Nên xã hội hóa một số hoạt động đo lường
Chính trị - Ngày đăng : 16:39, 18/11/2010
Góp ý cho dự thảo luật, các đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự luật đã bao quát đủ các loại hình và nội hàm của các hoạt động đo lường trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, cần tập trung vào qui định hoạt động đo lường mang tính pháp định sẽ phù hợp với thực tế của nước ta hơn. Các hoạt động đo lường khác cũng nên có những qui định mang tính nguyên tắc để sau này có những qui định cụ thể trong các văn bản pháp luật nhằm thực hiện có lộ trình, đưa ngành đo lường Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại.
Đi vào nội dung dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, nhiều nội dung quy định còn chung chung, cần cụ thể đến mức tối đa, nhất là những quy định đặc thù của nhiều ngành, lĩnh vực.
Liên quan đến việc thực hiện phân cấp trong đo lường, các đại biểu đề nghị chú ý đến khả năng thực hiện của các cấp chính quyền địa phương và cơ quan tham mưu của chính quyền địa phương để có thể thực hiện tốt chức năng quản lý về đo lường, có điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, phải có nội dung xã hội hóa một cách tương xứng với một số nhiệm vụ trong hoạt động đo lường.
Về phía các cơ quan Nhà nước, luật phải thể hiện rõ trách nhiệm của các cơ quan này trước nhân dân, thiết lập một hoạt động kinh tế có trật tự. Đi liền với việc quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt chú ý đến vấn đề thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Hoạt động đo lường ở nước ta đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, độ chính xác, chuẩn quốc gia, thiết bị sao truyền. Nhiều hành vi vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh điện năng, nước sạch và trong nhập khẩu, lưu thông hàng đóng gói sẵn – Đó là nhận xét của đại biểu Nguyễn Thị Mai - Ninh Thuận. Vì vậy, việc ban hành Luật đo lường là rất cần thiết và cấp bách.
“Tôi đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường là cần có cơ chế chính sách thúc đẩy xã hội hóa hoạt động hiệu chuẩn, thử nghiệm, kiểm định, sản xuất phương tiện đo. Tuy nhiên, bên cạnh đó Nhà nước cũng cần đầu tư xây dựng những phòng thí nghiệm cấp quốc gia phục vụ cho những lĩnh vực trọng yếu, bức xúc đặt tại những trung tâm lớn của đất nước. Có như thế thì mới phát huy được tiềm lực của mỗi thành phần kinh tế kết hợp Nhà nước và nhân dân cùng trợ lực chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cuộc sống”, đại biểu Mai nói.
Quan tâm đến việc kiểm soát và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, đại biểu Dương Kim Anh - Trà Vinh đề nghị hoạt động đo lường, nhất là đo lường pháp định, cần được quan tâm tập trung hơn nữa về vấn đề kiểm định hiệu chuẩn các phương tiện đo, đảm bảo các phương tiện đo hoạt động đúng. Qua đó việc cân, đong, đo, đếm trong bán lẻ cũng như các hoạt động về quản lý và điều khiển công nghệ cũng được điều chỉnh cho chính xác hơn. Đồng thời các hoạt động thanh tra, kiểm tra các loại hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội như xăng dầu và nhiều hoạt động bán lẻ khác cũng cần được quan tâm và thể hiện đầy đủ trong dự án luật.
“Thực tế đa số người tiêu dùng sử dụng hàng hóa không đúng định lượng đã được công bố, chẳng hạn như vật liệu xây dựng, xăng dầu đong thiếu là phổ biến, các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được, xử phạt quá nhẹ, chỉ từ vài chục, vài trăm triệu đồng quá nhỏ so với số tiền các doanh nghiệp xăng dầu có được từ việc móc túi của người tiêu dùng”, đại biểu Kim Anh nói.
Theo đại biểu Kim Anh, Dự thảo luật nên quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn áp dụng pháp luật về đo lường đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đo lường. Đại biểu Kim Anh tán thành quy định cho Chánh thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện xử phạt đối với trường hợp mức phạt vượt quá mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Góp ý về quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết - An Giang cho rằng, hiện nay người tiêu dùng bị áp lực ngày càng tăng về các hành vi vi phạm quy định về đo lường phát sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh điện năng, nước sạch, vàng bạc… Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội nghề nghiệp giữ vị trí rất quan trọng để thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện, tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, đại diện và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho hội viên. Những quy định này sẽ giúp người tiêu dùng được bảo vệ trong tình hình thực tế hiện nay.
“Dự thảo Luật đo lường quy định cấu trúc chưa phù hợp, quá khái quát, còn chung chung và khó khả thi khi triển khai thực hiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm đúng mức về nội dung này và nên cấu trúc rõ hơn, khả thi hơn theo hướng quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng mang tính đặc thù của luật trong hoạt động đo lường”, đại biểu Tuyết đề nghị.
Cùng chung mối quan tâm về bảo vệ người tiêu dùng, đại biểu Hứa Chu Khem - Sóc Trăng cho rằng, cần phạt cao với các hành vi vi phạm về đo lường, mức xử phạt hành chính hiện nay là chưa đủ sức răn đe, nhất là với hành vi rút túi người tiêu dùng của những trạm bán xăng dầu.
“Chúng tôi đề nghị trong luật này nên bổ sung một khoản, điều như sau: "những đơn vị sử dụng phương tiện đo lường để kinh doanh, buôn bán thì ở trong ngành đó không được làm công tác kiểm định". Bởi vì mình vừa đá bóng, vừa thổi còi thì không nên”, đại biểu Khem nói.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong thay mặt Ban soạn thảo khẳng định, các ý kiến góp ý về cơ bản là chính xác, có nhiều vấn đề mà Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng và sau này trong quá trình tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh cũng chưa tính hết được, hoặc cũng chưa làm rõ hết được, đặc biệt về cấu trúc, tính thống nhất hợp lý của toàn bộ điều khoản, các chương, các phần của luật… Chính phủ và Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh thêm một bước tốt hơn nữa để kỳ họp tới sẽ có dự thảo đáp ứng được đề xuất, yêu cầu của các đại biểu, các cơ quan luật pháp cũng như người dân, người tiêu dùng.