“Khát” vàng lại để vàng... rơi!

Thể thao - Ngày đăng : 06:05, 20/11/2010

(HNM) - Một tuần sau ngày khai mạc ASIAD 16, thể thao Việt Nam vẫn khắc khoải chờ "vàng". Vẫn biết để đoạt được một tấm HCV tại ASIAD là vô cùng khó khăn nhưng việc nhiều lần VĐV chúng ta tuột "vàng" trong gang tấc cũng là điều đáng tiếc. Nhìn rộng ra, đó không chỉ là chuyện một tấm huy chương, thành tích của một cá nhân, tập thể, mà còn lấp ló chuyện của cả một nền thể thao.

Thất thần đón "bạc"

Trước ASIAD 16, Trưởng đoàn Lê Quý Phượng liệt kê một số môn thế mạnh có khả năng mang về HCV như bắn súng, billiard - snooker, taekwondo, cờ vua, cờ tướng, wushu, karatedo, cầu mây. Đến giờ, khi nhiều nội dung được kỳ vọng gặt "vàng" của thể thao Việt Nam đã kết thúc thi đấu, vẫn chưa thấy "vàng" mà chỉ toàn "bạc", "đồng". Bên những tấm HCB mong đợi, thể thao Việt Nam được những tấm HCB ngoài dự kiến như Nguyễn Thanh Tùng (wushu), Hà Minh Thành (súng ngắn bắn nhanh), Phạm Thị Huệ - Phạm Thị Thảo (đôi nữ 2000m Rowing)… đó cũng là điều mừng.

Nỗi buồn của Hoài Thu khi để tuột mất “vàng”.

Dương Anh Vũ và Lý Thế Vinh (billiard - snooker nội dung 3 bi tự do) bị loại từ vòng bán kết. Lê Quang Liêm phăng phăng tới chức vô địch bỗng "khựng" lại trước Rustam (Uzbekistan) ở ván 7 nội dung cờ nhanh và điều đó khiến anh chỉ giành được "bạc". Trên sàn đấu wushu, dù có tới 3 võ sĩ vào chung kết nội dung đối kháng, trong đó sáng giá nhất là Nguyễn Thị Bích (52kg) cũng không giúp đoàn Việt Nam giành được HCV nào. Taekwondo đặt niềm tin vào Nguyễn Hoài Thu nhưng cuối cùng cô thất bại trước Sarita (Thái Lan). Nhưng tiếc nuối hơn cả là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (25m súng ngắn ổ quay). Chỉ còn cách HCV một phát súng, run rẩy thế nào mà để "mất bia" (bắn ra ngoài), ngậm ngùi trắng tay. Cầu mây nữ, hôm kia thua ngược Indonesia, hôm qua lại thúc thủ trước Thái Lan… Cho tới tối qua, quá nửa "hy vọng vàng" của thể thao Việt Nam đã xung trận mà chưa có nổi một tấm HCV. Thực tế ấy không khác tình cảnh của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 15 ở Qatar.

Bốn năm trước cầu mây đã "cứu" cả đoàn thể thao Việt Nam. Nhưng năm nay thì trông chờ vào ai, bởi chiều qua, cầu mây nữ đã thua trắng Thái Lan ở cả hai regu rồi!

Có bất ngờ không?

Trưởng đoàn Lê Quý Phượng thẳng thắn thừa nhận ASIAD là sân chơi công bằng, ai mạnh hơn thì thắng, không có chuyện chia chác huy chương để "làm ngoại giao". Đấu trường ấy khắc nghiệt hơn hẳn SEA Games, nơi các VĐV Việt Nam có thể làm mưa làm gió. Nó cũng khác ASIAN Indoor Games mà nhiều đoàn chỉ cử VĐV hạng 2 tham dự. Mới năm ngoái Nguyễn Hữu Việt còn vùng vẫy, đoạt HCB tại ASIAN Indoor Games nhưng tại ASIAD 16, thậm chí anh không thể vào chung kết, đơn giản là vì đấu không lại với những kình ngư hàng đầu của Trung Quốc, Nhật Bản, Kazakhstan, những người đạt đẳng cấp thế giới. Nội dung Taolu (wushu) cũng vậy. Tại ASIAN Indoor Games 2009, các võ sĩ Việt Nam dễ dàng đoạt HCV vì ít quốc gia tham dự, nhưng trước các cao thủ của Trung Quốc tại ASIAD 16, "trật tự" lại đâu vào đấy.

Vấn đề là đẳng cấp của nhiều VĐV Việt Nam chưa đạt đến đỉnh cao thế giới, lại thiếu ổn định nên thất bại là dễ hiểu. Nếu bản lĩnh tốt thì đã khác. Trường hợp Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Hoài Thu là điển hình của sự yếu tâm lý trong thời khắc cam go. Thế nên mới nói đầu tư cho VĐV không chỉ là cho ăn đủ, uống đủ.

Tất nhiên, sự thể không như mong đợi còn do áp lực thành tích toàn đoàn, khâu chỉ đạo điều chỉnh tâm lý của HLV không chuẩn. Những yếu tố đó tạo lực cản các VĐV Việt Nam trên đường chinh phục đỉnh cao ASIAD.

