Động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 07:42, 19/11/2010
Cụm công nghiệp Thanh Oai. Ảnh: Thái Hiền
Mặc dù các KCN được thành lập ở gần 60 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng tập trung nhiều tại 3 vùng kinh tế trọng điểm là miền Nam, miền Trung, miền Bắc. Đến nay, các KCN đã thu hút được hàng tỷ USD và hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển hạ tầng phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các dự án đầu tư vào KCN tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp nhẹ, như dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thực phẩm (chiếm hơn 50% tổng số dự án). Đây là các dự án có tỷ lệ xuất khẩu cao, đã góp phần nâng cấp các ngành nói trên về dây chuyền công nghệ, chất lượng sản phẩm... Điều dễ nhận thấy là các KCN đã đóng góp ngày càng hiệu quả trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Riêng lĩnh vực đầu tư nước ngoài, 10 tháng đầu năm đã đạt gần 4.000 triệu USD trong đó có 161 dự án mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt gần 3.000 triệu USD và 186 lượt dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt hơn 1.000 triệu USD. Lũy kế đến tháng 10-2010, các KCN cả nước đã thu hút được 3.841 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 50 tỷ USD. Cũng từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trong KCN đạt doanh thu hơn 16.000 triệu USD. Các KCN cũng thu hút được gần 1.500 nghìn lao động trực tiếp với chuyên môn, kỹ thuật tăng dần. Đặc biệt, các KCN đã chú trọng đến việc xử lý nước thải, với 102 KCN đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 60% tổng số KCN đã vận hành, 33 KCN đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Có thể nói, những năm qua KCN đã góp phần mở rộng thị trường, các yếu tố "đầu vào", "đầu ra" tại các vùng lân cận, nhất là ở những địa phương sở tại trình độ công nghiệp đã phát triển đáng kể. Sức lan tỏa của KCN tại TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, chuyển các địa phương này từ cơ cấu kinh tế thuần nông sang cơ cấu kinh tế công nghiệp hiện đại. Xu hướng lan tỏa từ các KCN ở các địa phương này sẽ được mở rộng hơn nữa sang các địa phương khác, như Long An, Bình Phước... Ở Hà Nội đã, đang và sẽ phát triển ở những vùng xa, khu vực thâm canh cây trồng không đạt hiệu quả, như Sóc Sơn, Xuân Mai, Ba Vì...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài những kết quả mà KCN đã mang lại, chất lượng quy hoạch trong các KCN còn thấp, tổ chức thực hiện quy hoạch chưa triệt để; hiệu quả sử dụng đất tại một số KCN còn chưa cao, do việc đền bù, GPMB còn nhiều phức tạp. Tình trạng các KCN chưa xây dựng đồng bộ với các công trình phúc lợi để bảo đảm cuộc sống cho người lao động, nên vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là chỗ ở cho công nhân trong các KCN. Hàng trăm nghìn công nhân nhập cư làm việc trong các KCN chưa có nhà ở đã, đang nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp không những cho người công nhân nhập cư, mà cả các địa phương nơi có KCN, nhất là các địa phương có nhiều KCN tập trung như: Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc...
Để các KCN hoạt động hiệu quả hơn, cần phát triển theo hướng gia tăng hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Ngay từ khâu xây dựng chiến lược phát triển đến khâu tổ chức triển khai xây dựng KCN phải gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Xác định một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển KCN là động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hạt nhân hình thành đô thị hiện đại, do đó trong quá trình xây dựng KCN, cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước, gắn việc xây dựng hạ tầng trong hàng rào với xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào KCN theo hướng đồng bộ.
Các khu công nghiệp của Hà Nội thu hút 518 dự án |