Phòng, chống tham nhũng - Trách nhiệm của cả xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 05:53, 20/11/2010
Để khắc phục, Quốc hội đang xây dựng Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về lĩnh vực này, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề đang đặt ra cần giải quyết...
Bài 1: Vinh quang và cay đắng
Mặc dù nhận được đánh giá cao của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng không ít gương điển hình tiên tiến trên mặt trận chông gai này vẫn canh cánh nỗi lo an toàn tính mạng. Trong khi đó, lại chưa có cơ chế bảo vệ người chống tiêu cực. Phải chăng, đây chính là nguyên nhân khiến việc phát hiện "tham nhũng" chưa được "xã hội hóa"?
Bà Nguyễn Thị Hòa, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội) và những lá đơn tố cáo tiêu cực, tham nhũng. |
Đấu tranh và những nỗi đau
Gần 10 năm xung phong chống tiêu cực, CCB Nguyễn Thị Hòa ở phường Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã phải dùng toàn bộ số tiền dưỡng già ki cóp được từ những năm trước, bán thêm một căn hộ, trị giá 451 triệu đồng để có tiền phô tô tài liệu, gửi đơn, thư đi đến các cơ quan. Đến nay, trong số 14 vụ sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai bị bà "khui" ra, không ít cán bộ tham nhũng đã bị xử lý, nhà nước thu về gần 5.000m2 đất bị chiếm dụng trái phép… Nhưng đổi lại, trong người bà đã có hàng chục vết sẹo do bị kẻ xấu tấn công. Không chỉ bản thân bị tổn hại sức khỏe vì vạch trần tiêu cực, con cái bà khi đi đường còn bị đe dọa. Mới đây nhất, chiếc xe Future - phương tiện đi lại cũng bị kẻ xấu chặt phá, khiến bà phải thay xe mới, thửa chiếc yên riêng có lớp cốt thép bảo vệ để khỏi bị mất tài liệu. Ngôi nhà cũng không còn là nơi an toàn. Biết bà sống một mình, nhiều lần kẻ xấu đã đến tận nhà dọa giết và liệng phân, chuột chết, kíp mìn ngay cửa... Bà Hòa không phải là trường hợp đặc biệt trong hàng chục người tố cáo hành vi tham nhũng được tuyên dương năm 2010. Sự hiện diện của 88 cá nhân từ 40 địa phương và cơ quan, tổ chức, đơn vị tại Hà Nội mới đây trong hội nghị biểu dương người có thành tích trên mặt trận nóng bỏng này cho thấy, điểm chung của họ chính là tinh thần "nói không" với những hành vi tham nhũng, tiêu cực và luôn quan tâm đến "tương lai" cuộc chiến cam go này. Thành tích của ai cũng đáng nể nhưng những khó khăn mà họ đã trải qua thì chua xót không kém. Những "anh hùng" chống tham nhũng không sợ tổn thương, chấp nhận thiệt thòi nhưng lại lo ngại vì thấy cuộc chiến bảo vệ lẽ phải chưa cân sức. Mọi người mong muốn, Đảng và Nhà nước "quan tâm, có cơ chế để bảo vệ người chống tiêu cực", bởi "nếu không thì không ai dám đấu tranh" như tâm tư của ông Phạm Thanh Bình (Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô, Hà Nội).
Mới đây thôi, sự kiện ngày 8-11, Viện KSND TP Hồ Chí Minh cho biết đã hoàn tất cáo trạng, truy tố Ngô Quang Trưởng (nguyên Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà Hoàng Hải), kẻ thuê côn đồ sát hại ông Đặng Xuân Sỹ - người đã dũng cảm tố cáo những vi phạm trong các dự án của công ty này càng khiến những người tích cực tố cáo tham nhũng buồn vui lẫn lộn. Họ điện thoại hỏi thăm nhau, vui vì chậm nhất là 3 tháng nữa thôi, kẻ xấu sẽ bị đưa ra xét xử, trừng trị thích đáng. Nhưng buồn vì một người chống tiêu cực nữa đã phải ra đi để lại cho họ hàng và những người dám đứng lên đấu tranh với cái xấu nỗi đau khôn tả.
