Chung lợi ích từ dòng Mekong
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:46, 19/11/2010
Với 3 Tuyên bố chung được thông qua, các nhà lãnh đạo tham dự các Hội nghị Cấp cao vừa kết thúc một lần nữa khẳng định, Tiểu vùng Mekong là mô hình hợp tác hiệu quả, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong khu vực ASEAN.
Là những nền kinh tế đang phát triển, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, nhưng sáng kiến Tam giác phát triển CLV được Thủ tướng ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia cam kết trong Tuyên bố Viêng Chăn nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN 10 tại Lào tháng 11-2004 đến nay càng tỏ rõ đây là cơ chế hợp tác hữu hiệu giữa ba nước láng giềng có chung nhiều lợi ích kinh tế và địa - chính trị này. Từ 10 tỉnh trong khu vực biên giới khi mới hình thành, đến nay Tam giác phát triển CLV đã không ngừng lớn mạnh với 13 tỉnh trải dài trên diện tích 143.000km2, trở thành một trong những khu vực có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển lớn trong khu vực. Song, để Tam giác phát triển CLV thực sự trở thành khu vực ổn định về an ninh chính trị, phát triển về kinh tế theo quy hoạch đến năm 2020 như Thủ tướng ba nước vừa cam kết trong Tuyên bố chung tại CLV6 là điều không dễ dàng trong bối cảnh cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế như hiện nay.
Nếu như hợp tác CLV tập trung vào 13 tỉnh biên giới ba nước, CLMV lại lấy thu hẹp khoảng cách phát triển giữa bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam làm ý tưởng chủ đạo cho tiến trình, đặc biệt thông qua tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế. Sau 6 năm hình thành với quy mô hợp tác rộng mở trên mọi lĩnh vực từ thương mại đầu tư đến giao thông, nông nghiệp, từ công nghiệp, năng lượng đến du lịch và phát triển nguồn nhân lực... CLMV đã và đang góp phần tích cực thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy hội nhập của các nước CLMV vào tiến trình phát triển chung của ASEAN cũng như khu vực. Với danh sách 16 dự án đặc biệt ưu tiên vừa được các nhà lãnh đạo CLMV5 thông qua trong Tuyên bố chung, các nước CLMV đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Tiểu vùng nói riêng, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước thành viên khác của ASEAN nói chung.
Diễn ra cuối cùng trong chuỗi các Hội nghị Cấp cao vừa qua, nhưng ACMECS4 lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới, bởi đây được xem là một trong những cơ chế hợp tác đầy đủ nhất giữa năm nước Tiểu vùng Mekong gồm Campuchia - Lào - Myanmar - Thái Lan - Việt Nam hiện nay. Với sức sống mãnh liệt như 3 dòng sông Ayayewady - Chao Phraya - Mekong - những con sông chính trong lưu vực sông Mekong - chiến lược hợp tác kinh tế ACMECS không ngừng được bồi đắp phù sa màu mỡ sau 7 năm hình thành, bổ sung tích cực cho các khuôn khổ hợp tác khác đang được triển khai trong Tiểu vùng Mekong và khu vực. Trong đó, liên kết kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu mà khu vực đang phải đối mặt là những ưu tiên được các nhà lãnh đạo ACMECS4 khẳng định trong Tuyên bố Phnom Penh vừa qua và Kế hoạch Hành động ACMECS giai đoạn 2010-2012.
CLV, CLMV và ACMECS, tuy khác nhau về hình thức cũng như trọng tâm ưu tiên hợp tác, nhưng các cơ chế này đều có điểm chung khi các nước thành viên đều có chung lợi ích từ dòng Mekong. Điểm chung quan trọng nhất mà các cơ chế hợp tác này đang hướng tới là sự phát triển chung của Tiểu vùng cũng như khu vực ASEAN. Là khu vực có vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á, nỗ lực hợp tác giữa năm quốc gia thành viên ASEAN đang giúp Tiểu vùng Mekong ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trên thế giới. Điều đó lý giải vì sao các nền kinh tế lớn như: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU... lại dành sự quan tâm và đầu tư đặc biệt cho Tiểu vùng Mekong qua những sáng kiến hợp tác trị giá hàng tỷ USD như hiện nay.
Tiếp nối thành công tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 diễn ra cuối tháng 10 vừa qua tại Hà Nội, các Cấp cao CLV6, CLMV5 và ACMECS4 vừa khép lại tại Campuchia một lần nữa cho thấy, đóng góp của năm quốc gia Tiểu vùng Mekong vào tiến trình phát triển của ASEAN là cực kỳ quan trọng, trong đó không thể thiếu vai trò "đầu tàu kết nối" cũng như những đóng góp tích cực, chủ động của nước Chủ tịch ASEAN 2010 Việt Nam. Đây là động lực mới góp phần tích cực để ASEAN hướng tới một Cộng đồng ASEAN hùng mạnh vào năm 2015.