Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường

Kinh tế - Ngày đăng : 07:37, 19/11/2010

(HNM) - Ngày 18-11, hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III do Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) tổ chức tại Hà Nội. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2005-2010, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng bộ máy quản lý nhà nước, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường…


Đánh giá về kết quả thực hiện công tác BVMT giai đoạn 2005-2010, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận định: Đây là giai đoạn thành công nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, được đánh dấu đầu tiên bằng việc Quốc hội thông qua Luật BVMT năm 2005 (thay thế luật năm 1993) với nhiều quy định mới được bổ sung. Tính đến nay, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đã có 325 cơ sở không còn gây ô nhiễm (chiếm 74%), 114 cơ sở đang tích cực triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để (chiếm 26%). Nhiều địa phương đã tiến hành xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm khác. Điển hình là TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch di dời gần 400 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành, TP Hồ Chí Minh hoàn thành di dời 1.261 cơ sở.

Giai đoạn 2005-2010, hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm được triển khai thường xuyên, liên tục. Riêng trong năm 2009, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương tổ chức 18 đoàn thanh, kiểm tra về BVMT đối với 793 cơ sở, khu - cụm công nghiệp, qua đó đã đề nghị UBND các tỉnh, TP xử phạt trên 10 tỷ đồng, truy thu phí BVMT trên 1 tỷ đồng… 9 tháng đầu năm 2010, các đoàn thanh tra đã lập 113 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường; các địa phương đã xử phạt với số tiền trên 4,13 tỷ đồng…

Theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, những năm qua, vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng diễn biến phức tạp. Trong sản xuất công nghiệp, lợi dụng chính sách mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhiều nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng nhà máy nhưng không chú trọng đến việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nhất là các nhà máy, cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp đang trong giai đoạn hoàn thiện và các cơ sở nằm trên lưu vực sông. Đáng lo ngại là các doanh nghiệp tuy có hệ thống xử lý chất thải nhưng luôn cố tình vi phạm với những thủ đoạn tinh vi để xả thải trực tiếp ra môi trường, như vụ Công ty Vedan Việt Nam, Công ty CP Công nghiệp Tungkuang, Công ty TNHH Miwon, Công ty Thuộc da Hào Dương, Công ty Giấy Việt Trì…

Giải quyết hài hòa mối quan hệ "phát triển bền vững - an sinh xã hội -BVMT" là một nhiệm vụ rất khó nhưng cần thiết phải được thực hiện. Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ TN&MT thừa nhận, công tác BVMT, kiểm soát ô nhiễm đối với một số khu vực trọng điểm còn nhiều bất cập; hiệu quả thực thi một số công cụ quản lý nhà nước về BVMT còn hạn chế. Không thể không nhắc đến một vấn đề cốt yếu là kinh phí đầu tư cho BVMT còn ở mức thấp, chưa theo kịp yêu cầu. Nhiều nơi, chính quyền chưa nhận thức đúng mức, đầy đủ tầm quan trọng của công tác BVMT và phát triển bền vững, thể hiện qua việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn và chỉ đạo công tác BVMT, bỏ qua quy định về đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT khi ký quyết định phê duyệt các dự án đầu tư…

Một số đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về BVMT theo phương châm lấy phòng ngừa là chính. Đồng thời thúc đẩy sự hình thành ngành công nghiệp môi trường, khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường trong các doanh nghiệp.

Tuấn Lương