Hàng bình ổn giá… không ổn!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:17, 20/11/2010
Sự chênh lệch giá giữa hai loại hàng đã gây nên tình trạng mua hàng bình ổn giá đem bán ra thị trường khiến các doanh nghiệp bình ổn đau đầu vì phải liên tục cung hàng với giá thấp trong khi giá đầu vào cao hơn.
Gom hàng bình ổn kiếm lời!
Tám mặt hàng được TP cam kết giữ giá đến tháng 3-2011 gồm: gạo thường 8.000 - 8.500 đồng/kg; đường RE 18.000 đồng/kg; dầu ăn 25.500 - 25.600 đồng/lít; thịt lợn 65.000 - 70.000/kg; trứng gà 18.000 - 21.000 đồng, trứng vịt 23.000 - 25.500/vỉ 10 quả... Các loại rau, củ, quả không ghi giá cụ thể thì được cam kết bán thấp hơn giá thị trường 10%.
Sự chênh lệch giá giữa hàng bình ổn và thị trường đã làm cho các doanh nghiệp bình ổn phải đau đầu. |
Đến thời điểm này, giá đường ngoài thị trường là 25.000 - 27.000 đồng/kg; dầu ăn 32.000 - 37.000 đồng/lít; trứng gà 25.000 đồng, trứng vịt 27.000 - 30.000 đồng/vỉ 10 quả… Giá chênh lệch đã khiến nhiều người đổ xô đi mua hàng bình ổn, nhất là đường và trứng gia cầm. Để tránh tình trạng gom hàng bình ổn bán ra thị trường, các siêu thị đã phải quy định mỗi người chỉ được mua 2kg đường, 2 vỉ trứng gia cầm/lần/ngày.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, đơn vị chịu trách nhiệm bình ổn trứng gia cầm cho biết, lượng tiêu thụ trứng gà, vịt ở các siêu thị, cửa hàng bình ổn đang tăng gấp 2-3 lần so với trước đây khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong kế hoạch bình ổn. Lý do, trong cam kết với TP, Vĩnh Thành Đạt đưa ra thị trường mỗi tháng 2,5 triệu quả trứng với giá bình ổn. Số tiền được vay không lãi suất cũng chỉ đủ để dự trữ lượng hàng này. Tuy nhiên trong mấy tháng gần đây, đơn vị này phải cung cấp ra thị trường mỗi tháng 6 triệu quả trứng mới đủ nhu cầu. Dù công ty vẫn đủ hàng cung cấp ra thị trường, nhưng càng đưa hàng ra nhiều càng lỗ vì giá đầu vào cao hơn, bởi ngoài kế hoạch dự trữ 2,5 triệu quả/tháng được mua với giá tốt trước đó thì số lượng vượt phải mua vào với giá thị trường nhưng bán ra với giá bình ổn. Công ty này cho rằng hiện đang lỗ 300-350 đồng/quả trứng.
Với mặt hàng đường, bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Thành Công cũng cho rằng công ty đang cố gắng cung cấp đầy đủ hàng bình ổn ra thị trường và cũng đang bị lỗ ở số lượng hàng vượt so với mức cam kết với TP. Theo bà Ngọc, mỗi ki lô gam đường bán ra với giá bình ổn đang lỗ 2.000 - 3.000 đồng.
Hàng bình ổn "đuối" trước bão giá!
Mục đích của hàng bình ổn là giữ giá thị trường ổn định, góp phần kiềm chế lạm phát. Bà Lê Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, chương trình bình ổn đã phần nào chi phối giá cả ở thị trường TP, góp phần kéo giảm tốc độ tăng giá trong các tháng qua. Để chuẩn bị cho Tết Tân Mão, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị lượng hàng bình ổn chiếm khoảng 30-40% thị phần, gồm: 6.000 tấn gạo, 11.050 tấn đường, 1.000 tấn dầu ăn, 22,5 triệu quả trứng gia cầm… và số hàng này sẽ chi phối được giá cả vốn luôn tăng cao trong dịp Tết.
Tuy nhiên, thực tế diễn biến giá cả những ngày qua đã không được như mong đợi. Dù TP và các doanh nghiệp cho rằng cung ứng đủ hàng, nhưng đó là hàng với giá thị trường, còn hàng bình ổn vẫn thiếu. Chiều tối 17-11, tại siêu thị Co.opMart Nhiêu Lộc (quận 3), mặc dù đã giới hạn một người chỉ được mua 2kg đường/lần/ngày nhưng đường của hàng bình ổn (giá 18.000 đồng/kg) vẫn trống trơn, trên kệ chỉ còn lại đường RE Biên Hòa với giá 22.700 đồng/kg. Gian hàng trứng gia cầm cũng tương tự dù cũng hạn chế số lượng mua. Điều này cho thấy, trong thời điểm này hàng bình ổn cũng không chi phối được thị trường bởi sau khi mua hết hàng bình ổn với giá rẻ thì người tiêu dùng vẫn buộc phải mua hàng giá thị trường ở ngay bên cạnh với giá đắt hơn!
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, theo quy luật thị trường thì 30-40% thị phần sẽ không thể chi phối được giá cả vì con số 60-70% còn lại lớn hơn nhiều, vì vậy hàng bình ổn sẽ không thể kéo giảm được giá như kỳ vọng. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nêu quan điểm, chính sách bình ổn giá chỉ là biện pháp hành chính, chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn để kiểm soát. Bà Lan cho rằng hàng bình ổn hiện không đạt được mục đích bình ổn vì quy luật cung - cầu thị trường không chấp nhận hiện tượng này, trong khi lại rất tốn kém vì phải chi ra nhiều tỷ đồng không lãi suất. Mặt khác, điều này không tạo sự công bằng cho người tiêu dùng, vì tiền bình ổn là tiền ngân sách, tức là tiền thuế của dân, nhưng mua hàng bình ổn thì người được, người không vì hàng không đủ!