Ai bảo vệ người chống tham nhũng?
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng TƯ thừa nhận: Tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp; hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng còn thấp so với yêu cầu, chưa đạt kết quả như mong đợi; người đấu tranh chống tham nhũng thường phải chấp nhận cuộc đối đầu không cân sức với kẻ có hành vi tham nhũng và các thế lực chìm, nổi liên quan đến vụ việc tham nhũng, cá biệt có người còn bị phân biệt đối xử, vu khống là làm mất đoàn kết, gây rối nội bộ.
Xem xét quá trình phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2006-2010, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng TP Hà Nội cũng cho rằng, các vụ tham nhũng bị tố cáo hầu hết từ quần chúng, nhân dân, báo chí, rất hiếm thấy vai trò của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Thực tế, người chống tham nhũng thường chỉ là những cá nhân riêng lẻ. Để mong tố giác tham nhũng mang lại kết quả, họ phải vượt qua cửa ải xác minh thông tin khá vất vả. Dù có chủ trương nhưng trong nhiều trường hợp, chúng ta đã chưa có cơ chế khuyến khích người tố giác tham nhũng. Trái lại, một số quy định về thu thập dữ liệu, biện pháp khởi kiện và cách thức xử lý cụ thể lại làm khó cho người tố cáo. Quy chế dân chủ trong các cơ quan còn hình thức. Ngay trong dự thảo Luật Tố cáo đã được trình Quốc hội, được Ban Soạn thảo và nhiều đại biểu dân cử đánh giá sẽ mở đường cho dân kiện cán bộ tham nhũng cũng còn bị không ít ý kiến cho rằng còn chưa sát thực tế. Đại biểu Quốc hội Lê Văn Hưng (tỉnh Hưng Yên) nhận định, quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận tố cáo phải bảo vệ bí mật họ tên, địa chỉ người tố cáo trong điều kiện hiện nay thực sự là "bất khả thi". Bởi cơ quan, tổ chức tiếp nhận tố cáo là một tập thể với nhiều bộ phận khác nhau. Việc tố cáo theo dự thảo luật phải qua các khâu tiếp nhận đơn, đơn tố cáo phải có địa chỉ rõ ràng, phải xem xét về thẩm quyền, phải xác minh, phải kết luận, sau đó thông báo và xử lý. Một vấn đề khác cần quan tâm là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo, nhất là cơ quan hành chính trong dự án Luật Tố cáo Quốc hội đang bàn thảo hiện nay cần chỉnh sửa cho phù hợp. Theo dự luật, thủ trưởng cơ quan hành chính có trách nhiệm giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người do mình quản lý trực tiếp. Nếu người bị tố cáo là thủ trưởng thì người chịu trách nhiệm giải quyết là cấp trên quản lý trực tiếp. Nhưng quy định như trên thiếu chặt chẽ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Trần Đình Long nêu ví dụ: "Nếu là thủ trưởng, nhận được đơn, thư tố cáo về một cán bộ dưới quyền, người mà tôi không thích thì tôi sẽ rốt ráo giải quyết. Nhưng nếu là cán bộ tôi quý mến thì có thể đơn, thư tố cáo sẽ bị ỉm đi".
Bên cạnh đó, các quy định về bảo vệ người tố cáo còn khó thi hành hơn nhiều. Vì việc bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, việc làm cho người tố cáo mới được dự thảo Luật Tố cáo đề cập tới như một sự liệt kê về đầu việc, mà chưa có cơ sở nào để thực thi về vấn đề kinh phí, nhân lực, chủ thể thực hiện. Nếu không đắp những khoảng trống này thì dù khi Luật Tố cáo được triển khai sẽ vẫn còn nhiều cá nhân vẫn im lặng dù biết mười mươi việc tham nhũng ở chính địa phương, đơn vị mình.