chụp phim, máy siêu âm… Mà nếu có thì cũng chẳng lấy đâu ra bác sĩ để sử dụng. Nhiều lúc nhân viên y tế chỉ chẩn đoán bệnh qua những triệu chứng rồi cấp mấy viên thuốc… thông thường để uống!

Mạng lưới y tế xã, phường của thành phố hiện chưa đủ năng lực khám, chữa bệnh BHYT cho người dân.

Điều đáng nói hơn, ngay tại một quận trung tâm của TP là quận 1 lại có đến 50% trạm y tế phường chưa có bác sĩ. Trong số 10 trạm y tế trên địa bàn quận có đến 5 trạm (phường Cầu Ông Lãnh, phường Cô Giang, phường Bến Thành, phường Bến Nghé và phường Nguyễn Thái Bình) không có bác sĩ. Trạm y tế phường Nguyễn Thái Bình có 5 nhân viên, trạm trưởng là một y tá!? Theo tìm hiểu, những năm về trước các trạm y tế này đều có tối thiểu 1 bác sĩ, nhưng 3 năm trở lại đây, lần lượt các bác sĩ bỏ trạm, vì phải đảm đương nhiều việc, còn lương mỗi tháng không quá 2 triệu đồng, quá eo hẹp.

Chỉ phát huy ở địa bàn vùng sâu, vùng xa

Ngoài ra, TP còn có những yếu tố khách quan khác khiến cho trạm y tế xã, phường khó phát huy được tác dụng, đó là việc các bệnh viện quận, huyện hoặc tuyến tương đương nằm rất gần với người dân; yêu cầu về chất lượng KCB của người dân khá cao, nhất là dân nội thành, những người có thu nhập cao. Do đó, gần như khi bị bệnh, bệnh nhân thường tìm đến bệnh viện quận, huyện hoặc tuyến trên để chữa trị, chẳng mấy ai đến trạm y tế xã, phường. Theo các chuyên gia, ngành y tế TP nên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho tuyến y tế xã vùng sâu, vùng xa ở các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh…Vì ở những nơi này, các trạm y tế mới thực sự phát huy hiệu quả. Đây là những nơi mà người dân ở khá xa bệnh viện huyện hay cấp tương đương, đời sống của người dân còn thấp, người bệnh có thể chấp nhận đăng ký khám BHYT ở trạm y tế để thuận lợi cho việc KCB ban đầu. Việc đưa các trạm y tế xã, phường làm nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu để giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên là một chủ trương đúng, nhưng không phải cố thực hiện bằng mọi giá, làm ảnh hưởng đến công tác KCB; ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân và gây lãng phí không đáng có.

Chia sẻ về điều này, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, KCB BHYT xã, phường đang gặp nhiều khó khăn, sở sẽ giao vấn đề này cho phòng Nghiệp vụ y nghiên cứu. Nếu cần thiết, phải tiến hành hội thảo để tìm giải pháp.

Văn Định