Cân nhắc việc thống nhất hai phông lưu trữ
Chính trị - Ngày đăng : 15:26, 19/11/2010
Góp ý về phạm vi điều chỉnh của luật về việc quản lý tài liệu thuộc phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số đại biểu đề nghị thống nhất một phông lưu trữ quốc gia bao gồm phông lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại đề nghị giữ 2 phông lưu trữ như hiện nay để bảo đảm sự ổn định vì mỗi phông lưu trữ có đặc thù riêng.
Đại biểu Nguyễn Viết Lểnh - Bình Định nằm trong số các đại biểu ủng hộ việc thống nhất phông lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam và gọi tên là phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam. Theo đại biểu, việc này vừa thống nhất quản lý Nhà nước, vừa tận dụng phát huy được các điều kiện và phương tiện đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thu thập bảo quản và khai thác tư liệu.
“Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc sáp nhập Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viên hành chính quốc gia và đang từng bước hoàn thiện bộ máy hành chính Nhà nước. Cho nên, chúng tôi thấy việc sáp nhập là hợp lý”, đại biểu Lểnh nói.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Hồng Anh - TP Hà Nội lại băn khoăn về việc thống nhất hai hệ thống lưu trữ này. Bởi hiện hai hệ thống lưu trữ này đang sử dụng ổn định, hiệu quả. Hơn nữa, sự ghép gộp cơ học hai phông lưu trữ thành phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam tạo ra sự không thống nhất trong các quy định của dự thảo luật về lưu trữ lịch sử.
“Việc dự thảo luật sử dụng thuật ngữ phông lưu trữ quốc gia Việt Nam để ghép gộp hai phông lưu trữ là phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam và phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam là không có cơ sở về mặt lý luận và không phù hợp với thực tiễn”, đại biểu Hồng Anh nói.
Theo đại biểu Hồng Anh, dự luật nên xử lý việc quản lý tài liệu thuộc phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam theo một trong hai phương án sau: Thứ nhất, Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận của phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Chính phủ thống nhất quản lý phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam theo quy định của luật này. Thứ hai, dự luật chỉ quy định về tổ chức, quản lý sử dụng phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, còn công tác lưu trữ của Đảng, quản lý tài liệu phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như của các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện theo quy định của Đảng và trên cơ sở áp dụng quy định của luật này.
Về tổ chức lưu trữ lịch sử, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo luật là nên thống nhất có 2 cấp là phông lưu trữ lịch sử Trung ương và phông lưu trữ lịch sử ở cấp tỉnh. Một số đại biểu đề nghị cân nhắc việc không tổ chức lưu trữ lịch sử ở cấp huyện có hợp lý không vì cấp này có nhiều tài liệu lịch sử cần bảo quản, lưu giữ lâu dài. Có ý kiến còn đề cập đến cả lưu trữ cấp xã, trong đó, chú ý tới quy định cụ thể hơn một số nguyên tắc và quy định chính sách cho cán bộ cấp xã phụ trách vấn đề này.
Đại biểu Triệu Thị Bình - Yên Bái tán thành quy định như dự thảo là chỉ có tổ chức lưu trữ lịch sử ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Tuy nhiên ở cấp huyện lâu nay vẫn thực hiện nhiệm vụ khai thác, bảo quản, sử dụng tài liệu, nay dự thảo luật không quy định tổ chức lưu trữ lịch sử ở cấp huyện thì sẽ phải chuyển lên cấp tỉnh như thế nào.
“Chúng ta cần có phương án xử lý nếu không sẽ mất đi một nguồn tài liệu rất lớn và rất quan trọng”, đại biểu Bình nói.
Đại biểu Ngô Đức Mạnh - Bình Phước cũng nhấn mạnh, có rất nhiều tài liệu lưu trữ có giá trị, có thể nói xuất phát điểm là từ những phong trào, từ những sáng kiến, từ cơ sở, từ địa phương, có thể nói là từ cấp xã, nếu chỉ quy định lưu trữ lịch sử đến cấp huyện mà bỏ qua cấp xã thì “đó là một sự không công bằng và chúng ta chưa nhìn nhận được hết những giá trị của những tài liệu lưu trữ xuất phát từ cơ sở, từ địa bàn”.
“Nếu không đưa cấp xã vào đây thì vô hình chung chúng ta đã bỏ qua một cấp rất quan trọng trong tổ chức hệ thống chính trị của chúng ta và không được nhìn nhận một cách đúng mức”, đại biểu Mạnh nói.
Các đại biểu cũng ủng hộ việc xã hội hóa hoạt động dịch vụ lưu trữ, nhưng cần quy định cụ thể điều kiện để tổ chức, cá nhân được thực hiện các dịch vụ họat động lưu trữ. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động lưu trữ, chính sách thu hút cộng đồng tham gia vào hoạt động lưu trữ này. Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc việc xã hội hóa với một số loại dịch vụ, chứ không thể mở ra tất cả.
Đại biểu Lê Quang Huy - Bạc Liêu cho rằng, mặc dù dự luật đã có một ràng buộc về chất lượng dịch vụ khi thực hiện xã hội hóa hoạt động lưu trữ, nhưng cũng không nên khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tất cả các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ.
“Tôi cho rằng có những công đoạn nghiệp vụ lưu trữ cũng hết sức quan trọng. Ví dụ, xác định giá trị, thời hạn bảo quản, giải mật, công bố... Có ý nghĩa quan trọng như vậy thì có lẽ chúng ta cũng cần thận trọng hơn”, đại biểu Huy nói.
Đại biểu Huy đề nghị nên lựa chọn một số các dịch vụ lưu trữ có thể xã hội hóa và đặc biệt xác định lộ trình sao cho phù hợp với trình độ quản lý cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để thực hiện.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đã góp ý về quy định về người làm công tác lưu trữ, hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ và thời hạn được phép sử dụng tài liệu lưu trữ.
Theo các đại biểu, dự luật quy định còn chung chung, có tính nguyên tắc, chưa quy định rõ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chế độ phù hợp cho người làm công tác lưu trữ cũng như các chế độ, chính sách đào tạo đối với họ. Việc thành lập Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ nên có để tránh thất thoát tài liệu lưu trữ, xác định cấp độ, giá trị của các loại tài liệu lưu trữ nhưng cần làm rõ hơn thành phần của hội đồng, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên hội đồng, nhất là Chủ tịch hội đồng…
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã nhận xét, những ý kiến đóng góp của các đại biểu rất sâu sắc, đề xuất nhiều nội dung, kể cả phương pháp cụ thể, chi tiết để chỉnh sửa, hoàn thiện luật. Ban soạn thảo cùng với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội sẽ cân nhắc, tiếp thu một cách chuẩn xác để chỉnh sửa luật để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.