"Giáo sư" Xoay của Thư giãn cuối tuần là ai?

Giải trí - Ngày đăng : 15:04, 19/11/2010

Đã có không ít khán giả nhầm tưởng vị giáo sư trong


Vị “giáo sư” đó là Đinh Tiến Dũng, hiện chuyên về mảng truyền thông ở FPT. Anh cũng chính là tác giả kịch bản cho chương trình Táo quân cuối năm suốt 3 năm qua.

Từ "Táo quân" đến "Thư giãn cuối tuần"



Đinh Tiến Dũng ngoài đời


Xem Thư giãn cuối tuần, rất nhiều người cứ tưởng anh là giáo sư thật. Vậy anh từ đâu tới?

- Tôi học về Nông nghiệp và hiện thì làm ở FPT được 5 năm rồi. Còn với ekip của đạo diễn Đỗ Thanh Hải thì tôi cũng đã có 3 năm trong vai trò viết kịch bản cho chương trình Táo quân, rồi từ đó dẫn đến "Thư giãn cuối tuần".

Việc tôi từ vai trò biên kịch kiêm luôn diễn viên giáo sư cũng rất tình cờ, nó nảy sinh trong quá trình bàn bạc để ra một format mới, khác hẳn với Gặp nhau cuối tuần. Khi đã nghĩ ra được ý tưởng là sẽ có một ông giáo sư chuyên giải đáp các câu hỏi thì lại đau đầu ở việc chọn ai để đóng, vì vai diễn này cũng hơi đặc thù.

Thoại nhiều, có khả năng xoay chuyển và cũng phải có một lượng kiến thức không nhỏ. Anh Hải biết tôi từng tham gia một vai diễn là giáo sư dựa theo truyện Harry Potter trong một hoạt động ở FPT. Tôi lại là người viết kịch bản cho "Hỏi xoáy đáp xoay" nên anh Hải nảy ra ý định: Thôi cậu đóng luôn cho nhanh.

Theo kịch bản ban đầu thì một mình tôi đóng hai vai, tức là vừa hỏi vừa trả lời, sau đó dùng kỹ xảo để ghép hình. Nhưng nếu như thế thì sản xuất một số sẽ rất mệt vì phải qua nhiều công đoạn: Trang phục, hóa trang, ghép hình... Hơn nữa, tôi không phải là diễn viên chuyên nghiệp nên không thể có sự biến hóa trong diễn xuất. Và anh Xuân Bắc là sự lựa chọn rất hợp lý cho chuyên mục.

Diễn chung với Xuân Bắc, điều gì khiến anh... ghét nhất ?

- Khó mà có thể ghét được một người thông minh, dí dỏm như anh Xuân Bắc. Ngoài kinh nghiệm diễn xuất, Xuân Bắc còn là người có khả năng biến hóa trong lúc thoại. Ví như trong bóng đá thì Xuân Bắc là người chuyền bóng tốt. Có người chuyền bóng tốt thì tôi mới dứt điểm tốt được.

Nghiêm túc thì nhảm nhí, mà nhảm nhí thì nghiêm túc


Xem "Hỏi xoáy đáp xoay" nhiều khi nhìn thấy "bóng dáng" của Lê Hoàng ở đó? Đây là tình cờ hay là anh cũng ảnh hưởng phong cách của vị đạo diễn nổi tiếng “ngoa ngoắt” này?

- Tôi cũng tham khảo khá nhiều bài viết của anh Lê Hoàng dưới bút danh Lê Thị Liên Hoan. Ở Lê Hoàng có khả năng lập luận logic, chặt chẽ, sắc sảo, rất hợp với kiểu hỏi xoáy đáp xoay. Trong "Thư giãn cuối tuần", anh Lê Hoàng cũng tham gia nhưng ở các tiểu phẩm "Bơm vá" cùng với anh Lê Đình Lộc và tiểu phẩm do ekip trong Nam làm.

Có ý kiến nhận xét, "Thư giãn cuối tuần" tuy chịu khó tìm ra những "món ăn" mới, song nếu nhìn tổng thể thì lại giống như một "món lẩu" vì có tới 4 chuyên mục trong một thời lượng chỉ 30 phút?

- Mục đích của chương trình là đáp ứng sự đa dạng cho nhiều đối tượng công chúng chứ không có một khoảng nào chuyên biệt. "Hỏi xoáy đáp xoay" cũng vậy. Phương châm đặt ra là: Những câu hỏi nhảm nhí thì sẽ giải quyết trên tinh thần nghiêm túc. Còn những câu nghiêm túc thì chọn cách giải quyết nhảm nhí. Xoay mà. Xoay chuyển để tạo sự bất ngờ cho khán giả.

