Phải vượt lên trên lũ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:28, 19/11/2010
Con số thiệt hại về vật chất đã không còn được tính bằng chục tỷ, trăm tỷ mà lên tới cả ngàn tỷ, chục ngàn tỷ đồng. Đã có tới gần 200 người thiệt mạng trong mấy chục ngày qua. Nước mắt chưa kịp khô, lại tiếp tục chảy hòa trong mưa, trong lũ.
Đã có rất nhiều cuộc tranh luận xung quang câu chuyện lũ dữ miền Trung; đã có rất nhiều góp ý, đề xuất làm các kiểu nhà và cách làm ăn để giúp bà con miền Trung "sống chung với lũ".
Vẫn biết, để tìm ra nguyên nhân của những cơn cuồng thủy đã nhấn chìm miền Trung trong lũ, chắc còn phải mất khá nhiều thời gian, nhiều công sức của các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực. Miền Trung giờ đang phải chấp nhận một thực tế ngày càng khốc liệt hơn sau mỗi mùa mưa lũ, khi mà rừng đầu nguồn đang dần cạn kiệt bởi chính sự tàn phá của con người, khi mà hàng trăm lòng hồ thủy điện to nhỏ đủ loại không chỉ nuốt chửng hàng triệu hécta rừng mà còn đang làm thay đổi dòng chảy các con sông, góp sức cho con lũ thêm phần hung hãn. Bài toán phát triển kinh tế sẽ phải được tính thêm với việc bảo vệ môi sinh, môi trường và nó chắc chắn không thể được giải quyết một sớm, một chiều.
Nhưng có lẽ, cũng rất nhiều năm đã qua, hình như chưa có một phương án nào bàn đến chuyện để miền Trung vượt lên trên lũ mà tồn tại, phát triển.
Chúng ta đã làm và đã thành công trong chiến lược phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với phương châm và các biện pháp khả thi để bà con các tỉnh thuộc vùng đất này "sống chung với lũ". Những khu dân cư vượt lũ, những căn nhà sống trên lũ đã được xây dựng đang dần đem lại một cuộc sống mới cho mảnh đất này. Liệu bài học ấy có thể áp dụng với miền Trung?
Cả nước đang hướng về miền Trung thân yêu. Một cân gạo, gói mỳ, chai nước, cuốn vở... dành cho đồng bào miền Trung lúc này thật đáng quý biết bao. Nhưng, người dân miền Trung, người dân cả nước, bà con Việt kiều ở nước ngoài, bạn bè quốc tế có tình cảm với mảnh đất này chắc không ai muốn cứ mỗi năm lũ về lại ứa nước mắt trước mỗi chuyến hàng cứu trợ.
Miền Trung đang vượt lên chính mình để khẳng định ý chí và nghị lực của mảnh đất kiên trung này. Nhưng, có lẽ đã đến lúc các ngành chức năng cần sớm có các biện pháp khảo sát, đánh giá một cách toàn diện tình hình thực tế của các tỉnh miền Trung để sớm đưa ra phương án hữu hiệu nhất giúp đồng bào miền Trung không chỉ có được những căn nhà sống cùng bão lũ, không chỉ có những cánh rừng, vùng đất luôn giữ được màu xanh sự sống, mà còn giúp miền Trung vượt trên mưa lũ để tồn tại và phát triển.