Lấp ló chuyện của cả nền thể thao

Các nhà quản lý thể thao Việt Nam hẳn còn lý do để sốt ruột khi hàng loạt quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đã giành được HCV. Có thể nói là họ đã biết cách "bơi ra khỏi ao làng" được không? Trước đây, Thái Lan chưa bao giờ là đối thủ của Việt Nam về môn taekwondo nhưng giờ đây đã có VĐV đoạt HCV ASIAD. Malaysia đi sau Việt Nam về phát triển wushu nhưng vừa có HCV Taolu. Malaysia còn giành được HCV xe đạp lòng chảo, môn thi Olympic, trong sự tâm phục khẩu phục của đoàn chủ nhà…

Sau khi đoạt 4 HCV tại ASIAD 14 Busan (Hàn Quốc) với 125 VĐV thi đấu, 8 năm sau, với 260 VĐV, Việt Nam đặt chỉ tiêu 4-6 HCV, trong đó đoạt được 4 HCV đã được coi là thành công. Tất nhiên trong 4 HCV tại ASIAD 14 có 1 HCV thể hình (môn thi không xuất hiện tại ASIAD 15 và 16) nhưng trong 8 năm mà chỉ tiêu giành huy chương không hơn là bao thì khó nói rằng ta tự tin mình đang tiến bộ mạnh mẽ, ít nhất là trên đấu trường ASIAD.

Sau ASIAD thành công nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam, Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh lúc đó đã đề cập chiến lược xây dựng thể thao thành tích cao để vươn ra tầm châu lục một cách mạnh mẽ và ổn định. Chiến lược không đầu tư dàn trải mà tập trung cho những môn, nội dung và VĐV trọng điểm với chế độ chuyên biệt. Nhưng sự thể không như ý nên đến giờ, ra Olympic hay ASIAD, số môn, nội dung, VĐV thuộc diện có huy chương không nhiều. Trước ASIAD 16, Karatedo Việt Nam trông đợi nhiều vào Nguyễn Hoàng Ngân, nhưng chấn thương tại giải vô địch thế giới cách đây 1 tháng của Ngân đã khiến hy vọng vàng ASIAD 16 ở nội dung kata tắt phụt, bởi Karatedo Việt Nam đâu có Hoàng Ngân thứ hai. Cử tạ trông chờ vào Hoàng Anh Tuấn ngay cả khi VĐV này thua lên thua xuống trong thời gian gần đây. Không có Tuấn, ước mơ "vàng cử tạ" tắt lịm lập tức bởi chẳng có ai ở gần trình độ với anh. Chẳng bù cho Trung Quốc, chỉ riêng hạng 56kg nam của Hoàng Anh Tuấn, từ năm 2006 đến nay họ có tới 3 lực sĩ đăng quang tại ASIAD và Olympic. Rồi nhìn đội hình đấu bóng bàn ở ASIAD 16 mà xem, những Đoàn Kiến Quốc, Lương Thị Tám "già, trẻ" thế nào so với VĐV Trung Quốc?

Hậu ASIAD này, câu chuyện xây dựng lực lượng và chiến lược đầu tư chắc sẽ được mổ xẻ kỹ lưỡng. Còn bây giờ, ASIAD 16 vẫn đang diễn ra. Hy vọng vẫn còn và không biết bao giờ… may mắn mới tới?

Chủ tịch kiêm TTK Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang:
Chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội

Chỉ tiêu 4-6 HCV đặt ra là dựa theo thành tích ở các kỳ ASIAD trước, 4 HCV ở Busan 2002 và 3 HCV ở Doha 2006. Theo tôi, chúng ta đã chuẩn bị tốt, nhưng chưa thể đạt được mức đầu tư như các nước khác. Hơn nữa, trong những ngày vừa qua, chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội đoạt HCV như Lê Quang Liêm, Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Hoài Thu. Đấy là xét về thành tích huy chương còn về chất lượng, tôi hài lòng với những nỗ lực của các VĐV. Chúng ta đã đạt được những thành tích đột xuất, có thể làm cơ sở cho những thành tích ổn định trong tương lai. Đến giờ này, việc hoàn thành chỉ tiêu, theo tôi là rất khó. Cần phải cố gắng hơn nữa. Tôi nghĩ, không nên trách cứ Đoàn TTVN, bởi chúng ta đã rất nỗ lực rồi.

Trưởng đoàn TTVN tại ASIAD 16 Lê Quý Phượng:
Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm !

Các HLV, VĐV đã nỗ lực phấn đấu hết mình, nhưng lực chỉ đến mức vậy. Chỉ tiêu là để phấn đấu, chứ không phải đặt thế là chắc chắn có được. ASIAD là đấu trường lớn, tập trung tất cả VĐV giỏi nhất của châu lục. Đoạt được huy chương, dù không phải vàng, cũng là rất đáng quý. Thật sự đáng tiếc, bởi ở những thời khắc quyết định chúng ta đã không bật lên được. Lần đầu giữ quyền trưởng đoàn, áp lực với tôi chỉ là làm sao hoàn thành trách nhiệm. Khó thì khó thật, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều môn chưa đấu nên vẫn phải cố gắng. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm!

Vĩnh Nguyên ghi

Thùy An