Chúng tôi cũng không tham vọng là sẽ trả lời những vấn đề to tát, cũng không phải để giải đáp kiến thức. Mục tiêu giải trí là chính và "lồng ghép" những kiến thức về khoa học thường thức thôi.

Anh có gặp sức ép gì khi đến với chương trình không khi mà dư âm về những cái dở của "Gặp nhau cuối tuần" vẫn còn?

- Nhiều chứ. Nhưng hơn cả là sức ép về kịch bản, thiếu câu hỏi hay. Còn xoay thì không khó lắm.

Sẽ thay đổi format vì bắt đầu bị chê

Dư luận đến thời điểm này với vị "giáo sư" của anh ra sao?

- Những số đầu được khen nhiều, còn gần đây thì bắt đầu nhận được những lời góp ý và cả chê nữa. Điều đó cũng phản ánh thực tế là chúng tôi "đói" câu hỏi. Trên trang Facebook mà tôi lập ra với tên Giáo sư Xoay mỗi ngày nhận được hơn 500 câu hỏi nhưng sử dụng được rất ít. Nhiều câu hỏi nhảm nhí và đùa cợt nhiều hơn là hỏi. Hoặc khán giả cóp nguyên xi câu hỏi trên mạng để gửi đến chương trình mà không biết rằng, chúng tôi có những công cụ tìm kiếm còn nhanh hơn họ rất nhiều.

Như anh nói, nếu cứ kéo dài nữa thì sẽ "cạn vốn". Vậy anh đã tính đến chuyện thay đổi chưa ?

- Hiện chúng tôi cũng đã nghĩ đến chuyện sẽ thay đổi format. Có thể mời thêm người này người kia cho phong phú hơn. Hình thức hỏi cũng đa dạng hơn, không chỉ ở trong trường quay nữa mà để cho giáo sư gặp một tình huống nào đó rồi hỏi đáp chẳng hạn...

Trang phục, hình thức của tôi cũng sẽ thay đổi theo. Nói chung, chúng tôi có nhiều ý tưởng để thực hiện trên tinh thần mang đến sự tươi mới và các câu hỏi thì cũng thiết thực hơn.

Trên tivi là giáo sư, về nhà là "đê tiện"

Môi trường làm việc ở FPT vẫn được đánh giá là trẻ trung, sôi nổi, dí dỏm và những người ở đó cũng rất hài hước. Vậy ở ngoài đời anh là người như thế nào?

- Tôi cũng không biết nữa vì ngoài đời tôi đúng là như đang ngồi trước mặt chị thôi. Nếu chị nói chuyện với tôi mà thấy hài hước thì tôi đúng là hài hước.

Bố mẹ nói gì khi anh vào vai giáo sư?

- Bố mẹ chỉ yêu cầu tôi cạo râu đi thôi vì bảo để râu trông già hơn bố. Chương trình không yêu cầu tôi phải để râu để tóc cho ra chất giáo sư, chỉ là tôi thích để râu cho mình bớt trẻ đi. Cũng có khán giả gửi thư thắc mắc là sao giáo sư không cạo râu đi thì tôi cũng có trả lời là, để râu trả lời cho nó uy tín.

Với cả, cạo râu đi thì trông ngố ngố, có khi lại thành "đê tiện" như nickneme của tôi thì cũng dở. Còn tóc thì chưa kịp cắt vì cái hàng tôi vẫn cắt không hiểu chuyển đi đâu mà không thấy báo. Cắt ở hàng khác thì tôi không thích vì mấy hiệu cắt tóc gần nhà đều kèm theo gội đầu, massage thôi.

Ra đường hoặc trong cơ quan chắc mọi người quên mất tên thật của anh rồi nhỉ?


- Đến FPT mà hỏi Dũng giáo sư thì chắc là mọi người sẽ ú ớ, nhưng nếu hỏi “Dũng đê tiện” thì ai cũng biết.

Sao anh lại có nickname rất dễ gây hiểu lầm đó?


- Mọi người đùa thôi. Trong FPT mỗi người có một địa chỉ email gắn với tên của người đó. Tôi là Đinh Tiến Dũng thì email là Dungdt. Vậy là mọi người suy luận ra thành "Dũng đê tiện" cho dễ nhớ. Tôi thấy tên này cũng vui. Quan trọng là mình làm được gì, còn tên có hay ho mấy mà không làm được thì cũng dở.

Anh học nông nghiệp nhưng lại xoay sang làm ở FPT. Anh có nghĩ một lúc nào đó lại tiếp tục xoay sang làm đạo diễn, diễn viên không như đang được "bén duyên" không?

- Tôi sẽ còn gắn bó với FPT lâu dài vì môi trường ở đây thích hợp với tôi hơn. Còn công việc phim ảnh chỉ là sở thích.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Thanh Hà