Chương Mỹ: Nâng cao giá trị đất đồi gò
Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 19/11/2010
Hình thành vùng sản xuất tập trung
Huyện Chương Mỹ có 11.859ha đất canh tác, nhiều vùng đất thịt nặng, đất sỏi đá của các xã Thủy Xuân Tiên, Trần Phú, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, thị trấn Xuân Mai… trước đây chỉ trồng sắn, khoai, giá trị thu nhập chỉ đạt từ 18-20 triệu đồng/ha/năm... Từ năm 2005, huyện chỉ đạo vùng đồi gò chọn lựa đưa những cây, con giống cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chuyển đổi tập quán canh tác. Từ huyện đến xã đã có nhiều cơ chế khuyến khích bà con chuyển đổi như hỗ trợ giống, đưa nông dân đi học tập các mô hình sản xuất ở trong và ngoài thành phố, vận động, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu CTVN phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng.
Chăm sóc cây ăn quả tại xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt
Ngoài số diện tích nông dân tự chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn, cam Canh, năm 2006, huyện đã triển khai dự án trồng bưởi Diễn ở 6/10 xã, thị trấn thuộc vùng đồi gò trên diện tích khoảng 230ha, giá trị thu nhập 1ha bưởi Diễn đạt trên 250 triệu đồng. Anh Trần Văn Thắng ở xã Trần Phú cho biết: Với diện tích hơn 2ha trồng cam Canh, bưởi Diễn cho thu hoạch cao, cam Canh đạt 400 triệu đồng/ha, bưởi Diễn mới cho quả năm thứ 2 nhưng cũng đạt hơn 200 triệu đồng/ha. Nếu so với trồng sắn trước đây giá trị thu nhập gấp 10 lần nên nông dân ở vùng bán sơn địa rất phấn khởi thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng này. Bên cạnh đó, với trên 60ha nhãn chín muộn đã cho thu hoạch trên 100 triệu đồng/ha, đang khẳng định ưu thế của loại cây trồng này trên đồng đất Chương Mỹ. Mặt khác, ở vùng đồi gò, bán sơn địa đã hình thành 330 trang trại chăn nuôi tập trung với doanh thu 1-5 tỷ đồng/năm, quy mô từ 5.000-8.000 con gia cầm. Tương tự, các mô hình trồng rau an toàn (RAT), hoa, cây cảnh chất lượng cao gần 200ha đã góp phần cải thiện đời sống cho hàng vạn nông dân các xã vùng bãi. Đối với các xã như Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến... huyện đẩy mạnh chuyển từ trồng lúa bấp bênh kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi…
Ông Hoàng Văn Thám, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ khẳng định: Qua 5 năm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu CTVN giá trị sản xuất nông nghiệp đã có những bước chuyển quan trọng: từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, với các loại cây trồng kém hiệu quả như lúa, ngô, khoai, sắn sang sản xuất tập trung cây trồng giá trị cao như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn. So với khoai, sắn, trồng cây ăn quả giá trị cao gấp 10 lần; từ diện tích 2 lúa bấp bênh chuyển sang nuôi trồng thủy sản cho giá trị cao gấp 5-6 lần... Kết quả này đã khẳng định chủ trương chuyển đổi của huyện là hoàn toàn đúng, với cách làm bài bản, khoa học đã làm thay đổi diện mạo nông nghiệp ở vùng đất cằn.
Tiền đề xây dựng nông thôn mới
Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ đúc kết kinh nghiệm, để mô hình chuyển đổi CTVN thành công thì công tác dồn điền đổi thửa phải đặt lên hàng đầu. Đi đôi với vận động tuyên truyền phải có biện pháp phù hợp, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ việc tích tụ ruộng đất mới có thể sản xuất tập trung, hàng hóa giá trị cao. Công tác đào tạo nông dân có ý nghĩa quyết định, thay cho phổ biến kỹ thuật đại trà như trước đây, huyện chuyển sang đào tạo chuyên sâu cho nông dân hàng trăm đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ theo từng vùng miền. Các mô hình chuyển đổi từ chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đều phải có cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyển giao. Vấn đề quan trọng hiện nay là đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp, để tạo điều kiện thuận lợi khi tiêu thụ sản phẩm, huyện đã liên kết với trên 20 doanh nghiệp kinh doanh và chế biến nông sản để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ngoài ra, để sản phẩm của Chương Mỹ đứng vững trên thị trường, huyện phối hợp hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho RAT và cây ăn quả chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị nông sản.
Từ những kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi cơ cấu CTVN 5 năm qua, huyện Chương Mỹ định hướng những bước đi phù hợp hơn cho 5 năm tiếp theo 2010-2015 với mục tiêu trở thành vành đai xanh cung ứng thực phẩm sạch cho Thủ đô. Trong thời gian tới khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã, huyện tiếp tục phát triển các mô hình chuyển đổi trong đó: mở rộng diện tích cây ăn quả lên 500ha; đối với sản xuất RAT ngoài thị trấn Chúc Sơn và xã Thụy Hương, huyện sẽ mở rộng ra các xã Lam Điền, Thượng Vực, Hồng Phong với diện tích 500ha... Từ nay đến năm 2015, huyện Chương Mỹ đặt mục tiêu xây dựng thành công NTM ở 12/32 xã, hiệu quả của công tác chuyển đổi CTVN sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đáp ứng các tiêu chí xây dựng NTM.